fbpx

Thành phố trong thành phố

Khi Hong Kong vừa được trao trả cho Trung Quốc, tôi và đồng nghiệp được tham gia làm quy hoạch cho khu Phố Đông, Thượng Hải.

Thời gian đó, mới tốt nghiệp thạc sĩ trường Berkeley, Mỹ, tôi làm việc trong công ty SOM có trụ sở ở San Francisco, chúng tôi trúng thầu hợp đồng quy hoạch khu trung tâm Thượng Hải. Phố Đông có thể hiểu là một thành phố trong thành phố, như ý tưởng thành phố Thủ Đức trong TP HCM bây giờ.

Thượng Hải trước đó đã nhiều lần làm quy hoạch này với hàng chục phương án khác nhau của nước ngoài, nhưng các dự án không chạy, không ráp nối được với nhau và không kích thích hết tiềm năng của khu vực. Thời điểm đó, chính quyền trung ương Trung Quốc rất quan tâm đến dự án Phố Đông vì muốn có thêm các Hong Kong nữa trong nội địa, muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ cũng xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế tài chính toàn cầu. Và bởi Thượng Hải trong lịch sử đã từng là một cửa ngõ giao thương quốc tế.

Dự án quy hoạch khu trung tâm của chúng tôi gồm hai bên bờ của sông Hoàng Phố. Bờ tây được chú trọng bảo tồn di sản. Phía bờ đông, nhà nước thu hồi đất, đấu giá lại, đập đi xây mới hoàn toàn như Thủ Thiêm bây giờ. Chỉ trong vòng 15 năm, Phố Đông đã trở thành một trung tâm kinh tế mới của châu Á. Và cũng chỉ 15 năm, dự án đã đóng góp ngược trở lại cho ngân sách, đã có tiền nộp về trung ương. Cho tới hôm nay, Phố Đông vẫn là một mô hình thành công. Sự thành công đó là nhờ cách tiếp cận và chuẩn bị rất khác biệt.

thanh-pho-trong-thanh-pho
Thành phố phía đông gồm quận 2, quận 9, Thủ Đức tạm lấy tên Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh/Zingnews

Thứ nhất, điều tôi ấn tượng với dự án này ở cách nó được chuẩn bị rất tốt, với sự tham gia của rất nhiều ban ngành, tổ chức, chuyên gia đa thành phần, bằng thái độ thực sự lắng nghe và cầu thị. Trước khi chúng tôi tham gia, họ đã có rất nhiều bản quy hoạch và các ý kiến, nhưng khi gặp trở ngại trong quá trình thực hiện, chính quyền vẫn tiếp tục hỏi ý kiến hàng trăm chuyên gia, tổ chức và điều chỉnh để tăng tính khả thi.

Vì xác định đây là một bài toán tổng hợp, các quyết định đều là quyết định đa ngành. Với vai trò là nhà tư vấn quy hoạch, chúng tôi thường xuyên họp bàn với tất cả các nhà tư vấn, cơ quan phụ trách các lĩnh vực khác. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc với nhiều bên, nhiều lần để quyết định vị trí của khu triển lãm quốc tế Thượng Hải sẽ đặt ở đâu, lên kế hoạch bao nhiêu năm nữa triển lãm này hoạt động, nó đóng vai trò kích thích phát triển cho thành phố phía đông ra sao.

Expo Thượng Hải đến tận 2010 mới mở, trong khi đó chúng tôi đã chuẩn bị dự án này từ những năm 1997-1999. Tức là, bản quy hoạch tổng thể dự án được vẽ ra, nhưng làm cái gì trước, cái gì sau, đối tượng nào, doanh nghiệp nào, tổ chức nghề nghiệp nào cần ưu tiên, tiền đầu tư cho cái nào trước được sắp xếp rất chi tiết và nhất quán.

Các nhà quản lý đô thị Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhiều về việc này, rất ít dự án của chúng ta làm được như vậy. Chúng ta vẫn làm kế hoạch và quy hoạch theo kiểu đơn lẻ. Một cơ quan làm xong rồi chuyển cho cơ quan khác lấy ý kiến, chứ không phải tất cả cùng suy nghĩ và đưa ra một quyết định tập thể. Bài học của Thượng Hải là một cơ chế làm việc đa ngành song song ngay từ những bước đầu tiên.

