Rừng ngập mặn mới trồng xong đã chết
Khoảng 9.000 cây bần chua trồng dưới các cánh rừng ngập mặn ở thị xã Kỳ Anh bị chết khô do “thời tiết khắc nghiệt”.
Dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, mục tiêu trồng 77 ha ở hai huyện Kỳ Anh và Thạch Hà.
Đầu tháng 5, chủ đầu tư cùng 3 nhà thầu triển khai trồng 45 ha cây bần chua, dọc các con sông ở phường Kỳ Trinh, xã Kỳ Ninh và Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh.
Cây giống mua về có đường kính tối thiểu 2 cm, cao 1,2 m. Công nhân đào hố kỹ thuật ủ cát, bón phân trồng theo hàng cách nhau hơn 2 m, xung quanh đóng cọc, dựng hàng rào bảo vệ. Đến nay, các đơn vị đã trồng được 30 ha, trong đó phường Kỳ Trinh 17 ha, xã Kỳ Ninh và Kỳ Hà 13 ha.
Đầu tháng 9, chủ đầu tư yêu cầu ba nhà thầu dừng việc trồng rừng ở thị xã Kỳ Anh để kiểm tra, nguyên nhân do nhiều diện tích cây trồng 4 tháng trước đó bị chết. Tại cánh rừng ngập mặn ven sông ở phường Kỳ Trinh, hàng nghìn cây bần chua cao gần 2 m chết khô, lá héo và rụng. Cây ở hai xã còn lại thối rữa, bật gốc. Nhà chức trách thống kê khoảng 9.000 cây trồng trên 4 ha bị chết.
Ông Trần Hữu Ái, 52 tuổi, trú phường Kỳ Trinh, nói “khi thấy dự án về ai cũng vui mừng, bởi những cánh rừng ngập mặn phát triển xanh tốt sẽ điều hòa khí hậu, góp phần giảm nhẹ thiên tai, giúp bà con yên tâm sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Nhưng nay cây chết hàng loạt không rõ nguyên nhân”.
Theo đại diện đơn vị thi công, “quá trình trồng rừng đã tuân thủ các quy tắc, như đo độ mặn của nước biển, cải tạo đất rồi đặt mua cây giống”. “Sự cố này nằm ngoài mong muốn”, vị này nói.
Ông Đào Xuân Hiên, Giám đốc dự án trồng mới bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh, lý giải năm nay thời tiết bất thường, trời nắng nóng suốt ba tháng không có mưa nên độ mặn nước biển tăng cao đột biến khiến cây chết. Bình quân một ha rừng ngập mặn chi phí trồng hết khoảng 350 triệu đồng, hiện 4 ha có cây chết (mỗi ha thiệt hại khoảng 70%).
“Chúng tôi mua bảo hiểm cho dự án này, sắp tới sẽ thông báo tổn thất để họ có chính sách bồi thường. Rừng ngập mặn thường nghiệm thu, đánh giá kết quả sau 4 năm, khi cây chết nhà thầu phải có trách nhiệm trồng lại theo cam kết. Một tháng nữa chủ đầu tư sẽ đi rà soát để lên phương án phục hồi”, ông Hiên cho hay.
Hà Tĩnh có 702 rừng ngập mặn, trải dài trên địa bàn các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh… Nhà chức trách kỳ vọng những dự án này góp phần bảo vệ đê biển, giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đức Hùng
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/rung-ngap-man-moi-trong-xong-da-chet-4160986.html