fbpx

Sau vụ trẻ rơi từ tầng 12, đổ xô lắp đặt lưới an toàn chung cư

Sau sự cố bé gái rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội, sản phẩm lưới an toàn cho lan can ban công, cầu thang… bỗng trở nên đắt hàng khi nhiều gia đình lo ngại rủi ro.

Khách mua tăng 3-4 lần 

Ghi nhận ở một số cửa hàng tại TP.HCM, sản phẩm bảo vệ này chủ yếu là dạng lưới được thiết kế che các khoảng trống ở ngoài lan can ban công hay cầu thang. Hiện có khá nhiều sản phẩm lưới an toàn, tùy theo hàng nhập khẩu hay sản xuất trong nước mà có giá khác nhau.

Tại cửa hàng Công ty TNHH Tổ Ấm Xanh (Q.Tân Phú, TP.HCM), sản phẩm này có hai kích cỡ theo độ dày của lưới là 2,5mm và 3,0mm; làm từ inox. Nhân viên bán hàng cho hay, giá bán còn căn cứ theo chiều dài sợi lưới lắp đặt. Với loại lưới kích thước 2,5mm, lắp đặt từ 5m2 thì có giá 260.000-270.000 đồng/m2, từ 5-10m2 có giá 240.000 đồng/m2, từ 10-20m2 thì có giá 220.000 đồng/m2… đã bao gồm công lắp đặt. Còn ở tỉnh thì tính thêm chi phí.

do-xo-lap-dat-luoi-an-toan-chung-cu
Lắp đặt lưới an toàn không phải là giải pháp mà phải có thêm ý thức của mỗi gia đình.

Với những lan can ban công thấp dưới 1,6m, khách hàng còn được tư vấn nên lắp đặt thêm đường chì ngang để cố định các sợi lưới với nhau, tránh tình trạng trẻ có thể dạt lưới chui qua. Còn ban công nào cao thì không cần. Các sợi chì này có giá 80.000 đồng/m2.

Anh Vũ Trí Thức, Giám đốc Công ty TNHH Tổ Ấm Xanh, cho biết từ ngày 1/3 đến nay chưa đầy hai ngày, nhưng công ty đã nhận hơn 100 cuộc điện thoại đặt lịch lắp đặt lưới an toàn cho ban công chung cư, ban công tòa nhà lẫn cầu thang. “Vẫn còn nhiều khách gọi đặt dịch vụ, nhưng hiện lịch của công ty đã kín nên chúng tôi không nhận thêm”, anh Thức thông tin.

Tương tự, anh Vũ Văn Nhân, đại diện Trung tâm trang trí nội thất Ánh Dương, cho hay: trước đây, mỗi ngày anh chỉ nhận được 5-10 cuộc gọi lắp đặt lưới an toàn cho ban công. Nhưng trong ngày 1/3, có khoảng 40-50 cuộc gọi đặt dịch vụ lắp đặt lưới an toàn. Giá lắp đặt tùy theo loại lưới. Lưới kích thước 2,5mm, nếu diện tích lắp đặt dưới 4m2 có giá 200.000 đồng/m2, từ 4-9m2 có giá 180.000 đồng/m2, trên 10m2 có giá 160.000 đồng/m2. Còn lưới 3,0mm, nếu diện tích lắp đặt dưới 4m2 có giá 250.000 đồng/m2, từ 4-9m2 có giá 230.000 đồng/m2, trên 10m2 có giá 200.000 đồng/m2.

