ĐBSCL gìn giữ “tài sản” quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu
“ĐBSCL là một cơ thể sống, có các cơ quan, mạch máu, các tiến trình vận hành trong một tổng thể nhất quán. Có những vấn đề không thể giải quyết trong phạm vi một tỉnh. Chịu ảnh hưởng chung từ biến đổi khí hậu, phía thượng nguồn… nên cần phục hồi tính liên thông, kết nối giữa sông và biển. Việc này tự một địa phương không làm được vì nhiều tỉnh nằm trong đất liền, do đó phải trông chờ vào Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giải quyết” – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL phát biểu sáng 25/6, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cùng đại diện các sở ngành, địa phương trong tỉnh.
Trong 3 năm qua, Hậu Giang đã đầu tư trên 8.200 tỷ đồng cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó tỉnh đã bố trí 308 tỷ đồng cho các dự án, công trình thích ứng trực tiếp với BĐKH như nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Châu Thành; nâng cấp tuyến ống cấp nước 11 xã và xây dựng các công trình cấp bách phòng chống sạt lở, xâm nhập mặn, bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư các công trình phòng tránh thiên tai, thích ứng BĐKH.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang: Tình hình BĐKH, thiên tai tại ĐBSCL diễn biến nhanh hơn dự báo, khó lường, tình hình sạt lở tiếp tục xảy ra, trong khi khả năng ứng phó của địa phương hạn chế. Đối mặt với thách thức chung của ĐBSCL từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, việc thiếu hụt nguồn phù sa về đồng bằng và vấn đề suy giảm nguồn tài nguyên nước.
Ông Trương Cảnh Tuyên kiến nghị: Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện quy hoạch tỉnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ, cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu…
Nghiên cứu ban hành chính sách về tích tụ ruộng đất nhằm tạo điều kiện nâng cao quy mô sản xuất nông hộ vùng ĐBSCL; hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ trực tiếp việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các địa phương; sớm ban hành cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư phát triển bền vững vùng ĐBSCL…
Đề nghị bổ sung xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng vùng ĐBSCL phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Trong quá trình đầu tư mạng lưới quan trắc, giám sát sạt lở vùng ĐBSCL, cần bổ sung trạm theo dõi chỉ tiêu bùn cát lơ lửng; sớm hoàn thành dự án hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL và hỗ trợ địa phương trong việc khai thác cơ sở dữ liệu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL: Để phát triển bền vững, những “tài sản” quan trọng cần gìn giữ vùng ĐBSCL là sức khỏe của đất đai; sức khỏe của sông ngòi, thủy sản và nét văn hóa sông nước.
Cao Phong
Theo sggp.org.vn
Link nguồn: https://www.sggp.org.vn/dbscl-gin-giu-tai-san-quan-trong-de-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-741440.html