Trả lại mảng xanh cho đô thị
Tháng 6/2019, các đơn vị thi công đang tháo dỡ các công trình thương mại, đập bỏ các tường vây, lật các vuông gạch nền nhằm trả lại cho Công viên 23/9 chức năng là lá phổi xanh giữa trung tâm TPHCM.
Điều này không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn làm cho người dân thành phố nức lòng, tin rằng từ nay không còn ai nhòm ngó rắp tâm “xẻ thịt” khoảng xanh hiếm hoi này thêm một lần nào nữa.
Giá trị của mảng xanh
Công viên, cây xanh là một yếu tố chính cấu thành nên diện mạo và đời sống đô thị. Trong nhiều trường hợp, niềm tự hào của công dân về thành phố không phải là tăng trưởng kinh tế, công trình cao tầng mà lại là cây xanh. Bạch dương làm cho người thương nhớ khôn nguôi về các thành phố của nước Nga, cây phong đỏ gợi nhớ về các thành phố của Canada, hoa anh đào tô điểm cho các thành phố của Nhật Bản cực kỳ quyến rũ.
Nhưng giá trị thật của cây xanh không chỉ về thẩm mỹ. Càng ngày người ta càng khám phá ra các giá trị khác của cây xanh trên tất cả các phương diện sinh học, kỹ thuật, kinh tế và văn hóa xã hội. Một trong số các giá trị đó là về khía cạnh văn hóa – xã hội:
– Cây xanh làm giảm tội phạm. Các nhà xã hội học Mỹ nghiên cứu thấy rằng các tệ nạn xã hội giảm đi rất nhiều sau khi các công viên cây xanh thay thế cho các bãi đất trống chứa đồ phế thải ở các khu vực sống của người da đen, người Mexico. Chính các công viên cây xanh này làm cho đời sống tinh thần tốt hơn lên, thanh niên có chỗ chơi tử tế hơn, và tăng mức độ giao tiếp.
– Công viên cây xanh làm cho quan hệ cộng đồng gắn bó hơn. Ở các khu phố có nhiều tộc người khác nhau, do đặc tính văn hóa khác nhau mà người ta có xu hướng co cụm lại trong cộng đồng của riêng mình. Làm thế nào để cho con người gặp gỡ nhau nhiều hơn trong một môi trường đa văn hóa? Các nhà nghiên cứu nhận thấy các công viên cây xanh chính là một môi trường mở, tạo điều kiện cho dân cư khác nhau về dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn. Có thể người lớn còn ngần ngại gặp nhau, nhưng chính công viên cây xanh là nơi gặp gỡ trước hết cho con trẻ và sau nữa từ trẻ con là cầu nối đến người lớn.
– Cây xanh làm giảm đi đáng kể các loại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh tật do sức ép căng thẳng của đời sống xã hội công nghiệp. Trong xã hội đô thị, con người ta luôn sống thường trực trong tình trạng bị “căng kéo” và “dồn nén” và tất cả cộng hưởng lại làm cho con người đô thị rơi vào tình trạng dễ nổi loạn và phát khùng. Trong môi trường đầy biến động và áp lực như thế, người ta cần phải tìm ra các cách thức để giải tỏa. Một trong các số đó là cây xanh, công viên, không gian công cộng. Chính vì vậy mà người ta coi mảng xanh đô thị (gồm có cây xanh, công viên, thảm cỏ, mặt nước tự nhiên và nhân tạo) là phần “mềm” của đô thị để đối trọng lại với phần “cứng” là các tòa nhà cấu tạo bởi bê tông, kính, inox với các khối lớn nén lại trong một khu vực với một mật độ “đông đặc”.
– Màu xanh là gam màu lạnh, các mảng cây xanh, thảm cỏ mặt nước sẽ giúp làm cho tâm lý trở về trạng thái thăng bằng. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nếu những người ở chung cư cao tầng nhìn xuống đất thấy thảm cỏ xanh thì họ sẽ bớt cảm giác sợ độ cao hơn là khi nhìn xuống chỉ thấy bê tông xám xịt hay màu đất đỏ quạch.
