fbpx

Xã hội cần gieo mầm thiện

Không phải ai cũng hoàn toàn đồng ý lên án người tài xế taxi rạng sáng thứ Ba tuần trước đã rồ máy bỏ đi sau khi xuống xe nhìn các nạn nhân mới vừa va chạm với mình. Dù hậu quả của tai nạn tưởng rất nhẹ lại rất thảm khốc – một chết, một bị thương nặng – có người, kể cả luật sư, cho rằng trong tình huống nêu trên, người tài xế bỏ đi có thể vì sợ liên lụy và tình huống này cần được xem xét từ mọi góc cạnh vì nhiều trường hợp người hảo tâm bị phiền toái, thậm chí bị hành hung.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến – kể cả công ty thuê người tài xế – đều cho rằng đây là một hành động vô cảm.

Không biết người tài xế taxi đó nghĩ gì nếu anh ta đọc câu chuyện cứu người của một cậu học sinh lớp 10 vừa đi học vừa phụ hồ ở Quảng Bình báo chí đăng tải gần đây. Sáu ngày trước khi tai nạn chết người liên quan đến anh ta xảy ra, một em học sinh đang trên đường về nhà sau buổi phụ hồ. Nghe tiếng người mẹ kêu cứu con đuối nước, cậu học sinh đó đã vứt đồ nghề, lao ngay xuống sông và cứu được em bé đã chìm xuống đáy. Sau khi cùng mọi người cấp cứu nạn nhân, cậu học sinh dũng cảm lẳng lặng về nhà không nói lời nào. Mọi người túa đi tìm người anh hùng nhỏ tuổi, họ mới thấy em ngồi một mình ở góc sân.

Trả lời nhà báo, Nguyễn Văn Nam – cậu học sinh dũng cảm nêu trên – bảo nghe tiếng kêu cứu em cũng lo, “nhưng việc cứu người quá gấp nên em nhảy liều xuống luôn”, em nói. Ở đây cần nhìn nhận rõ hai vấn đề. Thứ nhất, nạn nhân chẳng can dự gì đến em học sinh. Thứ hai, Nam vẫn chỉ là một cậu thiếu niên. Chưa thành niên đã dám liều mạng cứu người, em cũng chẳng thiết ai gọi mình là anh hùng. Và để biến câu chuyện anh hùng đó lan rộng hơn trong đời thường, xã hội cần biết cách nuôi dưỡng những mầm thiện ngay từ những thế hệ trẻ như Nam.

Người ta thường bảo nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ vì đó là những nhân tố chính trong việc giáo dục nhân cách hướng thiện cho học sinh, những người chủ tương lai của đất nước. Trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng hàng năm như hiện nay, không thể bỏ qua một chủ thể có thể ảnh hưởng rất lớn về vấn đề này trong xã hội, đó là doanh nghiệp. Thiết nghĩ, không có gì sai khi nói rằng nếu muốn và nếu thực hiện một cách nghiêm túc, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giúp giảm bớt tai nạn giao thông mà theo thống kê hiện nay gây chết người nhiều hơn cả thời chiến, bằng cách gieo mầm thiện trong công ty của mình.

Thực vậy, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường bộ đừng lúc nào cũng đặt lợi nhuận lên trên hết mà hãy hợp lý hóa thời gian chạy xe; chỉ cho xe xuất bến với “tài xế sạch” (không ma túy, không chất kích thích) và xe an toàn được kiểm tra kỹ lưỡng.

Các công ty xe buýt biết cách giảm căng thẳng cho tài xế; trước vấn nạn kẹt xe hiện nay, đừng buộc họ phải tuyệt đối bảo đảm nghiêm ngặt thời gian chạy trên đường. Các công ty taxi hãy tìm cách giảm áp lực gây ra do chỉ tiêu doanh số hàng ngày áp lên các bác tài.

Và vượt lên trên hết, nếu các chủ doanh nghiệp thực tâm nghĩ đến cộng đồng trong đó họ làm giàu, họ phải biết cách giáo dục hiệu quả nhân viên về sự an toàn của hành khách và kiên quyết loại bỏ người vi phạm. Trên xe, hành khách thường thấy các khẩu hiệu hô hào “tính mạng con người là trên hết”, nhưng buồn thay chẳng mấy tài xế lại đế ý đến khẩu hiệu dành cho mình. Ở đây có phần lỗi của chủ doanh nghiệp khi họ thiếu quyết tâm đi đến cùng trên con đường gieo mầm thiện.

Để xã hội hướng thiện, một trong những yếu tố cần thiết là Nhà nước cần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho những công dân không bằng lòng với chuyện “kiến nghĩa bất vi”(*) (thấy việc nghĩa mà không làm). Các cơ quan liên quan – nhất là công an và bệnh viện – cần xử lý sự việc theo cách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người trình báo. Ví dụ như phải bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho người tố giác tội phạm hay tránh làm phiền không cần thiết người giúp nạn nhân, hoặc nhìn họ như tội phạm.

Nhà nước thường khuyến khích công dân hướng thiện, giúp đỡ lẫn nhau và chống lại cái xấu. Trong vấn đề này, vai trò làm gương của quan chức nhà nước có tác động dẫn dắt rất lớn. Thật khó thuyết phục được người dân đứng dưới đất về sự liêm chính và cần kiệm khi các quan chức rao giảng điều này vẫn ngồi trên những chiếc xe máy lạnh đắt tiền được tậu bằng tiền thuế của dân.

(*) “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” (Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu).

Quỳnh Thư
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC