fbpx

Ngay cả trẻ sơ sinh cũng đang tiêu thụ một lượng lớn hạt vi nhựa

Giới khoa học cảnh báo rằng ngay cả trẻ sơ sinh cũng không thoát được khỏi việc nhiễm hạt vi nhựa vì những mảnh nhựa li ti có trong bình sữa của chúng.

Vi nhựa được ghi nhận hiện diện trong đại dương từ mặt nước xuống đáy biển, có mặt ngay cả trong nước đóng chai cũng như nhiều loại thực phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày. Nghiên cứu cho hay, mỗi người trong chúng ta tiêu thụ một lượng rác thải nhựa với liều lượng rất nhỏ mà không hay biết.

Bình sữa không an toàn như các bà mẹ nghĩ vì nước sôi có thể làm phát tán các hạt vi nhựa

Cẩn trọng với sản phẩm làm từ nhựa polypropylene

Các nhà nghiên cứu Dunzhu Li và Yunhong Shi, công tác tại Trinity College Dublin, Ireland, phát hiện ra rằng các sản phẩm làm từ nhựa polypropylene thường được sử dụng để sản xuất và lưu trữ thực phẩm, có thể giải phóng một lượng lớn vi nhựa trong quá trình sử dụng.

Hai nhà khoa học giải thích: “Để ước tính mức độ tiếp xúc khả dĩ trên toàn cầu đối với trẻ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi, chúng tôi đã khảo sát 48 khu vực, và đo được từ 14.600-4.550.000 hạt vi nhựa trên đầu người mỗi ngày, tùy thuộc vào khu vực.”

“Kết quả khảo sát cho thấy mức độ tiếp xúc của trẻ sơ sinh với vi nhựa cao hơn mức đã được ghi nhận trước đây. Điều này là do sự phổ biến của các sản phẩm làm từ nhựa polypropylene được sử dụng phổ biến trong pha chế sữa công thức. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị phải cấp thiết đánh giá xem việc tiếp xúc với vi nhựa ở những mức độ này có gây rủi ro cho sức khỏe trẻ sơ sinh hay không.”

Các nhà khoa học giải thích thêm rằng, bình sữa cho trẻ sơ sinh làm bằng polypropylene giải phóng một lượng lớn các hạt vi nhựa trong mỗi lít, nhất là do việc khử trùng và tiếp xúc với nước sôi đều làm tăng giải phóng vi nhựa trong bình.

Trẻ nhỏ tiếp xúc với hạt vi nhựa sớm hơn mọi người tưởng

Đây được cho là mức tăng đáng kinh ngạc so với các ước tính trước đây. Các nghiên cứu trước đó ghi nhận rằng người lớn và trẻ em ở Mỹ tiếp xúc với từ 74.000 đến 211.000 hạt trong suốt một năm, thông qua thức ăn, nước uống và không khí.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu cách hạt vi nhựa được giải phóng sau khi quan sát một người chuẩn bị món mì ăn liền trong ly nhựa. Ban đầu chiếc ly trông có vẻ cứng, nhưng sau khi người này đổ nước sôi vào, nó trở nên dễ uốn và mềm hơn. Nhiều khả năng hạt vi nhựa có thể được phát tán trong lúc đổ nước sôi.

Sau đó, họ thực hiện thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và phát hiện sự thật đáng sợ: Ly nhựa hoặc hộp nhựa giải phóng hơn 1 triệu hạt vi nhựa trong mỗi lít nước nóng. 

Rác thải nhựa hiện diện khắp các bờ biển từ Đông sang Tây

Việc thử nghiệm chai làm từ nhựa polypropylene với chất lỏng ở nhiệt độ phòng cho thấy rất ít hạt vi nhựa được giải phóng trong mỗi lít, từ không có đến vài trăm hạt. Do vậy nhiệt được cho là vấn đề gây phát tán hạt vi nhựa ra môi trường.

Đáng ngại là cuộc khảo sát thị trường bình sữa cho trẻ sơ sinh ở 48 khu vực chiếm 78% dân số thế giới, cho thấy bình sữa làm bằng nhựa polypropylene chiếm 83% thị trường toàn cầu. 

Một cuộc thử nghiệm súc rửa bình sữa, khử trùng và pha sữa cho thấy chúng giải phóng tới 16 triệu hạt trên một lít nước 70°C. Phần lớn các vi nhựa này nhỏ hơn 20 micromet.

Khi nhiệt độ của nước được tăng từ 70°C lên 95°C – nhiệt độ của nước vừa đun sôi – việc giải phóng vi nhựa đã tăng cấp tốc từ 6 triệu hạt mỗi lít lên 55 triệu hạt. Chỉ riêng quy trình tiệt trùng – trong đó bình được tháo rời và đặt trong một nồi đầy nước 95°C – làm tăng giải phóng vi nhựa lên ít nhất 35%.

Một số lời khuyên hữu ích

Hiện vẫn chưa rõ mức độ tác hại của hạt vi nhựa lên sức khỏe trẻ sơ sinh. Trước mắt, giới khoa học đưa ra lời khuyên để phụ huynh có thể giảm mức độ tiếp xúc của con cái với hạt vi nhựa: Rửa sạch bình bú đã tiệt trùng bằng nước mát; Luôn chuẩn bị sữa công thức cho trẻ trong hộp hoặc ly không phải bằng nhựa; Sau khi sữa công thức nguội đến nhiệt độ phòng, chuyển nó vào bình đã được làm mát và tiệt trùng; Tránh hâm lại sữa công thức đã pha sẵn trong bình nhựa, nhất là dùng lò vi sóng.

Thiệu Kiệt

(theo Sustainability Times)

CÙNG CHUYÊN MỤC