fbpx

Vì sao bạn nên dạy trẻ tái chế từ sớm?

Việc bố mẹ, thầy cô khơi dậy niềm ham thích tái chế cho trẻ em được cho là giúp chúng phát triển khả năng sáng tạo và thích nghi với hoàn cảnh, đồng thời giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Chị Hà Anh, một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ: “Ngày tôi nhỏ, ba tôi hay dạy tôi làm những thứ như khung ảnh tái chế, hoặc tận dụng lịch bloc bằng cách tích trữ giấy bạc, giấy kẹo cắt vụn rồi dán lộn xộn lên các bìa carton…  Ba bảo tôi là cứ vài tháng thử kê lại đồ trong nhà theo kiểu khác rồi nhận xét xem có gì hay, có gì dở so với cách kê đồ trước đó. Ông cũng dạy tôi cách trồng cây và chăn nuôi, khâu vá, may đồ. 

Học sinh của chị Hà Anh bên những món đồ được tái chế ngay ở lớp

Đem lại niềm vui, sự thư giãn

Sau này, khi lớn lên, tôi nhận ra tất cả những kỹ năng ấy giúp tôi kiếm ra tiền hoặc tiết kiệm tiền vì tự tái chế, tái sử dụng những món đồ lặt vặt trong nhà dễ dàng mà không cần phải mua. Và đặc biệt, kỹ năng tái chế đem lại cho tôi niềm vui, sự thư giãn trong cuộc sống.” 

Chị Hà Anh cho biết, chị chịu khó nhặt nhạnh những thứ bị người khác bỏ đi và sau đó tân trang hoặc tái sử dụng để trang trí cho những căn nhà cho người nước ngoài thuê. Việc tái sử dụng này được khách thuê nhà tỏ vẻ rất thích thú.  

“Tôi đem sở thích ấy truyền dạy cho con và học sinh của mình, thấy khá hài lòng về kết quả. Ít nhất là bọn trẻ thấy thích thú vì nhận ra từ nay chúng có thể tự tay làm được đồ dùng dễ thương từ những món bị coi là rác thải và thú vui này chẳng tốn tiền chút nào,” chị Hà Anh chia sẻ. 

Điều quan trọng hơn là những đứa trẻ biết yêu quý, trân trọng việc tái chế, tái sử dụng những món đồ dùng trong nhà. 

Những vỏ chai nhựa được học sinh chế thành đồ trang trí bắt mắt

 

Làm quen với việc tái chế đơn giản

“Chúng ta hãy truyền tình yêu ấy cho những đứa trẻ quanh mình. Bởi chúng sẽ đón nhận và phát huy tốt nhất điều mà bạn truyền cho chúng,’ chị Hà Anh đưa ra lời kêu gọi.

Bạn có thể bắt đầu việc này với trẻ đang học mầm non với ba nguyên tắc cơ bản: Tiết giảm, tái dụng và tái chế.

Hãy giải thích cho trẻ em hiểu rằng, sau quá trình sử dụng, rác được chia làm ba loại: Những vật dụng như túi nylon, vỏ trứng, đồ gốm sứ… thuộc nhóm rác khó phân hủy. Thức ăn thừa, giấy ăn, các loại hoa, lá… thuộc nhóm rác dễ phân hủy. Vỏ lon, hộp giấy, các loại đồ nhựa, quần áo… thuộc nhóm có thể tái chế.

Và từ những vật dụng quen thuộc trong nhà, trẻ em có thể làm quen với việc tái chế đơn giản. Chẳng hạn, với chai nhựa đựng nước, các em biến hóa thành hộp đựng viết hoặc giỏ đựng hoa. Hoặc chỉ cần có những lỗ nhỏ ngay trên đầu nắp, chai nước đã trở thành dụng cụ tưới cây.

Ngay cả với thìa nhựa, với sự hướng dẫn của người lớn, trẻ em cũng có thể tự tay chế thành những chú bướm xinh xắn.

Thiệu Kiệt

CÙNG CHUYÊN MỤC