Thủy đài nấm – di sản đã mất của Sài Gòn trước năm 1975
Những thủy đài hình nấm đã quen thuộc với người dân Sài Gòn từ trước năm 1975 cho đến khi bị đập bỏ từ năm 2017.
Ở Sài Gòn có tổng cộng 8 thủy đài hình nấm được xây dựng trước năm 75 là ở đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Ba Tháng Hai (quận 10), Hoàng Diệu (quận 4), Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Võ Văn Kiệt (quận 5), Phạm Phú Thứ (quận 6), Nguyễn Văn Tráng (quận 1).
Những thủy đài cao khoảng 30m, có kết cấu bê tông cốt thép với dung tích 1.200 m3 đến 8.500 m3, được xây dựng trước năm 1975 với mục đích là để điều tiết áp lực nước từ nhà máy nước ở Thủ Đức cho các vùng ven của 3 nơi là Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn.
Phía dưới những thủy đài này được xây tường kín hay là những khung cột bê tông cốt thép đỡ bồn nước hình tròn bên trên. Không gian khu vực thủy đài thường rất rộng để đảm bảo an toàn khi thủy đài vận hành. Vị trí của các thủy đài cho biết mật độ dân cư ở đó khá tập trung, nhu cầu nước sạch lớn nên cần có “áp lực” mạnh và khối lượng lớn để cung cấp.
Tuy nhiên có một điều ít người biết là dù được xây dựng từ rất lâu nhưng những thủy đài hình nấm này chưa bao giờ được sử dụng.
Lý do theo một số người nói là vì các công trình này vừa được xây xong thì xảy ra biến cố 1975 nên bị bỏ hoang cho đến khi bị đập bỏ. Một nguồn tin khác nói rằng thủy đài được xây trong thời gian 1966 – 1969, nhưng không được đưa vào sử dụng vì bị cho là rò rỉ nước khi thử nghiệm. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành do tình hình chiến cuộc căng thẳng. Có thể giả thiết đầu tiên đúng hơn, vì trong các hình ảnh Sài Gòn trước năm 75, không thể tìm thấy hình ảnh nào của thủy đài nấm này.
Như vậy, nếu như hoạt động được thì các thủy đài hình nấm này sẽ có công dụng và chức năng như thế nào? Hẳn nhiều người sẽ biết câu trả lời là để chứa nước, nhưng không hẳn là như vậy, nó còn có chức năng điều tiết áp lực. Theo thiết kế, thủy đài được xây dựng để điều áp nguồn nước sinh hoạt. Buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra lượng nước lớn, phần nước đó sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Còn ban ngày dùng nhiều, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp.
Nguyên tắc hoạt động của thủy đài được giải thích bằng hình vẽ dưới đây:
1. Nước được bơm lên thủy đài
2. Nước được trữ lại
3. Nước được phân phối cho các nơi sử dụng bằng động năng. Vì vậy kể cả khi cúp điện thì người dân vẫn dùng được nước.
Phá bỏ
Năm 2017, chính quyền đã cho gỡ bỏ các thủy đài này. Khi thi công tháo dỡ, người ta thấy rằng các thủy đài này được xây dựng rất kiên cố với bê tông cốt thép nên quá trình tháo dỡ mất rất nhiều thời gian, chậm tiến độ. Một cán bộ giám sát tháo dỡ nói: “Phần nắp thủy đài, nhất là phần vành nắp là nơi khó tháo dỡ nhất và hầu như chỉ thi công thủ công. Do đó, công trình có phần chậm tiến độ so với thời gian đề ra”.
Qua quan sát, phần mái thủy đài được làm bằng bê tông lưới thép kiên cố. Công nhân phải dùng búa tạ đập liên tiếp khoảng 4 lần vào một điểm, mảnh bê tông mới vỡ ra lộ khung lưới thép. “Công trình này làm quá kiên cố, hơn 10 anh em chúng tôi đập và khoan liên tục trong 3 ngày qua nhưng chưa giải quyết xong phần mái thủy đài. Hy vọng, ngày mai chúng tôi sẽ quyết xong phần mái và tiến hành căng lưới tháo dỡ phần thân thủy đài” – một công nhân chia sẻ.