Trong thực tế người ta có thể chấp nhận một thành phố không có khách sạn 5 sao, không có các casino, nhưng quả thật không thể chấp nhận một thành phố trần trụi không có cây xanh. Một thành phố không (hay ít) cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn dạo bị coi là thành phố thiếu sức sống, không có “hồn” và hơn cả là thiếu không gian văn hóa. Kiến trúc sư Trương, Giáo sư trường Đại học Vũ Hán, đã viết một thành phố không cây xanh còn tệ hơn cả sa mạc.
Thái độ đối với mảng xanh
Ai cũng thấy được giá trị của mảng xanh (có thể ít hay nhiều), nhưng có được nhận thức, thái độ ứng xử và hành động đúng thì không phải ai cũng thấy. Kịch bản thường thấy nhất của các nước mới đô thị hóa diễn ra như sau:
– Giai đoạn đầu khi công nghiệp hóa và đô thị hóa, các thành phố thiếu nhà ở trầm trọng do lực lượng lao động đổ dồn về các thành phố lớn, nên chính quyền tập trung phát triển nhà ở và các công trình xây dựng khác càng nhiều, càng nhanh càng tốt.
Lúc này cây xanh, công viên chỉ là một phần phụ không quan trọng. Họ cho rằng cái quan trọng nhất là có chỗ chui ra chui vào đã, mọi chuyện sau này hãy tính. Chính tư duy này của người lãnh đạo và của các nhà đầu tư đã sản sinh ra rất nhiều khu phố, khu nhà không có cây xanh, không có đất dành cho công viên. 15-20 năm sau, khi đời sống kinh tế khá lên, người ta mới thấy hành động đó là sai lầm nghiêm trọng và việc sửa chữa vô cùng tốn kém.
– Các thành phố được hình thành hàng trăm năm trước, nó là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và tiền công nghiệp cho nên có nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là thiếu hẳn cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại tương thích cũng như hệ thống dịch vụ tiện ích.
Do vậy, khi chuyển từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp đô thị hiện đại, hầu như tất cả các thành phố này đều có một giai đoạn quan trọng là nâng cấp chỉnh trang mà giới chuyên môn gọi là “giai đoạn quá độ đô thị”. Quá trình này mang lại cho trung tâm thành phố một bộ mặt mới hiện đại hơn, hoành tráng hơn. Nhưng điều trớ trêu là diện tích dành cho cây xanh cũng bị giảm đi rất nhiều.
– Việc buông lỏng quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để cho các mảng xanh bị triệt tiêu. Trong bản vẽ quy hoạch, phần cây xanh làm công viên, vườn dạo được hiển thị một cách rõ ràng bằng những màu xanh và chiếm tỷ lệ không dưới 30% diện tích xây dựng, nhưng do công tác quản lý không tốt cho nên trên thực tế các nhà thầu khi xây dựng đều cố tình quên mất những khoảng xanh này.
Cây xanh ở TP HCM
Khi xếp hạng một thành phố thì cây xanh được coi là một trong số các tiêu chí xếp trong nhóm hàng đầu. So sánh với tiêu chí mảng xanh của các thành phố châu Á thì TPHCM nằm ở nhóm cuối cùng. Tiêu chuẩn cây xanh ở đô thị châu Âu là 12-15 mét vuông/người, ở đô thị châu Á là 8-10 mét vuông/người, trong khi đó ở TPHCM chỉ có là 0,5-0,7 mét vuông/người (trong báo cáo của Cục Thống kê thành phố, con số 1,3 mét vuông/người là tính cả rừng ngập mặn Cần Giờ). Kịch bản thiếu hụt cây xanh như trình bày ở phần trên đang diễn ra và lặp lại ở TPHCM.
