fbpx

Sống xanh theo điều kiện của bạn

Theo nữ giảng viên ở Hà Nội, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể thực hành lối sống xanh trong điều kiện và khả năng của mình nếu muốn.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ rằng từ nhiều năm qua, bà sống theo các nguyên tắc sau:

Tiết kiệm tài nguyên 

Tôi xài nước, điện và nhiên liệu rất tiết kiệm, như cố gắng mua mọi thiết bị loại tiết kiệm điện và tắt ngay khi không dùng. Tôi chỉ dùng nước vừa đủ, hạn chế đi xe hơi và xe máy, tăng cường đi xe đạp và đi bộ để giảm khí thải. Tôi cũng phản đối dùng bếp than, tuyệt đối không đốt vàng mã vào các dịp lễ Tết.

Hà Nội đang có một số cửa hàng Zero waste để phục vụ khách hàng muốn thực hành lối sống xanh

Không lãng phí lương thực

Sinh ra trong thời bao cấp, tôi rất ghét người phung phí đồ ăn, nên thường chỉ nấu ăn vừa đủ và nếu còn dư bữa sau phải dùng hết. Vì vụ này mà tôi tranh cãi với chồng không biết bao nhiêu lần. Ông ấy cho là chút tiền ấy không đáng, ăn đồ mới cho ngon. Nhưng với tôi, thức ăn không phải là tiền mà là quà tặng của tự nhiên, phung phí như bà tôi dạy là “phải tội”, sẽ bị “Trời phạt”.

Tôi còn nhớ rõ những ngày hồi còn nhỏ, chỉ mơ ước có cơm nguội ăn là tốt rồi nên sau này mình không thể phung phí lương thực được, nhất là khi thế giới còn nhiều người đói khổ.

Hạn chế tối đa rác thải nhựa 

Thời gian ở nước ngoài, tôi thường mang theo túi vải để không cần lấy túi ni lông. Nhưng từ khi về Việt Nam thì khó hơn, nhưng tôi cố không lấy thừa và dùng lại túi cũ. 

Mỗi khi ra ngoài ăn uống, tôi ưu tiên các quán dùng ly và ống hút bằng giấy. 

Một nhà hàng sử dụng ống hút làm từ cỏ

Vứt rác thải sạch sẽ để người ta có thể tái chế 

Sau thời gian ở Đài Loan, tôi rất thấm nhuần tinh thần phân loại rác của họ còn tốt hơn ở phương Tây nữa. Nhưng về Việt Nam thì chịu. Theo như tôi thấy, mình chỉ còn cách vứt rác đúng nơi quy định, để riêng những thứ còn có thể dùng được để tái chế dễ dàng hơn.

Không dùng đồ nội thất làm từ gỗ tự nhiên nguyên khối 

Theo như tôi biết, rừng tự nhiên ở Việt Nam bây giờ chỉ còn rất ít nên mỗi lần nhìn thấy ảnh thiên hạ khoe những ngôi nhà và cả chùa chiền, ốp gỗ từ trần đến sàn hay các bộ ghế bàn tủ được làm bằng gỗ nguyên khối, tôi thấy rất giận dữ như thấy kẻ cắp khoe của vậy. 

Từ cách đây hơn 20 năm, khi đặt làm đồ gỗ, tôi dặn thợ không dùng gỗ không rõ nguồn gốc, rẻ tốt thế nào cũng không được. Cứ phạm những điều này là tôi không trả tiền. Mọi người ai cũng ngạc nhiên nhưng tôi đã quyết là tôi làm. Quan điểm của tôi là mình không thay đổi được thế giới nhưng ít nhất tôi không góp phần vào việc làm cho mọi thứ xấu đi. 

Thiệu Kiệt

CÙNG CHUYÊN MỤC