Thứ hai là một cơ chế rất thoáng và đặc biệt để thu hút đầu tư. Trung ương đã trao cho Phố Đông một cơ chế đặc biệt, năng động, cởi mở chưa từng có, gọi là thành phố phó tỉnh. Ông chủ tịch của thành phố phó tỉnh có quyền hành ngang với ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Thượng Hải. Trong đó, những nhà quản lý của Phố Đông có rất nhiều quyền hạn trong việc thu hút vốn đầu tư, không phải xin phép trung ương mà được tự quyết định. Bởi, nếu mọi thứ đều chờ xin phép cấp “thành phố mẹ”, rồi trung ương, thì cũng không khác gì cách làm cũ, các thời cơ sẽ mau chóng vuột mất.

TP HCM đang trình trung ương việc nhập ba quận lại thành thành phố Thủ Đức, tức Thủ Đức vẫn được coi như một quận lớn. Tôi cho rằng điểm này lên xem lại. Thành phố Thủ Đức nếu không có cấp quận, hay nếu lãnh đạo thành phố Thủ Đức có quyền hành chỉ ngang cấp quận thì rất yếu về quyền hạn, không tương xứng với trách nhiệm. Nếu cái gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, mất hàng tháng – và hiện nay đang có những dự án mất hàng năm trời – ta sẽ không đủ lực để làm thành phố phía đông.

Ở Thượng Hải, nếu anh xin mở một công ty hay cấp phép xây một cao ốc, chính quyền có thể làm gấp trong một tuần. Chỉ một cơ chế cực kỳ linh hoạt, cởi mở mới có thể làm được điều đó. Nếu ngay từ đầu, chúng ta không có một cơ chế khác biệt cho thành phố Thủ Đức, sẽ khó có thể thành công.

Thứ ba là bài toán về nguồn lực tài chính và con người. Tiền đâu để xây dựng Thủ Đức đang là câu hỏi lớn nhất. Nó cần một nguồn vốn khổng lồ và tất nhiên, nguồn vốn này không thể lấy từ ngân sách, mà phần lớn phải từ xã hội hóa, với công thức “mỡ nó rán nó”. Làm sao để có những bản quy hoạch nơi nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra xây dự án khu công nghệ cao hoặc bất động sản, nhưng cũng đảm bảo lợi ích cho dân chúng về hạ tầng, tiện ích công cộng và môi sinh, có thế mới đạt được kỳ vọng chung.

Tôi cho rằng để đạt mục tiêu đóng góp trên 1/3 GDP của TP HCM như mong muốn, thành phố Thủ Đức cần thêm ít nhất khoảng nửa triệu dân mới. Nhưng không phải nửa triệu dân như bình thường, mà nửa triệu dân trong đó người lao động chính của hộ gia đình phải có trình độ cao, có kỹ năng, tay nghề, kiến thức và làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Con người có chất lượng chính là sự hấp dẫn về giá trị cho thành phố phía Đông – kiểu đô thị trí thức, thông minh, sáng tạo như thung lũng Silicon của Mỹ. Nếu muốn có thêm nửa triệu dân trình độ cao, nhà quản lý trước tiên phải tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng.

Và cuối cùng, ta không thể quên việc chỉnh trang, giải quyết vấn đề giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học, an ninh và chất lượng sống cho một triệu dân cư hiện hữu ở quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Tất cả những vấn đề của đô thị hiện hữu phải được đặt trên bàn cùng lúc với các dự án phát triển đô thị mới, để tránh sự tương phản về kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt, thất nghiệp giữa hai khu vực.

Bản quy hoạch của thành phố Thủ Đức phải được lồng vào một bản quy hoạch mềm nữa, đó là bản quy hoạch cân bằng giữa lợi ích của các bên: chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, chất lượng sống của người dân được đặt lên hàng đầu, đó mới là một bản quy hoạch thành công.

Ngô Viết Nam Sơn

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/thanh-pho-trong-thanh-pho-4170341.html

CÙNG CHUYÊN MỤC