fbpx

Rừng bạch tùng ở Lâm Đồng bị cưa hạ

Nhiều cây bạch tùng có đường kính gốc rộng một mét, cao hơn 20 mét ở tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, bị “lâm tặc” đốn hạ, đưa ra khỏi rừng.

Ngày 24/11, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp lực lượng kiểm lâm điều tra, xác minh vụ phá rừng bạch tùng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lâm Hà.

rung-bach-tung-o-lam-dong-bi-don-ha
Nhiều lóng gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Theo điều tra, gần đây một số “lâm tặc” đột nhập vào lô B, khoảnh 2, tiểu khu 249 lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý, để cưa trộm bạch tùng lấy gỗ. Tại hiện trường, nhiều vỏ cây bạch tùng có kích thước cổ thụ nằm lại, phần lõi bị xẻ mang ra khỏi rừng. Một số thớ gỗ chưa kịp xẻ còn nằm ngổn ngang.

Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết, có 11 cây bạch tùng khối lượng gần 20,5 m3 bị cưa hạ, trong đó hơn 17,6 m3 đã đưa ra khỏi rừng. Qua khoanh vùng, cơ quan chức năng phát hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Tuyến (thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) có 1,5 m3 gỗ cùng chủng loại, chiều dài với số gỗ bị cắt khúc ở hiện trường. Ông này cho biết mua của một nhóm người cùng xã.

rung-bach-tung-o-lam-dong-bi-don-ha
Một cây bạch tùng lớn bị cưa hạ bỏ lại hiện trường.

Cơ quan chức năng đã thu giữ số gỗ nói trên, lấy lời khai người liên quan để, mở rộng điều tra, làm rõ sự việc. Thời gian gần đây, ở Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên, nằm trong vùng phòng hộ đầu nguồn, với quy mô lớn.

Gỗ bạch tùng có nguồn gốc từ cây thông ba lá (thông nang), trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Gỗ có chất lượng tốt, thường được dùng trang trí nội thất, xây dựng nhà nuôi chim yến nên có giá thành khá cao.

Tin & ảnh: Khánh Hương

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/rung-bach-tung-o-lam-dong-bi-cua-ha-4196270.html

CÙNG CHUYÊN MỤC