fbpx

Làng đô thị xanh Xuân Thọ

Làng đô thị xanh xã Xuân Thọ mang hình dáng một đô thị song lại có tất cả các đặc điểm của làng, không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện môi trường…

Làng đô thị lần đầu được đề cập đến trong quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý tưởng này do đơn vị tư vấn của Pháp thực hiện. Làng đô thị là mô hình khu ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, có văn hóa như làng xã Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng lại được đầu tư theo kiểu đô thị.

Từ ý tưởng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất thực hiện làng đô thị phát triển tăng trưởng xanh, đặt yếu tố bền vững vào trong mô hình, trong đó phát triển tập trung, gồm: Không gian xanh, môi trường xanh, sản xuất xanh và văn hóa xanh.

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt hơn 10 km ven Quốc lộ 20 hướng từ Đà Lạt đi thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương), thôn Ða Lộc (xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt) được UBND tỉnh chọn là địa điểm phê duyệt Ðề án xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh”. Đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Đà Lạt phát triển xanh và bền vững, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống của một bộ phận cư dân, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến mô hình phát triển đô thị hiện đại, giàu bản sắc Đà Lạt.

Mục tiêu xây dựng mô hình thí điểm Làng đô thị xanh là phân khu đô thị thuộc quy hoạch chung TP Đà Lạt, nhằm tạo ra cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn và các đô thị vệ tinh theo định hướng Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014.

Theo TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, với đô thị đặc thù như Đà Lạt thì khu vực nội thành là khu đô thị cũ, ra phía ngoài sẽ có vành đai xanh nông nghiệp, chủ yếu vẫn là không gian xanh, nông nghiệp trong khu vực đó không chỉ phục vụ riêng nông nghiệp mà còn phục vụ du lịch. Sau đó đi ra xa hơn là khu đô thị vệ tinh. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Lâm Đồng hướng tới.

Và Đề án Làng đô thị xanh kỳ vọng sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị, kết hợp phát triển loại hình du lịch canh nông, homestay. Tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ xử lý sau thu hoạch, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH cho địa phương. Hiện nay, thôn Đa Lộc có khoảng 700 nhân khẩu, sau khi dự án hoàn thành “Làng đô thị” sẽ có quy mô dân số khoảng 6.000 – 10.000 người.

Trên cơ sở những lợi thế và đặc điểm về địa hình, dân cư, kinh tế, xã hội… những định hướng đã được hoạch định. Trong đó, quy mô quy hoạch trực tiếp là 180 ha (quy hoạch chi tiết khu dân cư tập trung có quy mô khoảng 54 ha và phạm vi nghiên cứu quy hoạch là 40 ha), nằm trên địa bàn thôn Đa Lộc, phía Bắc giáp trung tâm xã Xuân Thọ, phía Đông và Nam giáp thôn Đa Thọ, phía Tây giáp thôn Lộc Quý (xã Xuân Thọ). Quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được phát triển đồng bộ, trong đó mật độ đất giao thông/đất quy hoạch là 10,5 ha. Nâng cấp công suất và hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện hiện có, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo quy mô của làng đô thị xanh; ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hệ thống thóat nước, vệ sinh, môi trường, công viên, cây xanh, hạ tầng thủy lợi, cơ sở hạ tầng xã hội… cũng sẽ là những yếu tố được thực hiện theo đề án.

Vùng đất Xuân Thọ thích hợp để xây dựng thí điểm Làng đô thị xanh.

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, mô hình thí điểm Làng đô thị xanh sau khi thực hiện sẽ làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn TP Đà Lạt và các đô thị vệ tinh theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và xu hướng phát triển đô thị – nông thôn bền vững, tăng trưởng xanh. Mô hình này sẽ được bố trí xây dựng tại các khu vực ven thành phố, nằm giữa các đô thị truyền thống và đô thị vệ tinh. Theo quy hoạch, đô thị TP Đà Lạt là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, gồm: D’Ran, Thạnh Mỹ – Phi Nôm, Nam Ban, Lạc Dương. Mỗi đô thị vệ tinh có một chức năng để chia sẻ cho đô thị truyền thống, khoảng giữa của đô thị truyền thống và đô thị vệ tinh sẽ định hình các làng đô thị.

