Nhận chìm 15,4 triệu m3 bùn, cát có xâm hại công viên địa chất Lý Sơn?
Các chuyên gia nhận định nếu đưa khu vực nhận chìm 15,4 triệu m3 bùn, cát nạo vét cảng Hòa Phát vào công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh về lâu dài có thể tổn hại di sản.
Tỉnh Quảng Ngãi công bố điều chỉnh, mở rộng công viên địa chất lên 4.600 km2 bao trùm cả Khu kinh tế Dung Quất, KCN VSIP, Tịnh Phong và vùng biển nhận chìm 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét cảng Hòa Phát.
Phá hỏng di sản
Chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm phân tích việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trên phạm vi 180 ha ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu m3 vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây.
Các chuyên gia tính toán, với tỷ lệ 13,6% vật chất bùn sét (tương đương hơn 2 triệu m3). Khi các tàu xả vật chất từ mặt biển xuống độ sâu từ 50-55 m, dưới tác động của sóng, hải lưu thì gần như toàn bộ bùn, sét sẽ hòa tan trong nước biển. Chỉ cần 5% bùn, sét bị hòa tan sẽ có khoảng 40 triệu m3 nước biển bị vẩn đục, ô nhiễm.
Trong khi đó, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn, cho rằng người dân địa phương lo sợ 15,4 triệu m3 bùn, cát nạo vét ở dự án gang thép Hòa Phát nhận chìm xuống biển Dung Quất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh.
Bà Thư đề xuất cần chọn lựa phương án đổ bùn, cát nạo vét để san lấp mặt bằng ở những nơi có điều kiện tương đồng (vùng nhiễm mặn) ở trên bờ. Giải pháp này vừa giám sát thuận tiện, tận dụng nguồn tài nguyên vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Dừng nhận chìm ngay nếu bất thường
Chiều 27/3, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức thông tin xung quanh việc nhận chìm gần 15,4 triệu m³ bùn nạo vét luồng cảng của Công ty CP thép Hoà Phát Dung Quất.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng Cục Biển và Hải đảo, thông tin ngày 19/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm bùn, cát nạo vét cảng của Hòa Phát.
Theo đó, Bộ yêu cầu chủ đầu tư phải thuê tư vấn để đặt các trạm quan trắc tốc độ lan truyền của vật liệu mịn (bùn, sét), quan trắc chất lượng nước và các yếu tố môi trường. “Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp có vấn đề ảnh hưởng đến môi trường thì lập tức dừng hoạt động nhận chìm lại”, ông Sơn nói.
Theo giấy phép do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất được cho phép nhận chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất ở vùng biển xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) gồm: Cát biển hơn 86%, bùn sét gần 14% từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định quá trình nhận chìm 15,4 triệu m3 cát, bùn sét nếu có các dấu hiệu: Không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất không đúng, một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay.
Nguồn tài nguyên lớn
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, nhìn nhận gần 15,4 triệu m3 vật chất ví như những quả đồi. “Đây là nguồn tài nguyên lớn nếu nhận chìm tất cả mà không tận dụng được thì quá uổng phí”, ông Hải nhìn nhận.
Ông Hải nói nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép dùng 15,4 triệu m3 vật chất để san lấp mặt bằng có thể sử dụng 50-70% lượng cát biển nạo vét từ dự án của Hòa Phát, giải quyết bài toán kinh tế cho chủ đầu tư, góp phần đảm bảo đảm cuộc sống người dân ven biển huyện Bình Sơn.
Trong khi đó, lãnh đạo Quảng Ngãi nhìn nhận việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên và giảm chi phí cho doanh nghiệp khi phải nhận chìm xuống biển.
Minh Hoàng
Theo Zing.vn