Trời xanh hơn không có nghĩa là đỡ lo về biến đổi khí hậu
Việc nhiều thành phố bị phong tỏa vì bệnh dịch Covid-19 được ghi nhận có tác động tích cực là kéo giảm nạn ô nhiễm không khí trên khắp hành tinh trong những tuần gần đây. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể quên đi thực trạng biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn.
Trong những ngày giãn cách xã hội, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm khi đón nhận các tin tích cực, chẳng hạn như sự phục hồi của thiên nhiên, với bầu trời trong xanh trở lại sau nhiều thập niên mù mịt khói bụi, những đàn cá tung tăng bơi lội trên các bãi biển mà không còn bị du khách quấy rầy.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh cho thấy nước ở các kênh đào tại Venice trong xanh hơn sau nhiều năm, trong lúc mức độ ô nhiễm không khí giảm trên toàn cầu.
Những sự kiện này là kết quả của việc người dân được lệnh ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, dẫn đến việc giảm lượng khí thải từ xe hơi, máy bay và thành phố nói chung.
Các thành phố như London, Milan, Rome và Paris đã được hưởng lợi từ việc giảm lượng khí nitrogen dioxide, một loại khí độc hại phát ra từ xe hơi, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp,. Còn tại Ấn Độ, cư dân lần đầu tiên có thể nhìn thấy dãy núi Himalaya trong nhiều thập kỷ.
‘Vấn đề biến đổi khí hậu vẫn còn đó’
Giáo sư Martin Siegert, nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu, cho biết: “Vấn đề biến đổi khí hậu vẫn còn đó trong lúc nhiều người hồ hởi vì dường như bầu trời trong xanh hơn. Ô nhiễm không khí quả thật đã giảm. Tuy nhiên, nếu chúng tôi thật sự muốn giảm thiểu nạn ô nhiễm không khí, đây không phải là cách để có sự thay đổi về lâu dài.”
Theo ông, việc giảm ô nhiễm không khí trong hiện tại là ngắn hạn, không mang tính hệ thống và có khả năng bị đảo ngược một khi các nền kinh tế mở lại như trước đây. Khi đó, thành quả môi trường ngẫu nhiên do Covid-19 không đạt được gì.
Điều tương tự là lượng khí thải CO2 toàn cầu, có thể sẽ được ghi nhận giảm 5% trong năm nay, nhưng đây chỉ là đốm sáng trong màn tối. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng, thế giới cần một giải pháp mang tính hệ thống và bền bỉ để cải thiện chất lượng không khí và kiểm soát lượng khí thải nhà kính hàng năm.
Trước khi bệnh dịch Covid-19 hoành hành, các tổ chức từ thiện, người nổi tiếng tập trung sự chú ý vào nạn cháy rừng ở Úc vì hậu quả của nó sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến hành tinh.
Ước tính vụ hỏa hoạn này có khả năng thải ra 830 triệu tấn carbon dioxide – nhiều hơn nhiều so với khí thải nhà kính hàng năm của nước Úc.
Hành động thiết thực
Nhiều người chỉ nhìn thấy bầu trời xanh hơn mà không biết đến sự gia tăng mực nước biển do băng tan và hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn. Do vậy mà tại sao cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không được lơ là trong lúc đại dịch vẫn đang hoành hành tại các nước.
Trong lúc người dân các nước được lệnh ở nhà để tránh lây lan virus, các nhà hoạt động môi trường tận dụng mạng xã hội để nhấn mạnh rằng vấn đề biến đổi khí hậu vẫn phải được đặt lên hàng đầu trong suy nghĩ của mọi người.
Massin Akandouch, nhà hoạt động môi trường, 18 tuổi ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhấn mạnh rằng thế hệ của anh, Gen Z, là những người cuối cùng có cơ hội chiến đấu trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu.
“Không ai có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ an toàn trong vài năm tới. Chúng ta buộc phải có những hành động thiết thực bởi vì chúng ta là những người sẽ mất mát nhiều nhất. Bầu trời, không khí trong lành mà chúng ta thấy ngày nay ở các thành phố như Barcelona, New York hay London đã không được nhìn thấy trong nhiều thập kỷ. Nhưng chúng ta không nên chỉ bằng lòng với điều đó để không làm gì cả về môi trường,” Massin nói.
Thiệu Kiệt
(theo Unilad)