UNESCO yêu cầu Tràng An kiểm soát lượng du khách
UNESCO yêu cầu VN nghiên cứu, thiết lập và áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt để lượng khách tham quan không vượt quá khả năng đón tiếp của di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới Tràng An.
Không chỉ yêu cầu dỡ phim trường
Những ngày cuối tháng 9, phim trường Kong: Skull Island ở Ninh Bình được tháo dỡ. Thông tin từ tỉnh Ninh Bình cho biết việc tháo dỡ này xuất phát từ cảnh báo của UNESCO để giữ di sản Tràng An được bền vững.
Tuy nhiên, văn bản phát ra vào kỳ họp mới nhất của Ủy ban Di sản UNESCO còn có đoạn: “VN nên tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của gia tăng khách du lịch đến Tràng An; thiết lập và áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt về việc tham quan để đảm bảo số lượng khách tham quan không vượt quá khả năng đón tiếp của di sản nhằm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, cũng như sự đa dạng sinh học – yếu tố thẩm mỹ quan trọng của di sản”.
Theo lịch làm việc dự kiến, chuyên gia UNESCO sẽ tới VN để kiểm tra các di sản trong quý cuối cùng của năm 2019. Họ sẽ rà soát lại việc chính phủ và địa phương có tuân thủ các cam kết đã đưa ra khi đệ trình hồ sơ di sản hay không. Trong số các di sản đã được UNESCO công nhận, Tràng An đang là “điểm” cần xem xét sự tuân thủ này.
Về yêu cầu kiểm soát lượng khách du lịch của UNESCO, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng: “Điều đó chắc chắn hợp lý. Ở nhiều nước phát triển, họ vẫn làm như vậy mà. Bây giờ cái gì có hại cho di tích thì phải dừng”.
Cần “giải đông” cho di sản
Theo ông Đặng Văn Bài, có 3 cách kiểm soát lượng người tại di sản Tràng An nói riêng và khu du lịch nói chung. “Thứ nhất là tăng giá lên thì sẽ bớt người đi. Thứ hai là bán chỉ một lượng vé nhất định trong một ngày. Thứ ba là tạo ra một khu mới để giảm tải”, ông Bài nói.
Theo ông Bài, các khu vực lân cận phố cổ Hội An được phát triển du lịch cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng việc khách chỉ tập trung ở phố cổ Hội An đã làm khu vực này quá ồn ào và kém hấp dẫn. Vì thế, làng nghề Triêm Tây cách Hội An chừng 2km đã được phát triển theo hướng “giải đông” cho phố cổ. Trước khi có dự án đào tạo du lịch, thu nhập của người dân Triêm Tây chỉ trông vào bán chiếu, sau dự án, việc dệt chiếu chủ yếu để khách tham quan nhưng vẫn bán được như cũ. Khách Nhật Bản đặc biệt yêu thích điểm du lịch này. Đã có trường học ở Nhật đưa học sinh sang đây hằng năm.
Với Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (nhóm đã phát hiện Sơn Đoòng) từng đưa ra cảnh báo cụ thể vào năm 2012. Theo đó, do ánh sáng thắp trong hang cùng lượng người vào hang lớn, thạch nhũ ở các hang động này đã xuống cấp, bợt bạt hơn khi mới phát hiện. Họ cũng đề nghị hàng năm các hang động này cần được đóng cửa nghỉ ít nhất một tháng để tái tạo vẻ đẹp. Tuy nhiên, cho tới nay chưa một kỳ nghỉ nào diễn ra. Một trường hợp khác, nghiên cứu của Viện Địa chất khoáng sản cho thấy một số hang động ở Hạ Long đã có lượng khí thải lớn hơn ngưỡng cho phép. Do đó, họ cũng yêu cầu hạn chế các hoạt động có người trong hang để tránh gây cháy nổ.
Về cảnh báo kiểm soát lượng khách du lịch của UNESCO với VN, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng hiện tại vấn đề chưa có gì quá đáng ngại. “Lượng khách của mình so với tiềm năng của mình chưa thấm tháp gì so với các nước trong khu vực. So với Thái Lan thì con số của mình bé tí thôi. Thái Lan năm rồi 36,5 triệu lượt khách, trong khi mình chỉ có 15,5 triệu chưa bằng một nửa. Nó chỉ có điểm ô nhiễm thì đóng cửa để tái tạo thôi. Nên với VN tôi nghĩ sức chứa sức tải chưa thành vấn đề”, ông nói.
Mặc dù vậy, ông Khánh cũng công nhận hiện tại VN đang có tình trạng “nghẽn cục bộ”. Theo ông, số khách đông ở Tràng An nằm trong nhóm này. Chính vì thế, tuy tình hình hiện chưa đến mức báo động, ngành du lịch vẫn sẽ liên tục theo dõi địa điểm này. “Vấn đề của điều phối, phát triển du lịch VN là làm sao để không bị tình trạng tăng trưởng cục bộ vào một thời điểm, một địa điểm mà nên có hướng dẫn doanh nghiệp khi đưa khách đến vào các thời điểm, địa điểm khác nhau”, ông Khánh nói.