fbpx

Sống mòn giữa rừng già

Đêm xuống, leo lét ánh điện trong những căn nhà tạm bợ, rách nát giữa rừng già là bao phận người lay lắt, khốn cùng trong cuộc mưu sinh.

Hai vợ chồng Đinh Văn Đan vật lộn với cuộc mưu sinh khốn khó.
Hai vợ chồng Đinh Văn Đan vật lộn với cuộc mưu sinh khốn khó

Hai làng Hà Đừng 1, 2 của xã Đăk Rong, H.Kbang có thể gọi là những làng nghèo nhất của tỉnh Gia Lai khi tỷ lệ hộ nghèo, đói suýt soát 100%. Đêm xuống, leo lét ánh điện trong những căn nhà tạm bợ, rách nát giữa rừng già là bao phận người lay lắt, khốn cùng trong cuộc mưu sinh.

Thấy người lạ, Đinh Nghoêu ngây người ra. Có lẽ nơi bản làng xa vắng này hiếm khi có những cuộc viếng thăm đột ngột như thế. Nghoêu nhỏ thó so với cái tuổi 16 của cậu. Nhà có 7 anh em, cậu là con thứ 4, chỉ học đến lớp 4 thì bỏ học. Cả nhà sống lay lắt với vài sào lúa rẫy, năng suất chừng 5 – 7 tạ/ha. “Cái chữ khó quá mà, mình học không được. Về nhà thôi!”, Nghoêu gãi đầu phân bua. Chuyện học ở đây là thế dù thầy cô đã cố công vào tận nhà rẫy từ 3 – 4 giờ sáng đưa các em đến lớp.

Cả làng thiếu chữ

Cái tin Đinh Láp đi nghĩa vụ quân sự như cơn lốc tràn tới làng. Biết bao năm rồi làng mới có người… học cao như thế! Chả là học hết bậc THCS ở xã, Láp ra trung tâm H.Kbang theo học hết bậc THPT. Cứ đầu tuần là cơm đùm gạo bới vượt hơn 50 km đến trường, hết gạo lại về lấy. Chỗ ở thì trường có khu tập thể giáo viên, các thầy cô ưu ái cho ở nhờ. Nhà nghèo nên suốt những năm học THPT, Láp ăn uống rất kham khổ. Thi thoảng, các thầy cô thương tình lại “viện trợ” cho ít thực phẩm, dù họ cũng chẳng dư dả gì. Vậy rồi cũng qua. Cậu trở thành người hiếm hoi của làng có đường học hành tốt nhất.

Ngày Láp lên đường tòng quân, làng nghèo nhưng già làng vẫn quyết định làm ngay con heo và vài con gà tiễn cậu. Gương mặt ai cũng hể hả, họ nói tiễn Láp đi làm cán bộ nên vui! Với lại, lâu lắm do khổ quá, làng cũng chẳng có hội hè gì. Láp lên đường mang theo cả ước vọng đổi đời của làng, như là việc chung vậy.

Cả hai làng có 287 hộ với 1.063 nhân khẩu, tất cả đều là người Ba Na, hầu hết chỉ học chưa hết hoặc xong bậc THCS là nghỉ, ở nhà làm rẫy. Trẻ con học một buổi, buổi còn lại theo bố mẹ vào rừng ở trong những nhà đầm (nhà tạm). Chuyện 3 – 4 giờ sáng, giáo viên vào nhà đầm tìm các em chở ra trường cho kịp buổi học ở đây không là chuyện lạ. Bố mẹ cũng chẳng thiết tha chuyện học của con. “Cán bộ xem, đói mới chết thôi chứ thiếu chữ không ai chết cả”, Đinh Vanh, một người làng nói.

Tương lai những đứa trẻ này đáng lo khi tỷ lệ đi học rất thấp
Tương lai những đứa trẻ này đáng lo khi tỷ lệ đi học rất thấp

Chuyện học của các em là vậy. Làm nông năng suất thấp, rảnh thì họ vào rừng hái nấm và một số lâm sản phụ bán cho các đại lý ở ngay xã. Số tiền ít ỏi đó lại đổ vào các cuộc nhậu mềm môi. Ở đây, thứ rượu gạo cứ 12.000 – 13.000 đồng/lít, không lấy gì làm bảo đảm về chất lượng luôn sẵn có. Và nó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thanh niên mỗi ngày mềm môi, bã người trong men rượu. Thanh niên chưa đọc thông viết thạo đã thạo uống rượu. Cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu như vòng kim cô trói chặt cuộc đời họ với lầm than.

Vọng buồn làng xa

Lúc chúng tôi đến, làng đang huy động người dời nhà cho Đinh Bơn. Mới 39 tuổi mà gương mặt anh đã xọm lại. Nói 50 tuổi chắc cũng chẳng ai dám cãi. Chẳng là xã ủi đường vào làng, đã vận động nhà Bơn ra một khoảnh đất khác trong làng để con đường được mở thẳng vào làng. Nhìn quanh nhà không thấy gì đáng giá ngoài mấy bao lúa nằm chỏng chơ bên chái nhà. Đứa con đầu của vợ chồng Bơn sinh năm 2000 và cứ thế, họ sòn sòn 2, 3 năm một đứa. Chỉ vào 4 đứa con có vẻ suy dinh dưỡng, chúng tôi hỏi có đẻ nữa không? Đinh Thị Beo, vợ của Bơn, chỉ biết cười bẽn lẽn.

