Lạc hậu như quan trắc không khí tại TP.HCM
Phải mất tới 3 ngày Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM mới có kết quả quan trắc nhưng người dân phải chờ đến một tháng sau mới được cập nhật các chỉ số này.
Những ngày gần đây, không khí TP.HCM bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng các bảng thông tin chỉ thể hiện chất lượng không khí của tháng 8. Điều này khiến người dân thắc mắc vì sao nhà chức trách không công bố kết quả quan trắc kịp thời.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM), cho biết công tác quan trắc không khí ở thành phố được thực hiện theo định kỳ bằng phương pháp thủ công chứ chưa có máy quan trắc tự động.
Toàn thành phố có 30 vị trí quan trắc để xác định mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn từ giao thông, khu công nghiệp và khu dân cư. Theo quy trình, mẫu được lấy ở môi trường thực tế rồi đưa vào phòng thí nghiệm phân tích.
“Như đo mức độ bụi, mẫu được mang về phòng thí nghiệm sấy trong 24 giờ, sau đó đưa ra ngoài cho ổn định rồi mới đem đi cân. Nhanh nhất cũng phải mất 3 ngày mới có kết quả”, ông Sơn thông tin.
Kết quả quan trắc được báo cáo về Sở Tài nguyên Môi trường, sau đó mới chuyển qua Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn công bố trên các bảng thông tin treo trên một số tuyến đường.
Thông thường, kết quả trên các bảng thể hiện chỉ số quan trắc của tháng trước, đồng nghĩa với việc dù đã cuối tháng 9 nhưng người dân chỉ biết được kết quả của tháng 8.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí những ngày qua, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường vừa công kết quả quan trắc. Trong ngày 18-20/9, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO tăng 1,4 đến 2,2 lần. Đặc biệt, thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng 25 – 50% trong ngày 20/9.
Để khắc phục hạn chế của phương pháp đo thủ công, ông Sơn cho biết đã kiến nghị thành phố đầu tư 9 trạm quan trắc tự động nhằm đưa cảnh báo kịp thời đến người dân. Dự kiến các trạm này được đầu tư sau năm 2020.
Sỹ Đông
Theo Zing.vn