Mực nước ở hạ lưu sông Mekong gia tăng đáng kể
Mặc dù có gia tăng đáng kể nhưng mực nước sông ở tất cả các trạm quan trắc – bao gồm cả Việt Nam – vẫn thấp hơn mức báo động hoặc mức nguy hiểm.
Mới đây, Ban thư ký Ủy hội sông Mekong cho biết mực nước ghi nhận ở lưu vực hạ lưu sông Mekong đã tăng đáng kể trong bảy ngày qua. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm trạm Tân Châu trên sông Mekong và trạm Châu Đốc trên sông Bassac, ghi nhận mực nước sông ở đây đã gia tăng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự dao động của mực nước giữa mức thấp nhất và mức cao nhất là do hiệu ứng thủy triều.
Trong khi đó, ở các khu vực khác, mực nước tăng chủ yếu do lượng mưa nước và lượng nước xả đột ngột từ các đập. Cụ thể, lượng mưa lớn ở một số khu vực hạ lưu sông Mekong vào tuần trước đã góp phần gây ra sự gia tăng mực nước sông – cụ thể là cao hơn mức trung bình dài hạn, theo dữ liệu mực nước và lượng mưa quan sát được của Ủy hội sông Mekong.
Lượng mưa ở khu vực này trong tháng 7 vừa qua cao hơn khoảng 40% so với lượng mưa cùng kỳ năm 2015 và 2020. “Do lượng mưa lớn, các đập ở hạ lưu sông Mekong – bao gồm cả các đập trên các nhánh của sông – đã xả một lượng lớn nước trong suốt hai ngày 24 đến 25 tháng 7, khiến mực nước tăng nhanh chóng”, TS Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực thuộc Ban thư ký Ủy hội sông Mekong, cho biết.
Ông nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ liệu những đợt nước dâng này có gây ra thiệt hại gì hay không. “Việc các đập phụ lưu xả nước đột ngột là một thách thức lớn đối với công tác dự báo mực nước sông”, TS Sơn nói và lưu ý rằng Ủy hội sông Mekong đã lắp đặt 67 trạm khí tượng thủy văn tự động dọc theo dòng chính và các nhánh sông Mekong nhằm thu thập dữ liệu về lượng mưa và mực nước sông.
Mực nước tại trạm Chiang Saen của Thái Lan, trạm quan trắc đầu tiên trên sông Mekong ở Thái Lan nằm cách đập Cảnh Hồng khoảng 300km, dâng từ 3,1m lên đến 6.5m trong quãng thời gian từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 7, tức là tăng gần 3.5m. Nhưng mực nước này đã rút đi khoảng 1m trong thời gian từ ngày 24 đến 26 tháng 7. Trong 5 ngày tới, mực nước sông dự kiến sẽ giảm thêm 0,65m.
Trạm Luang Praband ghi nhận mực nước sông dâng từ 9,92m lên 12,28m trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 7 mặc dù dự báo mực nước này sẽ giảm khoảng 0,35m trong 5 ngày tới.
Tại trạm Ban Pakhoung, nằm cách hạ lưu đập Xayaburi 5km, mực nước trạm đo được đã dâng từ 10.19m lên 14.22m từ 22 đến 26 tháng 7, tăng lũy tích 4m. Nhưng mực nước sông dự kiến sẽ giảm khoảng 2m trong 5 ngày tới. Tại trạm Chiang Khan (Thái Lan), nằm ở hạ lưu đập Xayaburi, mực nước dâng từ 6.3m lên 10.5m từ ngày 22 đến 26 tháng 7. Tuy nhiên, dự báo mực nước sẽ giảm khoảng 0,9m trong 5 ngày tới.
Trạm đo ở thủ độ Viêng Chăn của Lào ghi nhận mực nước sông tăng đột biến hơn 4.83m trong bảy ngày qua, nhưng dự kiến mực nước sẽ giảm khoảng 0.3m trong vòng 5 ngày tới. Từ Nakhon Phanom (Thái Lan) đến Pakse (CHDCND Lào), mực nước sông đã tăng hơn 3.1m và có thể tiếp tục tăng khoảng 1.6m trong 5 ngày tới.
Cũng trong quãng thời gian trên, tại Campuchia, mực nước ở các đoạn từ Stung Treng đến Neak Luong ở Prey Veng được ghi nhận đã tang 0.85m. Trong 5 ngày tới, dự báo mực nước sẽ tăng them 2.6m.
Đập Cảnh Hồng sẽ khiến lưu lượng nước giảm
Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, lưu lượng nước chảy từ trạm thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam sẽ giảm khoảng 50% do dự án xây dựng lưới điện. Bộ này cho hay, việc “phối hợp xây dựng lưới điện” sẽ dẫn đến giảm dòng chảy từ trạm này trong 20 ngày, luân phiên từ 900 đến 1.300 mét khối mỗi giây và 700 mét khối mỗi giây trong thời gian từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8. Lưu lượng dòng chảy được ghi nhận tại đập Cảnh Hồng vào ngày 28 tháng 7 là 1.569 mét khối mỗi giây.
“Chúng tôi dự đoán mực nước sông tại hạ lưu đập Cảnh Hồng sẽ sụt giảm ngay lập tức”, TS Sơn cho hay. “Nhưng điều này còn phụ thuộc vào lượng mưa ở khu vực trong những ngày tới.”
Ủy hội sông Mekong cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi mực nước trên toàn khu vực sông Mekong trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường.
Thành lập vào năm 1995, Ủy hội sông Mekong là một tổ chức liên chính phủ với mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác khu vực ở hạ lưu sông Mekong. Dựa trên Hiệp định Mekong giữa Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam, Ủy ban đóng vai trò như một nền tảng ngoại giao trong khu vực cũng như một trung tâm thông tin về quản lý tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững của khu vực. |
Hà Trang (tổng hợp)
Theo Tạp chí Tia sáng
Link nguồn: https://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Muc-nuoc-o-ha-luu-song-Mekong-gia-tang-dang-ke-28355