fbpx

Ấm nóng toàn cầu làm cho nước đã giàu lại giàu hơn?

Nhiệt độ có thể đang tăng lên trên toàn cầu, nhưng không phải tất cả chúng ta đều cảm thấy tác động theo cùng một cách.

Trong nửa thế kỷ qua, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, kéo lùi sự phát triển ở các quốc gia nghèo nhất trong khi có khả năng thúc đẩy sự thịnh vượng ở một số nước giàu nhất, một nghiên cứu mới cho biết.

Sự nóng lên toàn cầu có thể đã làm tăng GDP bình quân đầu người của một số quốc gia giàu có

 

Khoảng cách giữa các nước nghèo nhất và giàu nhất thế giới ngày nay là 25% lớn hơn so với khoảng nếu như không có sự nóng lên toàn cầu, theo các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford ở California. Các quốc gia châu Phi ở vĩ độ nhiệt đới đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với GDP bình quân đầu người của Mauritania và Nigeria thấp hơn 40% so với mức nếu không có sự tăng nhiệt độ. Ấn Độ – mà quỹ IMF cho biết sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm nay – đã có GDP bình quân đầu người thấp hơn 31% trong năm 2010 vì sự nóng lên toàn cầu, nghiên cứu này cho biết. Con số này của Brazil – nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới – là 25%.

Mặt khác, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National academy of Science, sự nóng lên toàn cầu có thể đã làm tăng GDP bình quân đầu người của một số quốc gia giàu có, kể cả một số trong số những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.

Nigeria là một trong những quốc gia tìm kiếm viện trợ quốc tế để giúp nước này đối phó với những tác động của môi trường thay đổi

 

Hình phạt của việc nóng lên

Đồng tác giả, giáo sư Marshall Burke, thuộc khoa Khoa học hệ thống trái đất tại Đại học Stanford, đã dành nhiều năm để phân tích mối quan hệ giữa nhiệt độ và biến động kinh tế ở 165 quốc gia từ năm 1961 đến 2010. Nghiên cứu này đã sử dụng hơn 20 mô hình khí hậu để xác định mức độ ấm lên của mỗi quốc gia do biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Sau đó, nó đã tính toán 20.000 trường hợp của tốc độ tăng trưởng hàng năm giả dụ như không sự tăng nhiệt độ.

Burke đã chứng minh rằng tăng trưởng đã tăng tốc ở các nước khí hậu mát trong những năm ấm hơn mức trung bình, trong khi ở các nước khí hậu nóng thì tốc độ bị chậm lại. “Dữ liệu lịch sử cho thấy rõ ràng rằng cây trồng có năng suất cao hơn, con người khỏe mạnh hơn và chúng ta làm việc hiệu quả hơn khi nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh,” ông nói. Ông lập luận rằng các quốc gia lạnh đã gặt hái được “lợi ích ấm lên” từ nhiệt độ tăng, trong khi các quốc gia nóng đã bị “hình phạt ấm lên” do bị đẩy ra xa ra khỏi nhiệt độ tối ưu của họ.

“Có một số con đường mà theo đó các yếu tố cấu thành của hoạt động kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ,” nhà nghiên cứu chính Chris Diffenbaugh nói. “Ví dụ về nông nghiệp. Các quốc gia lạnh có mùa sinh trưởng sinh vật rất hạn chế vì mùa đông. Mặt khác, chúng tôi có bằng chứng đáng kể rằng sản lượng cây trồng đã giảm mạnh ở nhiệt độ cao,” Diffenbaugh nói. “Tương tự như vậy, có bằng chứng cho thấy năng suất lao động giảm ở nhiệt độ cao, hiệu quả nhận thức giảm ở nhiệt độ cao, xung đột giữa các cá nhân tăng ở nhiệt độ cao.”

Greta Thunberg, nhà hoạt động biến đổi khí hậu 16 tuổi đã truyền cảm hứng cho một phong trào thanh thiếu niên quốc tế

 

Cho nước giàu và cho nước nghèo?

Các nhà nghiên cứu cho biết trong khi có một số điều không chắc chắn về lợi ích thu được từ các quốc gia lạnh hơn, giàu hơn, thì tác động xấu đối với các quốc gia ấm hơn trong lịch sử là chắc chắn. 

