‘Sát thủ’ bụi mịn
Dấu chấm cuối câu này của tôi lớn gấp hàng ngàn hạt bụi mịn. Đường kính sợi tóc của bạn to gấp 30 lần của “hắn”.
Khi biết hơn 17,3 tỷ USD đã được đổ ra để có một “Olympic xanh”, tôi quyết định đặt vé du lịch Bắc Kinh sau đó đúng hai năm.
Bắc Kinh với Vạn lý trường thành từ lâu đã nằm trong danh sách phải đến trong đời của tôi. Song vì tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet từng gọi đây là “thủ đô ô nhiễm của thế giới” với 400 ngàn ca tử vong mỗi năm vì không khí bẩn, tôi trì hoãn chuyến đi cho đến khi thấy những hình ảnh về Thế vận hội.
Bầu trời Bắc Kinh hôm tôi tới, lúc nắng nóng giữa ngày, mang màu xám xanh nhợt nhạt. Mặt trời như chiếc đĩa đỏ quạch treo lơ lửng. Nhưng “đẹp hơn mọi ngày”, như lời Hoàng, hướng dẫn viên địa phương nói tiếng Việt rất sõi. Chính quyền vào dịp Olympic trước đó đã phải tạm đóng cửa hơn 50 nhà máy nhiệt điện than, 300 nhà máy công nghiệp, hạn chế xe lưu thông để giảm ô nhiễm và cải thiện hình ảnh trong mắt các đại biểu quốc tế.
“Ảo ảnh khói sương” của Bắc Kinh khiến tôi và nhiều người cùng đoàn bị tức ngực, khó thở trong những ngày ở đây. Người quen của tôi từ Hà Nội sang Bắc Kinh du lịch trước đó bị khó thở, chảy máu cam và phải rút ngắn chuyến đi vì không khí đặc quánh. “Sau cái đẹp tạm thời Olympic, mọi người đều phải trở về máng lợn cũ”, Hoàng cố pha trò.
“Ước gì Bắc Kinh được trong lành như Hà Nội”, cậu nói khi xem bức ảnh tôi chụp vội trước khi lên cầu thang máy bay tại Nội Bài. Bầu trời sáng sớm mùa thu Hà Nội năm đó rất xanh trong. Hoàng bảo, người Bắc Kinh ít khi thấy màu xanh của bầu trời, hầu hết chỉ là màu xám của mây bụi. Đây là những đám mây từ khói bụi công nghiệp chứ không phải mây tự nhiên.
“Bụi mịn” là thuật ngữ mô tả các hạt lơ lửng trong không khí, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (µm). Vì siêu nhỏ, hạt bụi PM2.5 không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng múa may trong không khí từ vài giờ đến vài chục ngày. Theo gió mang đi, bụi mịn gây ảnh hưởng cách hàng trăm đến hàng ngàn cây số từ nguồn phát thải. Khi tích tụ với nồng độ cao, bụi mịn làm tán xạ ánh sáng và làm bầu trời trở nên nhợt nhạt đến mờ đục.
Siêu nhỏ nên không thể ngăn chặn bởi khẩu trang hay các biện pháp thông thường, bụi mịn là sát thủ vô hình tàn phá sức khỏe con người. Theo đường hô hấp, nó dễ dàng xâm nhập sâu vào phổi, theo các mạch máu đến tận mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong cơ thể, kể cả tích tụ lên não và trong bào thai. Về lâu dài, bụi mịn có thể gây ra đau tim, đột quỵ, ung thư, mất trí nhớ, đó là chưa kể các bệnh “sơ sơ” như ho, tức ngực, khó thở, các bệnh về mắt mũi họng, phế quản, xoang, hen… Người già và trẻ em, người mắc bệnh tim mạch và đường hô hấp đặc biệt nhạy cảm với sát thủ này.
Bụi mịn ở đâu ra? từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng, dầu hay củi, rơm, rạ, rác thải, bên cạnh các nguồn tự nhiên như cháy rừng, núi lửa, bão cát… Ô nhiễm không khí tại Hà Nội nhiều lúc đã đạt ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Thủ phạm đằng sau là sự gia tăng của bụi mịn.
Việt Nam bị xếp thứ 15 thế giới về ô nhiễm bụi mịn năm 2019, với nồng độ PM2.5 trung bình năm là 34,1 µg mỗi mét khối. Con số này gấp gần 1,4 lần giá trị cho phép theo quy chuẩn Việt Nam và gấp 3,4 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (10 µg/m³). Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP HCM đều ô nhiễm bụi mịn vượt quy chuẩn Việt Nam và WHO trong năm 2019. Phổi người Việt Nam không có năng lực vượt trội so với đồng loại, nhưng đang chịu tải gấp nhiều lần.
Trong những ngày không khí Hà Nội xuống cấp như hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương đang kêu gọi giảm thiểu xây dựng, giao thông, hạn chế đốt rơm rạ, than tổ ong. Ủng hộ nỗ lực đó, song tôi cho rằng các giải pháp này chưa giải quyết triệt để vấn đề. Lý do là nhiệt điện than, một nguồn thải lớn gây ra bụi mịn, bị bỏ quên.
Bụi xây dựng, khí thải từ giao thông, đốt rơm rạ và than tổ ong là những nguồn thải thấp, dễ thấy nên dễ bị quy là thủ phạm. Khoa học chứng minh rằng chỉ có khoảng 11% bụi xây dựng là bụi mịn, trong khi chiếm đại đa số là cỡ hạt lớn hơn 10 µm nên dễ dàng rơi xuống đất do trọng lực và không phát tán đi xa. Bên cạnh đó, lượng xăng dầu tiêu thụ của 3,5 triệu chiếc ôtô và 50 chục triệu xe máy tại Việt Nam lại chưa bằng một nửa lượng than đá đốt cháy hàng năm, trong khi hàm lượng tro trong than đá cao hơn vài ngàn lần so với xăng dầu. Quy mô đốt đồng hay than tổ ong thậm chí còn không đáng kể so với đốt xăng dầu. Do vậy, mặc dù đóng góp vào ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội hay TP HCM, các nguồn thải trên không phải là thủ phạm lớn nhất.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhiệt điện than là đối tượng gây ô nhiễm dẫn đầu tại Việt Nam, kế tiếp là nhóm công nghiệp và xây dựng, sau cùng là giao thông.
Năm 2019, Việt Nam đã đốt hơn 84 triệu tấn than đá, gấp 3,4 lần so với 10 năm trước. Các nhà máy nhiệt điện than được ví là những “kẻ ăn than như uống nước lã” đang tiêu thụ đến 64% loại nhiên liệu bẩn này. Tất cả các ngành khác, bao gồm sản xuất công nghiệp, tiêu thụ 36% lượng than còn lại. Việt Nam hiện là một trong các “cường quốc nhiệt điện than” khi xếp thứ 6 châu Á và thứ 11 thế giới.
Chỉ riêng một nhà máy nhiệt điện than hiện đại nhất Việt Nam, công suất 600 MW, dù được xử lý khí thải, vẫn thải ra gần 15 tấn vật chất tạo ra bụi mịn mỗi ngày. Những nhà máy công nghệ lạc hậu hơn còn phát thải cao hơn. Cả nước hiện có hơn 21.000 MW công suất nhiệt điện than đang vận hành.
Có đến 90% tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than của cả nước đang hoạt động trong bán kính 200 km quanh Hà Nội và 250 km quanh TP HCM. Trong đó, Hà Nội bị “bao vây” bởi 24 nhà máy với hơn 50% tổng công suất, TP HCM bị “khống chế” bởi 11 nhà máy khác với khoảng 40% tổng công suất nhiệt điện than cả nước.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Bắc Kinh đăng trên ScienceDirect cho thấy, trong điều kiện thời tiết bất lợi, các nhà máy nhiệt điện than gây ra ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng (40 µg/m³) đến phạm vi 250 cây số.
Trong khi dễ dàng tìm đọc hàng ngàn báo cáo nghiên cứu về sự liên quan giữa ô nhiễm không khí, bụi mịn với nhiệt điện than của nhiều nước trên các chuyên san quốc tế, điều khiến tôi ngạc nhiên là những nghiên cứu này tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dùng ngân sách đầu tư vào các trạm quan trắc như hiện nay chỉ đạt mục tiêu xác nhận và cảnh báo ô nhiễm, nhưng chưa giải quyết tận gốc. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu nhà nước đầu tư cho các nghiên cứu khẳng định nguồn gốc bụi mịn để từ đó có các giải pháp phù hợp.
Bài học đầu tiên trong cuộc chiến chống ô nhiễm là tìm đến đúng nơi mối đe dọa được sinh ra. Sau đó là khảo sát nghiêm túc để có giải pháp đúng dựa trên các bằng chứng khoa học.
Tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc – nguyên tắc vàng trong y khoa này cũng có thể vận dụng để tìm và diệt sát thủ bụi mịn tại Việt Nam dù hơi muộn màng.
Nguyễn Đăng Anh Thi
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/sat-thu-bui-min-4220062.html