Để khôi phục lại mảng xanh cho TPHCM nói riêng và các đô thị ở Việt Nam nói chung, trước hết phải tư duy lại về giá trị cây xanh và mảng xanh đô thị. Việc dành đất cho công viên, cây xanh ở các dự án phải được luật hóa và chế tài nghiêm minh, không nên kêu gọi lòng từ tâm của các nhà đầu tư.
Tăng cường kiểm soát và chế tài để đảm bảo các chỉ tiêu cây xanh, công viên được đảm bảo thực hiện đúng luật. Đặc biệt là khi phát triển các khu dân cư mới ở khu vực ngoại thành, không có lý do gì lại bỏ qua việc đầu tư cho cây xanh, công viên. Các chủ đầu tư cần hiểu một điều đơn giản là giá trị công trình sẽ tăng hơn lên khi có mảng xanh hiện hữu.
Tiếp đến, trong khái niệm về mảng xanh đô thị, nên hiểu nó trong một ý nghĩa rộng hơn, không chỉ là cây xanh, thảm cỏ mà còn là mặt nước. Các ao, hồ, kênh rạch không chỉ có giá trị trong việc thoát nước chống ngập mà nó có giá trị trong điều tiết vi khí hậu.
Chú trọng phát triển cây xanh tập trung hơn là cây xanh phân tán. Khi nhiều cây xanh tập trung sẽ tạo ra công viên, rừng cây và như thế có lợi về kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường hơn là cây xanh phân tán trồng trên vỉa hè vừa phá vỉa hè, vừa vướng tầm nhìn, cản người đi bộ.
Ở các quận trung tâm, kiên quyết giữ lại các công viên, các dải cây xanh, nếu phải bỏ đi để làm công trình công cộng thì phải thực hiện nguyên tắc “bù”, có nghĩa là lấy đi bao nhiêu phải bù lại bấy nhiêu (không được ít hơn), nguyên tắc bù này cũng áp dụng đối với các ao hồ, kênh rạch.
Do đất chật, người đông, đất không còn nhiều nên cần và phải đưa màu xanh lên cao theo chiều thẳng đứng. Cần tạo dựng các mảng xanh trên nóc nhà, sân thượng…, các hình thái cây xanh mới như công viên trên cao, tức là các công viên được thiết lập trên các cầu không gian nối giữa hai tòa nhà gần nhau, các tòa nhà cao tầng (từ 20 tầng trở lên) thì cứ cách một số tầng nhất định (5-7 tầng) sẽ để ra một tầng trống không có người ở làm công viên và nơi sinh hoạt cộng đồng. Các công viên trên cao được sử dụng khá thành công ở Nhật Bản và một số nước Trung Cận Đông.
Sau cùng là cần thiết phải phục hồi lại vành đai xanh đã có trước năm 1990, nhưng sau khi đô thị hóa nhanh thì vành đai xanh này không còn nữa. Do đất bị mất, nếu việc lập lại vành đai xanh khó thì phải tạo ra các vùng xanh, rừng sinh thái để bù vào phần bị mất.
Cây xanh là một phần của cơ thể đô thị, trong xã hội hiện đại vai trò của nó ngày càng trở nên quan trọng. Nhận thức đúng và hành động đúng là một đòi hỏi đặt ra trước hết cho các nhà quản lý lý đô thị, sau đó là đến giới chuyên môn và cho tất cả mọi người dân ý thức chung tay xây dựng một thành phố đẹp hơn và lãng mạn hơn.
Để khôi phục lại mảng xanh cho TPHCM nói riêng và các đô thị ở Việt Nam nói chung, trước hết phải tư duy lại về giá trị cây xanh và mảng xanh đô thị. Việc dành đất cho công viên, cây xanh ở các dự án phải được luật hóa và chế tài nghiêm minh, không nên kêu gọi lòng từ tâm của các nhà đầu tư. |
Nguyễn Minh Hòa
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn