Những dòng sông chết
Tôi sinh ra và lớn lên tại làng An Hòa, phía Bắc kinh thành Huế. Quê tôi có mái đình nhìn ra con sông lững lờ uốn quanh. Đã bao đời nay, con sông ấy tạo nên không gian sinh hoạt và giải trí chung của cư dân trong làng. Tôi không thể quên khi thả mình trong làn nước mát rượi của ngày nắng chang chang xứ Huế suốt thời thơ ấu.
Xa Huế đã hơn 25 năm, những chuyến trở về của tôi chưa bao giờ thật sự trọn vẹn, có lẽ vì thiếu những giây phút được bơi lội trên dòng sông xưa. Sông An Hòa vẫn bên mái đình, nhưng với tôi cũng như người dân ở làng, nó đã xa cách quá. Người ta không thể hóng mát, câu cá, bơi lội hay giặt giũ nữa. Nước sông đã quá bẩn.
Đã bao lâu rồi, bạn không còn được chạm vào dòng sông quê? Không chỉ mình tôi, bởi không ít con sông đã và đang “qua đời” (từ của Trịnh Công Sơn). Thật ra, nhạc sĩ đã ví dòng sông – từng là nơi hò hẹn của một cuộc tình đã chia ly – như đã chết trong tim. Còn dòng sông của tôi, nó chết thật, theo đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng.
Việt Nam là một quốc gia thực sự giàu về tài nguyên nước, với hơn 3.500 con sông có chiều dài lớn hơn 10 cây số trong tổng số 16 lưu vực sông chính. Tuy vậy, hiệu suất sử dụng nước của Việt Nam để tạo ra tăng trưởng kinh tế thuộc loại thấp nhất thế giới. Trung bình việc sử dụng một m3 nước ở Việt Nam tạo ra giá trị 2,37 USD trong GDP, thấp hơn cả Lào (3,53 USD) và Campuchia (8,26 USD), chỉ bằng 1/8 so với mức trung bình của thế giới (19,42 USD). Chúng ta đã phung phí sự giàu có của mình.
Sử dụng nước lãng phí, cùng với việc thiếu hạ tầng thu gom xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp là nguyên nhân chính bức tử các dòng sông. Thống kê của Bộ Xây dựng năm 2019 cho thấy chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt tại các đô thị được xử lý trước khi xả vào nguồn nước. Nghĩa là, cứ mỗi 1.000 m3 nước thải sinh hoạt được tạo ra thì có đến 875 m3 xả trực tiếp ra các dòng suối, sông mà không hề được xử lý. Các hệ thống xử lý tập trung cũng chỉ đảm đương được 71% lượng nước thải công nghiệp, còn lại 29% hồn nhiên tiến thẳng ra môi trường.
Đó là chưa kể đến việc đóng góp của các dự án thủy lợi, thủy điện trong việc phá hủy tự nhiên, làm đảo lộn hệ sinh thái. Thêm nữa, thói quen “cứ tưởng dòng sông là bãi rác” của nhiều người khiến chúng hấp hối nhanh hơn.
Ít ai biết hiện có 4 bộ tham gia trực tiếp, 5 bộ quản lý gián tiếp, cùng với 63 cơ quan cấp tỉnh đang quản lý nguồn nước tại Việt Nam. Đội ngũ thực thi pháp luật hùng hậu này được trang bị 15 bộ luật, 25 nghị định và hàng chục thông tư, quyết định, quy chuẩn về quản lý và bảo vệ nguồn nước.
Tuy nhiên, đã 25 năm kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, các dòng sông vẫn cứ lần lượt chết lâm sàng, rồi chết hẳn: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy, Thị Vải, Cái Lớn, kênh Nhiêu Lộc, hàng trăm con kênh ở các thành phố lớn, và cả sông An Hòa của tôi. Những nguồn nước gắn bó ngàn đời với người Việt trở thành ổ chứa rác và dịch bệnh, phát tán mùi hôi, không thể cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt mà còn là nguồn gây bệnh.
Nếu không hành động kịp thời để ngăn chặn các mối đe dọa nguồn nước thì kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm kể từ 2035, theo Ngân hàng Thế giới. Nói cách khác, nếu hơn 3.500 con sông ở Việt Nam nối tiếp nhau qua đời, thì sau năm 2035, thiệt hại kinh tế của Việt Nam hàng năm khoảng hơn 60 tỷ USD – tương đương 1/4 GDP hiện tại.
Các quy hoạch xử lý nước thải và thoát nước ba lưu vực sông chính gồm hệ thống sông Đồng Nai, sông Nhuệ – Đáy và sông Cầu đã được Chính phủ phê duyệt, với lộ trình xây dựng hơn 100 nhà máy xử lý nước thải cho đến năm 2030, tổng kinh phí khoảng 18 tỷ USD. Nhưng đã hơn 5 năm kể từ khi quy hoạch được ban hành, bài toán “đầu tiên, tiền đâu” vẫn chưa có lời giải. Các nhà quản lý vẫn chờ nguồn đầu tư công và vốn ODA.
Thật ra, nguồn thu khoảng 3 tỷ USD mỗi năm từ thuế Bảo vệ môi trường từ năm nay có thể giải bài toán này chỉ trong 6 năm. Nghĩa là chính phủ có thể hoàn tất xây dựng hơn 100 nhà máy xử lý nước thải cho cả nước vào năm 2025 nếu sử dụng toàn bộ thuế Bảo vệ môi trường để đầu tư cải tạo nguồn nước. Đó là trên lý thuyết, còn thực tế lại khác. Số liệu của Bộ Tài chính năm 2017 cho biết chưa đến 23% tiền thuế Bảo vệ môi trường được chi cho bảo vệ môi trường, còn lại phải nộp vào ngân sách cho các nhu cầu sử dụng khác. Thuế Bảo vệ môi trường đã chủ yếu không dùng cho môi trường.
Các mô hình quản lý nguồn nước thành công tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ hay Israel phần lớn dựa trên mô hình hợp tác công tư (PPP). Tức nhà nước và tư nhân ký cam kết hợp tác 10 đến 50 năm để phân bổ trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi và rủi ro. PPP cho phép nhà nước tận dụng nguồn lực tài chính và kinh nghiệm quản lý của khối tư nhân trong đầu tư hạ tầng, nhất là các dự án được coi là ít có khả năng sinh lời như xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Đã qua rồi những ngày xưa khi thiên nhiên còn đủ sức tự chuyển hóa ô nhiễm do con người thải ra. Còn bây giờ, năng lực tự làm sạch của môi trường tại Việt Nam đã đạt đến giới hạn, và ô nhiễm cũng chính là sự phản đối không lời của thiên nhiên trước hành động xâm hại môi trường của chúng ta. Đầu tư cho bảo vệ môi trường, bao gồm đầu tư xử lý nước thải để cứu các dòng sông, chính là bảo vệ giống nòi, nền kinh tế và tương lai đất nước.
Nguyễn Đăng Anh Thi
Theo VnExpress