Đề án cũng sẽ tập trung vào bốn nhóm mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, đề xuất mô hình tổ chức quản lý hành chính trên cơ sở quy mô diện tích tự nhiên, quy mô dân số, dự báo về cơ cấu và trình độ kinh tế – xã hội, định hướng quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị theo mô hình tổ chức quản lý hành chính phù hợp theo hướng không nặng về hành chính, nhưng tăng cường tính tự quản của cộng đồng, dòng họ thông qua hương ước, quy ước.

Thứ hai, về tổ chức mô hình cư trú, lưu trú của người dân và du khách sẽ nghiên cứu, đề xuất mô hình, không gian ở kết hợp các hoạt động dịch vụ du lịch, như: Tham quan, lưu trú theo các loại hình du lịch canh nông, homestay…; Đề xuất thí điểm các tiêu chuẩn tiện ích của “Làng” tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân tại thôn Đa Lộc hiện nay.

Và định hướng đến năm 2030, cần phải sắp xếp, tổ chức không gian ở cho khoảng 1.500 – 2.500 dân (trong đó 1.000 – 1.500 dân định cư và khoảng 500 – 1.000 dân quy đổi từ khách du lịch; các hộ dân đang sinh sống trong khu vực Làng (180 ha) và người dân có nhu cầu sinh sống, kinh doanh dịch vụ du lịch vào khu vực Làng) trên diện tích khoảng 27 ha (diện tích đất ở, công trình công cộng, giao thông).

Theo mô hình “Làng đô thị” với chất lượng sống cao hơn, đồng thời phát triển các giá trị tích cực, truyền thông của mô hình “Làng quê” cùng với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí “Làng đô thị xanh”; Chỉnh trang các khu vực ở hiện trạng, đề xuất các khu ở mới theo dạng kiến trúc nhà ở biệt lập (diện tích lô đất 300 – 400 m2) có mái dốc kiểu chữ A và nhà vườn; tầng cao tối đa 3 tầng; mật độ xây dựng trong từng lô đất từ 30 – 40%, kiến trúc và hạ tầng đồng bộ. Áp dụng các giải pháp công trình xanh và ứng dụng vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường, từng bước áp dụng lộ trình phù hợp đối với các công trình cải tạo chỉnh trang, tỷ lệ cây xanh hợp lý.

Thứ ba, về tổ chức sản xuất nông nghiệp và khai thác du lịch áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 từng bước hướng đến nông nghiệp hữu cơ; Tổ chức mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với khu dịch vụ xử lý sau thu hoạch, tổ chức phân phối và tiêu thụ sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của địa phương.

Thứ tư, về tổ chức cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội sẽ tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đầu tư, kết nối và vận hành đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, giáo dục và vui chơi giải trí của dân cư trong làng và của khu vực lân cận; Xác định chương trình, mục tiêu xây dựng Làng đô thị xanh xã Xuân Thọ đảm bảo là một phân khu đặc trưng của đô thị; có quy mô hợp lý và kết cấu phức hợp của một đô thị; phát huy tối đa các ưu điểm và tiềm lực của địa phương; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là phát triển nông – lâm – tiểu thủ công nghiệp và nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, gắn với điều kiện văn hóa bản địa, nhằm nâng cao đời sống người dân, kết hợp khai thác du lịch canh nông (sinh thái) – là đặc điểm chính để hình thành mô hình “Làng đô thị xanh”.

Đồng thời, xây dựng Làng hội đủ các đặc điểm sinh hoạt mang tính đặc trưng của làng quê Việt Nam; không gian và hạ tầng đô thị phải đáp ứng các xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu… là cơ sở để chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, về chủ thể, đối tượng thụ hưởng của đề án, trước hết là Nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án. Quá trình thực hiện đề án phải nghiên cứu bố trí khu vực sản xuất của Nhân dân phù hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các công nghệ chế biến sau thu hoạch, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, sản xuất gắn với mô hình du lịch canh nông; sản xuất hàng hóa theo hướng thích hợp, gắn kết các hộ gia đình trong làng theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc hình thức kinh tế tập thể hiện đại.

Thụy Trang – Phương Mai
Theo baolamdong.vn
Link nguồn: http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202005/lang-do-thi-xanh-xuan-tho-3004465/
CÙNG CHUYÊN MỤC