Khảo sát cho thấy, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại lưới giá khá rẻ, được quảng cáo nhập khẩu nhưng lại không rõ ràng về nguồn gốc. Tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM), lưới an toàn được bán theo bộ, dành cho cửa sổ có giá 400.000 đồng/bộ, dành cho ban công chung cư có giá 1,2 triệu đồng/bộ. Cùng một sản phẩm, nhân viên giới thiệu chất liệu là thép, nhập khẩu từ Trung Quốc, còn chủ cửa hàng thì giới thiệu chất liệu inox, nhập khẩu từ Hàn Quốc…

Ngăn lưới không hết được rủi ro

Theo ý kiến từ giới chuyên môn, việc trang bị các thiết bị phòng ngừa rủi ro cho trẻ tại chung cư, nhà cao tầng là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài lưới bảo vệ, các hộ gia đình cũng nên tìm hiểu, rà soát các yếu tố có thể gây mất an toàn khác.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng lan can ban công nhà cao tầng hiện nay đều quy định xây từ 1,1m trở lên. Qua vụ việc cháu bé rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội, trong khi lan can cao hơn 1,2m thì phải xem xét nhiều vấn đề, trong đó có thiết kế nhà cao tầng có lan can. Thứ nhất, cần xem lại cháu bé có trèo lên đồ vật nào không để qua lan can hay chui qua từ kẽ hở các song sắt lan can? Thứ hai, cần kiểm tra từng chung cư có chấp hành xây lan can theo quy chuẩn này không, các nơi khác làm ra sao, phải cảnh báo những nơi không tuân thủ tiêu chuẩn quy định.

Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, hầu hết các tòa nhà, chung cư cơ bản đều đảm bảo thiết kế lan can ban công có chiều cao đúng quy định. Song vẫn còn một số chung cư xây dựng lan can không thống nhất về chiều cao, tiêu chuẩn. Có nơi lan can cao gần 2m, có nơi cao 1,1m; khoảng cách giữa các song sắt chưa đảm bảo, có nơi khít, nơi thưa mà ngay cả người lớn cũng chui qua lọt. Theo quy định, song sắt lan can phải thiết kế theo chiều đứng để trẻ không leo lên được thì có nơi lại xây theo chiều ngang, có nơi lại xây kính trắng mà không có các thanh sắt bảo vệ…

Cũng theo các chuyên gia, hơn hết, phần lớn lan can mất an toàn là do người dùng “chế” thêm. Lan can xây dựng đúng quy chuẩn là đã an toàn, nhưng có nhiều gia đình lắp thêm lưới mắt cáo ngang vào lan can thay vì lên tới trần, tạo điều kiện cho trẻ bám theo lưới leo lên. Không ít gia đình để chậu cây, bàn ghế, đồ đạc ngoài lan can vô tình trở thành công cụ để trẻ leo ra ngoài.

“Nhân vụ việc này, các gia đình cần phải rà soát lan can của mình. Dù lan can có cao đến mấy mà chất đồ đạc quá nhiều thì trẻ vẫn có thể leo ra ngoài được. Việc “chế” thêm lưới ngoài lan can mà thiếu cân nhắc lại tăng thêm độ nguy hiểm. Nếu lắp lưới quá ngắn sẽ trở thành công cụ để trẻ leo qua lan can, còn lắp quá cao tới trần lại ảnh hưởng đến mỹ quan công trình hoặc rủi ro khi có sự cố cháy nổ”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức lưu ý thêm, thời gian qua, không ít gia đình chọn sợi lưới để rào lan can. Nhìn chung, sợi lưới có tính thẩm mỹ hơn so với khung sắt nhưng hạn chế của các sợi lưới này là dễ bung khi tác động một lực quá mạnh hoặc khi tháo một sợi lưới thì những sợi còn lại sẽ bị nới lỏng, trẻ sẽ chui lọt đầu ra ngoài. Nhiều gia đình có tâm lý chủ quan, đã rào lưới thì chắc chắn an toàn nên không kiểm tra, nhưng theo thời gian, các sợi lưới này có thể lỏng ốc vít bất cứ lúc nào. Nên nhớ, bản thân cái lưới không phải giải pháp mà là ý thức của mỗi gia đình.

Lắp đặt lưới an toàn không phải là giải pháp mà phải có thêm ý thức của mỗi gia đình.

Thanh Hoa

Theo phunuonline.com.vn

 

Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/sau-vu-tre-roi-tu-tang-12-do-xo-lap-dat-luoi-an-toan-chung-cu-a1428744.html

CÙNG CHUYÊN MỤC