fbpx

Nạo vét hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây

Hồ Kênh Lấp Ba Tri, sức chứa một triệu mét khối đang được nạo vét, cuối tháng này sẽ xả nước vào rửa mặn, trữ ngọt cho mùa khô.

Giữa trưa tháng 8, ba máy hút bùn nằm giữa lòng hồ Kênh Lấp vẫn đang nổ máy. Thợ hút thăm dò các vị trí lòng hồ cạn, sau đó thả ống, bùn theo đường ống được bơm lên hai bên bờ. Cạnh đó, những chiếc máy xúc đưa đất lên các xe tải chở đi. Một số đoạn bờ hồ bị sạt lở, hàng rào đổ sập cũng được gia cố. Do còn trong giai đoạn bảo trì, nên chi phí nạo vét do đơn vị thi công hồ trước đây chi trả. Theo ước tính, lượng bùn nạo vét khoảng 5.000 m3, để đảm bảo lòng hồ sâu đồng bộ 2 m.

ho-kenh-lap-ba-tri
Máy xúc gia cố các đoạn đê bị sạt lở tại hồ Kênh Lấp hôm 6/8.

“Chúng tôi dự kiến đến cuối năm mới triển khai, nhưng do tỉnh chủ trương nạo vét sớm để trữ ngọt, nên từ giữa tháng 7 đã làm, cuối tháng này sẽ xong”, ông Dương Văn Phương, đại diện đơn vị thi công cho biết.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, đơn vị quản lý hồ cũng cho biết, hiện nước trên các sông lớn đã ngọt trở lại, tuy nhiên, một số kênh nội đồng quanh hồ vẫn còn mặn. Dự kiến sau khi nạo vét xong, đợi độ mặn trên kênh nội đồng còn 0,5 phần nghìn trở xuống (500 mg/l), đơn vị này sẽ mở cửa đập hai đầu hồ xả nước vào nhằm “rửa mặn” dần cho đất.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nhận định, do hồ Kênh Lấp trước đây là con kênh bị nhiễm mặn, qua nhiều năm muối vẫn còn nằm trong đất.

“Qua mùa hạn mặn năm nay, độ mặn trong hồ hơn một phần nghìn, nhưng vẫn xài được so với độ mặn 7, 8 phần nghìn trên sông, cần có thời gian vài năm mới xả hết mặn trong đất”, ông Đức nói.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, do hạn mặn được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nên sở đang đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí làm hồ trữ ngọt tại các huyện vùng biển như Bình Đại, Thạnh Phú.

ho-kenh-lap-ba-tri
Cạnh máy hút bùn vẫn thấy rõ đáy hồ Kênh Lấp nứt nẻ do ảnh hưởng của hạn mặn trước đó.

Hồ Kênh Lấp khởi công ba năm trước, đưa vào sử dụng cuối năm 2019, tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Hồ vốn là con kênh đào từ thời Pháp được lấp hai đầu, dài gần 5 km, rộng 40-100 m, lòng hồ sâu 2 m, có sức chứa gần một triệu m3 nước, phục vụ cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn.

Đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Sau khi đưa vào sử dụng được ba tháng, nước trong hồ vẫn mặn hơn một phần nghìn, do mặn tích tụ từ trong đất lòng hồ. Đến đỉnh điểm mùa khô năm nay, hồ cạn trơ đáy, khiến 11.000 hộ dân tại Ba Tri thiếu nước sinh hoạt.

ho-kenh-lap-ba-tri
Hồ Kênh Lấp vốn là con kênh đào từ thời Pháp được lấp hai đầu, dài gần 5 km, rộng 40-100 m.

Mùa hạn mặn năm nay kéo dài hơn 6 tháng, khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ứng phó.

Tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị chết héo, hơn 10.000 ha cây ăn quả, 14.000 ha dừa cùng 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại.

Bài & ảnh: Hoàng Nam

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/nao-vet-ho-tru-ngot-lon-nhat-mien-tay-4144171.html

CÙNG CHUYÊN MỤC