Chia tay một ký ức
Những thủy đài nấm này bị phá bỏ từ năm 2017 để lại nhiều lưu luyến và tiếc nuối cho người Sài Gòn. Những ý kiến sau được tổng hợp từ báo Tuổi Trẻ:
Dương Ngọc Khoa – một người Sài Gòn nhập cư – chia sẻ: “Mỗi lần đi qua tháp nước nào đó tôi lại nhớ cái cảm giác… ngồ ngộ khi tôi trông thấy “cây nấm khổng lồ” lần đầu. Giờ nghe tin nó bị tháo dỡ tôi cũng có cảm giác như phải chia tay một ký ức”.
Còn họa sĩ Uyên Huy – một người Sài Gòn gốc – thổ lộ: “Có chút gì đó hụt hẫng, luyến tiếc. Những thủy đài thời Pháp, Mỹ để lại không xấu, thậm chí nhìn nó cũng thấy lạ, thấy vui mắt. Nhưng nếu để lâu, không bảo dưỡng thì không an toàn, nên nếu buộc tháo dỡ thì theo tôi cũng hợp lẽ thôi.
Tôi cũng cảm thấy tiếc, giá như có những ý tưởng cải tạo những thủy đài này thành nhà hàng, quán cà phê… hay công trình văn hóa gì đó thì hay, nhưng chúng ta không có những ý tưởng đó”.
Đồng quan điểm với họa sĩ Uyên Huy, TS Quách Thu Nguyệt bộc bạch: “Với tôi và thế hệ chúng tôi, những thủy đài ở Sài Gòn là một phần ký ức của đời sống đô thị.
Mỗi lần đi ngang thủy đài trên đường Hồ Văn Huê, tôi vẫn thấy trong lòng gợn lên những cảm xúc gần gũi và như điều gì đó rất riêng rất thiêng liêng với thành phố này.
Nó là cái hồn của Sài Gòn xưa.
Quan điểm của thành phố là dẹp hết các thủy đài, chỉ giữ lại một cái thôi. Nhưng theo tôi, nhìn từ tình cảm của tôi, nếu giữ được thêm thì rất tốt. Thực ra thủy đài cũng là một biểu trưng của thành phố, là hình ảnh có tính công nghiệp, đánh dấu sự trưởng thành của đô thị Sài Gòn trong việc kiến tạo tiện ích sinh hoạt cho người dân”.
TS Vũ Thế Long (ủy viên ban chấp hành Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội):
“Lần đầu vào Sài Gòn, tôi rất tò mò khi trông thấy những thủy đài. Những thủy đài đó là kiến trúc của một thời đại, mang trong đó nhiều giá trị.
Mỗi TP đều có bề dày và sức sống lịch sử cùng sự phát triển tất yếu. Nhưng nếu phát triển mà xóa đi các giá trị của lịch sử thì đô thị sẽ bị “què quặt”.
Tôi phản đối chuyện phá hủy vô tội vạ, nhưng cũng không đồng tình công trình nào cũ cũng phải giữ lại. Vậy nên trước khi phá hủy công trình cũ/cổ nào đó, cần phải có những cuộc hội thảo, lấy ý kiến tham góp của các nhà khoa học và cộng đồng.
Những kiến trúc công nghiệp thời thực dân cũ là những giá trị thu hút khách du lịch. Nếu Sài Gòn đánh mất những giá trị ấy thì sẽ giảm đi sức hấp dẫn của thành phố.
Như tháp nước Hàng Đậu ở Hà Nội có thể coi là những chiếc cúc vàng trên chiếc áo đẹp là tổng thể kiến trúc Pháp khu vực quanh đó như những tòa nhà, biệt thự Pháp, cầu Long Biên… Nếu phá bỏ tháp nước Hàng Đậu thì khu vực quanh đó cũng như chiếc áo bị mất cúc.”
Mời các bạn cùng nhìn lại những hình ảnh quen thuộc với người Sài Gòn, nay đã không còn nữa. Nguồn ảnh từ trang zing.vn:
Đông Kha
Theo nhacxua.vn
Link nguồn: https://nhacxua.vn/thuy-dai-nam-di-san-da-mat-cua-sai-gon-truoc-nam-1975/?fbclid=IwAR0LO-G_kPbkaD9OCpG4XploLJy2-1CVi291ZZf9L36fN2ofFgqeR2-QOYQ