Bơn kể: “Nhà mình mùa này làm được 15 bao lúa (50 kg/bao), ăn khoảng 3 – 4 tháng thì hết gạo. Đói thì ăn thêm củ mì. Rồi vào rừng tìm nấm, tìm mật ong… về bán lấy tiền mua gạo nuôi con. Đói miết à! Nhiều nhà trong hai làng cũng như nhà mình thôi. Ít có người đủ ăn cả năm lắm. Lúa nước cũng có nhưng ít lắm. Cả lúa rẫy, lúa nước cũng chỉ làm được một vụ thôi. Thiếu nước mà! Dẫn cái nước về nhiều tiền lắm”.

Cách nhà vợ chồng Bơn không xa là căn nhà ọp ẹp của vợ chồng Đinh Văn Đan. Bên trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ cũ kỹ. Đinh Văn Đan (22 tuổi) và vợ là Đinh Thị Doth (20 tuổi) cùng 2 đứa con ngồi bó gối nhìn ra. Gương mặt Đan vẫn còn đỏ ửng và đờ đẫn trong hơi rượu dù lúc này chỉ mới 10 giờ sáng. Những bộ áo quần bám đầy đất đỏ, cũ mèm vắt đầy trong căn nhà. 16 tuổi Doth cưới chồng, con lớn cũng đã 4 tuổi. Thế nhưng cả hai vợ chồng đều không biết chữ và cuộc sống đều nhờ vào “mấy đám lúa rẫy” như lời Đan nói.

“Lúa rẫy mình ở xa, đi bộ mất cả tiếng ấy chứ! Nhưng làm lúa rẫy không cho hạt bao nhiêu, cả nhà mình không đủ ăn mà”, Đan kể. Hỏi Đan có trồng và nuôi thêm con gì để phát triển kinh tế không, Đan cười ngây ngô: “Mình có biết trồng, nuôi con gì đâu, mình không đi học mà, nuôi cũng chết hết à. Với lại tiền vốn cũng không có thì biết trồng, nuôi thêm cái gì được. Cũng có người đem hàng vào bán nhưng ít khi mua lắm, không có tiền đâu”.

Một góc làng Hà Đừng 1 với đa số nhà cửa tạm bợ
Một góc làng Hà Đừng 1 với đa số nhà cửa tạm bợ

May mắn nhất lúc này là đứa con gái đầu của hai vợ chồng được chính quyền vận động đi học thường xuyên ở lớp mẫu giáo mở ngay tại làng nên khá dạn dĩ với người lạ. Còn Doth dù chúng tôi hỏi gì cũng chỉ cười, trả lời nhát gừng vì ngại và thiếu chữ. Cũng như nhiều người Ba Na khác ở hai làng, cuộc sống của gia đình họ cứ trôi qua nhạt nhòa, khốn khó.

Dạo quanh làng một vòng, chúng tôi thấy hiếm nhà nào có các phương tiện tối thiểu như radio, ti vi hay sang hơn một chút là tủ lạnh. Cứ đến tối, đàn bà trong làng tụm lại nói những câu chuyện không đầu không đuôi và chờ chồng đang ngật ngưỡng trong men rượu với đám đàn ông trong làng. Trẻ con không có trò gì chơi, cứ chạy đuổi nhau huỳnh huỵch chán, mệt thì về nhà, cứ để nguyên những bàn chân trần đầy đất bẩn lăn ra ngủ. Ngày qua ngày, cuộc sống nơi đây vẫn thế.

Ông Đinh Văn Chá, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Rong, cho biết: “Số không có ruộng thì có rẫy. Đất đai tốt nhưng thiếu kỹ năng, nhận thức hạn chế. Mỗi hộ trung bình có từ 1 – 2 ha nhưng không biết làm, khổ miết. Trẻ em đến trường cũng không nhiều, cứ học lên được vài lớp thì nghỉ. Có đứa học lên lớp 8, lớp 9 nhưng ít thôi. Riêng làng Hà Đừng 1 có 5 hộ chưa có nhà ở, 100 hộ nhà ở tạm bợ”.

Đêm dần xuống. Vẳng lại tiếng chim gọi bạn nơi rừng già vọng về. Cảnh làng như chìm xuống, cô tịch, lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng.

Trong cuộc làm việc mới đây giữa Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai với H.Kbang và xã Đăk Rong, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nhấn mạnh phải huy động nhiều nguồn lực để giúp bà con giảm nghèo, thoát nghèo nhanh.

“Các đoàn thể, các ngành chuyên môn phải xắn tay vào giúp dân, giúp họ tiếp cận kiến thức về khoa học kỹ thuật trong canh tác, giúp tiếp cận vốn vay ưu đãi và cách sử dụng vốn hiệu quả, không để dân đói nghèo thế này. Phải làm bằng được để giúp dân”, ông Trang nói.

Trần Hiếu
Theo Thanh Niên Online

CÙNG CHUYÊN MỤC