Trên thực tế, nếu các nhà nghiên cứu theo dõi sự nóng lên toàn cầu ngay từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp, họ nói rằng các hiệu ứng quan sát thấy sẽ còn lớn hơn. “Những phát hiện của nghiên cứu này phù hợp với những gì đã được biết trong nhiều năm qua, rằng biến đổi khí hậu hoạt động như một hệ số bội tăng mối đe dọa, và tác động vào các điểm yếu hiện có và làm cho chúng tồi tệ hơn,” Happy Khambule, cố vấn chính trị cao cấp tại Greenpeace Africa nói. 

“Điều này có nghĩa là những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu, và các nước đang phát triển phải đối phó với các tác động khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây thiệt hại cho sự phát triển của họ.”. Sự thiếu khả năng hồi phục của Mozambique là rõ ràng sau cơn bão Kenneth, khiến hơn 40 người chết do nó gây ra lở đất vào ngày 25 tháng 4, Khambule cho biết thêm. Vào tháng 3, hơn 900 người đã chết trên khắp Mozambique, Ma-la-uy và Zimbabwe do hậu quả của lốc xoáy Idai.

Nhưng ngay cả Nam Phi, nơi được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng cao cấp hơn, đã phải vật lộn trước các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như cuộc khủng hoảng nước Day Zero năm 2018 và lũ lụt gần đây ở Kwa-Zulu Natal, Khambule nói. “Các nước Châu Phi đã góp phần rất ít tạo ra sự thay đổi khí hậu, nhưng đang phải đối mặt với những tác động sâu sắc mà họ không được trang bị đầy đủ để đối phó.”

Sóng nhiệt chết người – tương tự như sóng nhiệt năm 2015 đã giết chết hàng ngàn người ở Ấn Độ và Pakistan – có thể sớm trở thành quy tắc

 

Không chia sẻ sự giàu có

Theo nghiên cứu này, từ năm 1961 đến 2010, tất cả 18 quốc gia có tổng phát thải lịch sử dưới 10 tấn CO2 trên đầu người (9 tấn) đã phải chịu tác động tiêu cực từ sự nóng lên toàn cầu – với mức giảm trung bình 27% GDP bình quân đầu người so với kịch bản không tăng nhiệt độ.

Ngược lại, 14 trong số 19 quốc gia có lượng khí thải tích lũy vượt quá 300 tấn CO2 trên đầu người (272 tấn) đã được hưởng lợi từ sự nóng lên toàn cầu, với việc làm tăng trung bình 13% cho GDP bình quân đầu người.”. “Các quốc gia nghèo không chỉ không được chia sẻ lợi ích đầy đủ của tiêu thụ năng lượng, nhưng nhiều quốc gia đã trở nên nghèo hơn (xét tương đối) vì mức tiêu thụ năng lượng cao của các quốc gia giàu có,” nghiên cứu này cho biết.

Phong trào ‘Extinction Rebellion’ muốn các chính phủ “nói sự thật” về quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu và ban hành luật để cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2025

 

Nhưng những phát hiện này đã không được nhận mà không bị chỉ trích. 

Solomon Hsiang, giáo sư chính sách công tại UC Berkeley, người từng cộng tác với 2 nhà nghiên cứu trong quá khứ, nói rằng mặc dù tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với các nước nghèo hơn, nóng hơn là “hoàn toàn chính xác”, nhưng tác động tiêu cực của nó cũng được cảm nhận thấy ở các nước giàu hơn. “Chúng tôi thấy các tác hại bị trì hoãn xuất hiện ở các nước giàu hơn, khi sử dụng các phương pháp phân tích đó. Vì vậy, nếu ta nhìn xa hơn năm đầu tiên của tác động, ta sẽ thấy các thiệt hại xuất hiện ở các quốc gia lạnh hơn, giàu hơn cũng như các nước nghèo hơn, nóng hơn.” Hsiang nói.

Mức độ mà sự tăng trưởng đã bị ảnh hưởng ở các quốc gia ở vĩ độ trung bình, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản – ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng còn kém rõ ràng. “Về lâu dài, biến đổi khí hậu không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào.” Khambule nói. “Nếu nó tiếp tục mà không suy giảm, chúng ta sẽ phải đối mặt với biến đổi khí hậu cực đoan. Điều quan trọng là các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới phải hành động để giảm lượng khí thải một cách khẩn cấp.”

“Các nhà hoạch định chính sách cần xử lý việc thay đổi khí hậu nghiêm túc nhiều hơn nữa so với hiện tại, và đảm bảo rằng có một sự chuyển đổi khẩn cấp rời bỏ nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo.”.

Pablo Uchoa

Theo BBC Tiếng Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC