Ngày 2/4, chúng tôi về cảng cá Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Dọc tuyến kè chắn sóng của cảng, tình trạng xà bần, vỏ sò đổ dọc hai bên đang gây ra ô nhiễm trầm trọng, có nơi cao quá đầu người. Phía dưới đoạn cuối của cảng cá Phan Thiết, rác thải theo dòng nước biển tấp vào cộng với nước thải từ một số cơ sở chế biển hải sản, làm đen nghịt một góc biển, bốc mùi hôi thối.

Qua đợt ra quân, đâu lại vào đấy

Cuối năm 2001, cảng cá Phan Thiết gần 37 ha chính thức đưa vào khai thác với tổng vốn đầu tư 87 tỉ đồng, trở thành 1 trong 10 cảng cá lớn nhất nước. Sau đó, từ ngân sách tỉnh, Bình Thuận đầu tư công trình Cải tạo và mở rộng nhà máy xử lý nước thải công suất xử lý 1.250 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực cảng cá.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm ở cảng cá Phan Thiết đã làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của nhiều người dân quanh cảng. “Mỗi khi gió lên, mùi hôi thối xộc vào nhà“, một người dân sống gần cảng nói. Một thời gian dài người dân phường Đức Thắng (TP Phan Thiết) phản ánh lên các cấp tình trạng các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến hải sản làm phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm nặng môi trường sống. Ông Nguyễn Hoài Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết, cho biết: “Dù hằng năm đơn vị có phối hợp với chính quyền địa phương ra quân dọn dẹp rác thải tại kè chắn sóng và đoạn cuối của cảng nhưng sau đó thì tình trạng ô nhiễm đâu lại vào đấy. Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết cũng thường xuyên vệ sinh bến bãi bằng nước khử trùng, nạo vét hố ga và trồng cây xanh quanh trạm xử lý nước thải để giảm thiểu mùi hôi phát tán. Tuy nhiên, hoạt động tại khu vực cảng cá vẫn làm phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh” – ông Tiến thừa nhận.

Đoạn cuối của cảng cá Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) ngập rác, nước đen ngòm, hôi thối Ảnh: HỢP PHỐ

Trong khi đó, tại chợ thủy sản Nam Trung Bộ – cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), theo ghi nhận sáng 2/4, tàu ra vào cảng nhập cá rất tấp nập. Tại đây, các tàu cá khi nhập cảng đều bơm nước biển vào khoang để rã đông cá. Trên cầu cảng các vựa cá xả nước làm cá, đất cát, rác thải xuống biển. Còn tại cảng cá dân sinh Vĩnh Trường (TP Nha Trang), người dân sau khi thu mua, làm cá thì toàn bộ rác thải, nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối đều xả thẳng xuống biển.

Tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), một tàu cá sau khi bốc cá lên cảng, nước biển được bơm lên rửa hầm cá rồi xả thẳng xuống khu vực biển trước cảng. Trước khi đưa tàu về nơi đỗ, các bạn thuyền vứt thẳng rác thải trên tàu xuống biển. Ở một góc biển phía Nam cảng cá này, sóng đưa rác thải khu vực cảng cá về đây thành một bãi rác. Trên cảng, tại khu vực tập kết cá, lúc nào cũng nhớp nhúa nước cá thải ra. Những phụ nữ vận chuyển cá từ tàu xuống cảng đều phải mang ủng. “Mang dép 2 ngày là về chân bị lở ngay” – một phụ nữ đang khuân cá nói.

Không thể thu gom nước rửa cá

Ông Hà Viên, Giám đốc cảng cá Đông Tác, cho biết trong khu vực cảng cá này đều có các thùng rác và khuyến cáo bỏ rác vào thùng, đúng nơi quy định. “Với nước thải từ làm cá đã bốc lên cảng thì chúng tôi thu gom về trạm xử lý nước thải, song nước thải rửa cá, rửa tàu thì đều xả thẳng xuống khu vực trước cảng, chúng tôi không thể thu gom” – ông Viên nói.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, sở cũng đã yêu cầu ban quản lý các cảng cá đưa nội dung bảo vệ môi trường nghiêm ngặt ở các cảng cá. “Tôi cũng có nghe tình trạng ô nhiễm ở cảng cá Đông Tác và đang cho kiểm tra để xử lý” – ông Tùng thông tin.

Theo chủ tàu Nguyễn Thanh Cường (ở TP Nha Trang), sau khi đánh bắt, các thuyền viên sẽ lần lượt rải một lớp đá xay, một lớp cá để ướp cá. Sau chuyến biển dài ngày, tàu cập cảng, lúc này các lớp cá ngừ và đá đã đông cứng thành một khối. Muốn lấy cá ra nguyên vẹn buộc phải dùng nước biển để rã đông. “Chúng tôi rã đông bằng nước biển ngay tại cảng rồi thải nước ấy ra biển thành thói quen. Vì cá rã bằng nước ngọt mau mềm cá, hư cá” – ông Cường cho biết. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ – chợ cá Nam Trung Bộ, cho biết gần như 100% các tàu cá đều dùng máy bơm nước biển để rửa cá, rã đông. “Nguồn nước biển này chắc chắn không bảo đảm yêu cầu vì rác thải các tàu xả xuống. Cảng cá đã bố trí các trạm bơm nước sạch với giá 25.000 đồng/m3 để hỗ trợ ngư dân rửa cá nhưng không ai mua. Người mua chủ yếu là các vựa cá” – ông Hiếu nói.

Trước tình trạng ô nhiễm ở các cảng cá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và có văn bản yêu cầu ban quản lý các cảng cá tỉnh này thực hiện kiểm tra rà soát, tách riêng triệt để hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, thoát nước thải, không để nước thải chảy vào hệ thống thoát nước mưa và thải ra môi trường. Mặt khác, tổ chức kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến hải sản trong cảng phải thu gom, xử lý sơ bộ nước thải trước khi đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung để đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải ra môi trường.

Hải sản bị trả lại vì ô nhiễm

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, chính thói quen rửa cá bằng nước biển bị ô nhiễm được múc tại khu vực cảng khiến một số lô cá xuất khẩu bị trả lại. “Trước đây, có doanh nghiệp Bền Vững khi xuất khẩu cá ngừ đại dương đi nước ngoài bị trả hàng. Doanh nghiệp này đề nghị ban quản lý lắp đặt hệ thống cung cấp nước rửa riêng cho họ để làm sạch cá và chúng tôi cung cấp đầy đủ nhưng không mấy người dùng. Chúng tôi đã khuyến cáo ngư dân không nên dùng nước biển để rửa cá vì ô nhiễm. Tuy nhiên, các ngư dân vẫn làm theo thói quen” – ông Hiếu nói.

Hợp Phố – Kỳ Nam – Hồng Ánh

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

(*) Tiêu đề đã được 24hsongxanh.vn thay đổi

Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/cang-ca-do-qua-20200402202008877.htm