Về một số kiến nghị kiểm soát phát triển đô thị biển
Bộ Xây dựng mong muốn Tổng hội Xây dựng Việt Nam tiếp tục xác lập các lý luận, luận cứ cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững các đô thị biển, đảo…
Như Người Đô Thị đã thông tin, sau hội thảo khoa học “Tổng quan hiện trạng đô thị biển Việt Nam và một số quan điểm về kiểm soát phát triển” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Người Đô Thị đồng tổ chức ngày 30/9/2020 tại Hà Nội, Tổng hội đã tổng hợp một số kiến nghị từ hội thảo gửi Bộ Xây dựng.
Ngày 18/2/2021, Bộ Xây dựng có văn bản số 491/BXD-PTĐT phản hồi Tổng hội, cho biết đã nghiên cứu các nội dung liên quan đến một số kiến nghị kiểm soát phát triển đô thị biển Việt Nam tại văn bản số 133/CV – THXDVN ngày 28/12/2020 của Tổng hội, bày tỏ trân trọng các đề xuất và mong muốn tiếp tục nhận được đóng góp của Tổng hội trong thời gian tới.
Để triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Bộ Xây dựng đề nghị Tổng hội tiếp tục thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám sát và tham gia ý kiến xây dựng cơ sở khoa học cho hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển.
Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; xác lập các lý luận, luận cứ cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững các đô thị biển, đảo; làm rõ hơn các vấn đề cần chú trọng trong công tác lập quy hoạch và xây dựng các đô thị biển, đảo.
Trước đó, tại văn bản số 133/CV – THXDVN ngày 28/12/2020 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam gửi Bộ Xây dựng, cho biết các đô thị ven biển hiện nay đang được nhìn nhận như các đô thị đồng bằng, đô thị núi với tư duy phát triển tổng hợp đa chức năng, chưa thấy rõ tư duy phát triển các ngành kinh tế hướng biển là động lực phát triển của các đô thị có tiềm năng biển đảo. Vai trò các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển chưa thấy rõ là động lực cho phát triển đô thị biển. Chưa hình thành các trung tâm kinh tế – tài chính lớn để tạo sức hút, làm nền tảng hạ tầng đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế biển, du lịch, dịch vụ… và hệ thống cảng biển trong các đô thị biển.
Về hình thái và bản sắc đô thị biển, nếu lược bỏ phần cảnh quan ven biển, các đô thị đó sẽ bị lẫn ngay vào vô vàn các khuôn mặt, dáng hình của các đô thị vùng đồng bằng. Việc làm mất đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa đô thị và cảnh quan tự nhiên đã làm hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển. Chưa có chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể phát triển đô thị ven biển; trong quy hoạch phát triển đô thị biển chưa được lồng ghép với đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Chưa có quan điểm hướng biển trong định hướng, tổ chức phát triển không gian đô thị…
Để tạo điều kiện cho các đô thị ven biển và đô thị hải đảo phát huy được các giá trị về lợi thế gắn biển, Tổng hội kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật số 82/2015-QH3 về tài nguyên – môi trường biển và hải đảo. Bổ sung phát triển hệ thống đô thị biển đảo là nội dung lớn trong điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021 – 2045. Sau khi điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp thẩm quyền phê duyệt, xây dựng chương trình phát triển đô thị biển gắn kết chặt chẽ với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trong quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị biển cần xác định yếu tố cốt lõi tạo động lực phát triển đô thị biển là một hoặc vài trung tâm kinh tế – tài chính – giáo dục đào tạo – y tế… các ngành kinh tế du lịch – dịch vụ, song hành với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội và các khu dân cư để phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo. Bổ sung các quy định của pháp luật, làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và xây dựng phát triển các đô thị ven biển và đô thị hải đảo.
Trần Nguyên
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ve-mot-so-kien-nghi-kiem-soat-phat-trien-do-thi-bien-27680.html