fbpx

Răng mất rồi có thể… mọc lại từ đầu được không?

Câu trả lời là có, vì các nhà khoa học Nhật Bản cho biết họ đang bắt tay vào việc phát triển một loại thuốc mới hứa hẹn khả năng kích thích mọc răng.

Khoang miệng của người trưởng thành có 32 răng, thế nhưng vẫn có 1% dân số không mang đủ số răng này do ảnh hưởng từ các bệnh bẩm sinh, trong khi đó lại có những người mang lượng răng vượt quá con số 32. 

Cuộc nghiên cứu đem lại tia hy vọng cho những người bị mất răng nhưng không thoải mái khi trồng răng giả

Tái tạo răng cho người trưởng thành

Giới khoa học đang nghiên cứu gen của những cá nhân thừa răng nhằm tìm ra lý do, và dựa vào đó tìm ra cách tái tạo răng cho người trưởng thành.

Mất răng là một trong những tình trạng phổ biến nhất của chúng ta liên quan đến vấn đề sức khỏe răng miệng. Đó có thể là do việc vệ sinh răng miệng không tốt dẫn đến việc sâu răng và phải nhổ răng hư, hoặc do tuổi tác, bị tai nạn…

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu có một loại thuốc giúp mọi người tái tạo những chiếc răng đã bị mất đi, thay vì làm răng giả? Nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Kyoto và Đại học Fukui cho thấy điều này là khả thi.

Được công bố trên tạp chí Science Advances, nghiên cứu chỉ ra rằng kháng thể của gen USAG-1 (gen có liên quan tới độ nhạy cảm của tử cung) có thể thúc đẩy sự phát triển của răng. Nghiên cứu được thực hiện trên những con chuột bị lão hóa răng bẩm sinh.

Kết quả chứng minh rằng USAG-1 có thể kiểm soát số lượng răng bằng cách ức chế sự phát triển của mầm răng ở loài chuột hoang dã hoặc chuột đột biến bị mất răng.

Không phải người nào cũng biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách để gìn giữ hàm răng chắc khỏe

Phải chờ đợi thêm một thời gian

Katsu Takahashi, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, đồng thời là giảng viên tại Trường Đại học Y khoa Kyoto, cho biết: “Chúng tôi biết rằng việc ức chế USAG-1 có lợi cho sự phát triển của răng. Điều chúng tôi không biết là liệu làm thế thì đủ hay chưa.”

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã đạt được thành công trong việc tái tạo răng trên loài chuột và chồn sương. Đây là loài động vật hai bộ răng có cấu trúc răng miệng tương tự như con người. Kế hoạch tiếp theo của các nhà nghiên cứu là kiểm tra các kháng thể trên các động vật khác như heo và chó.

Khả năng phát triển răng của từng người phụ thuộc vào sự tương tác của nhiều phân tử, trong đó có BMP (protein phát triển xương), và tín hiệu Wtn truyền từ protein tới tế bào.

BMP và Wnt liên quan tới nhiều quá trình hoạt động của cơ thể hơn là việc mọc răng. Chúng điều chỉnh tốc độ phát triển của nhiều bộ phận và mô trước cả khi cơ thể thai nhi có kích cỡ của một quả nho. 

Tuy cuộc nghiên cứu cho thấy tác dụng bước đầu của kháng thể đơn bào với việc hình thành răng, những người đang thiếu răng có thể phải chờ đợi thêm một thời gian để đón nhận việc cấp phép cho loại thuốc “thần kỳ” giúp răng mọc lại từ đầu.

Thiệu Kiệt

(theo GreenQueen)

CÙNG CHUYÊN MỤC