fbpx

Khốn đốn vì cửa biển bồi lấp, luồng lạch bị lấn

Từ khi cửa biển An Dũ (H.Hoài Nhơn, Bình Định) và luồng lạch trên sông Ngọn (H.Đông Hòa, Phú Yên) bị bồi lấp, lấn chiếm, ngư dân khốn đốn vì tàu thuyền đi lại khó khăn, thậm chí mất nghề mưu sinh.

Khu neo đậu tàu thuyền ở sông Ngọn bị bồi lấp. Ảnh: Đức Huy

Theo ngư dân Nguyễn Quang Minh (71 tuổi, thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn), An Dũ từng là một trong những cửa biển lớn ở tỉnh Bình Định, gắn liền với sự phát triển về kinh tế, xã hội của vùng đông nam H.Hoài Nhơn. Khoảng 40 năm trở lại đây, cửa biển này bồi lấp dần, kéo theo cuộc sống của người dân trong vùng ngày càng khó khăn.

Tôm cá cũng chẳng còn

Tàu thuyền không ra vào được, phải chuyển đi nơi khác neo đậu khiến ngư dân tốn thêm chi phí. Các công việc buôn bán, dịch vụ, làm thuê… ở cửa biển cũng mất đi. Khi cửa biển còn, những ngư dân không đủ sức ra khơi thì đi làm chài rớ, đánh lưới ở đó kiếm sống, nhưng cửa biển bồi lấp thì tôm cá còn đâu nữa”, ông Minh than thở.

Chủ tịch UBND xã Hoài Hương Trần Tấn Thuận cho biết, từ năm 2000 trở về trước, cửa biển An Dũ có lưu lượng tàu thuyền ra vào rất lớn. Riêng xã Hoài Hương có khoảng 700 chiếc tàu, ngoài ra còn có tàu thuyền của các xã lân cận và ngư dân H.Phù Mỹ (Bình Định), H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào neo đậu, mua bán hải sản nên hoạt động giao thương rất nhộn nhịp, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Thời điểm này, xí nghiệp đóng tàu lớn nhất H.Hoài Nhơn cũng đóng ở cửa biển An Dũ. “Từ năm 2000 đến nay, cửa biển An Dũ bị bồi lấp hoàn toàn, việc làm của người dân mất đi rất nhiều, thương nghiệp, dịch vụ tại cửa biển không còn… dẫn đến tầm phát triển của địa phương gặp khó khăn”, ông Thuận nói.

Bên cạnh đó, cửa biển An Dũ nằm cuối nguồn Lại Giang nên lượng rác thải từ thượng nguồn đổ về nhiều nhưng dòng chảy không thông, gây ra ô nhiễm môi trường. Hiện tượng bồi lấp cửa biển còn làm giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt, sạt lở… ở vùng hạ lưu, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Do ô nhiễm môi trường, lũ lụt nên nghề nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu sông Lại Giang cũng ngày càng khó khăn, thua lỗ. Hằng năm, trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh Bình Định thường xuyên cho nạo vét, khơi thông cửa hoặc nổ mìn để cho nước lũ thoát qua biển.

Nhiều bãi cát bồi liên tục hình thành tại cửa biển An Dũ. Ảnh: Hoàng Trọng

Không chỉ có người dân xã Hoài Hương mà hầu hết người dân các xã phía đông – nam H.Hoài Nhơn đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm chỉnh trị cửa biển An Dũ. Khôi phục lại cửa biển như trước đây là tốt nhất, chí ít cũng khơi thông dòng chảy để tránh lụt lội, ô nhiễm môi trường”, ông Thuận cho biết.

Hồ tôm, lồng vẹm lấp kín luồng tàu

Trong khi đó, cuối dòng sông Ngọn thuộc KP.Phú Thọ 3, TT.Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa được UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch làm nơi neo đậu, tránh bão của hơn 1.000 tàu thuyền. Nhưng hiện nay, khu neo đậu này bị bồi lấp, lại thêm nhiều hộ dân lấn chiếm mặt nước để nuôi vẹm, nuôi tôm khiến tàu thuyền ra vào gặp khó khăn.

Ngư dân Phạm Lập ở KP.Phú Thọ 3 than thở: “Người dân nuôi tôm, nuôi vẹm tràn lan khiến lòng sông ngày càng chật hẹp. Triều xuống thấp thì chỉ có tàu thuyền nhỏ ra vào được, còn tàu thuyền công suất lớn đành phải nằm trong khu neo đậu chờ triều lên. Ngặt nỗi là khi biển êm thì lòng sông lại cạn, tàu cá không thể vươn khơi đánh bắt được, phải chờ triều lên thì mất rất nhiều thời gian của ngư dân”. Theo ông Lập, người nuôi vẹm cũng rất ngang ngược khi tàu thuyền chạy lại gần thì họ hăm dọa, đòi đánh.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết UBND tỉnh Phú Yên không quy hoạch lòng sông Ngọn nuôi vẹm nên người dân nuôi vẹm trong khu vực này là tự phát và trái phép, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm, giải tỏa lồng bè nuôi vẹm, trả lại luồng lạch thông thoáng để tàu thuyền ra vào.

Trả lời câu hỏi vì sao người dân nuôi vẹm trái phép, cản trở luồng lạch tàu thuyền ra vào khu neo đậu mà chính quyền chưa xử lý? Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hòa, cho biết đoạn sông hiện ngư dân đang nuôi vẹm thuộc địa phận xã Hòa Hiệp Nam. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Hiệp Nam tiến hành lập biên bản và tháo dỡ. UBND xã Hòa Hiệp Nam cũng đã hứa trong thời gian tới sẽ cố gắng tháo dỡ lồng bè nuôi vẹm, trả lại luồng lạch cho tàu thuyền qua lại thuận lợi hơn.

Ngoài nuôi vẹm, người dân còn san lấp làm hồ nuôi tôm nên có những đoạn sông chỉ còn rộng chưa đến 20 m. Một số hộ dân còn đổ bê tông làm hồ nuôi tôm ngay trong mốc giới lòng sông mà chính quyền xã không hề hay biết. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, khu vực sông Ngọn rộng hơn 160 ha, trong đó UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch khoảng 45 ha để làm hồ nuôi tôm cao triều. “Hiện có nhiều hồ tôm nằm trong mốc giới là vì trước đây dòng sông bồi lấp nên người dân đã san gạt làm hồ. Nhưng nếu tiến hành nạo vét lòng sông thì bà con đồng ý trả lại ngay”, ông Hồng giải thích và cho biết thêm là hằng năm UBND H.Đông Hòa cũng hỗ trợ kinh phí cho ngư dân nạo vét luồng lạch tạm thời để đi lại.

Lòng sông bị bồi lấp, lấn chiếm còn khiến việc sửa chữa tàu thuyền gặp trở ngại. Trong khu vực sông Ngọn có Xí nghiệp đóng tàu cá Hùng Thi nhưng hiện những tàu cá đóng theo Nghị định 67 không thể nào vào xí nghiệp này để sửa chữa, mà phải đi ra tỉnh khác sửa chữa nên ngư dân phải gánh thêm chi phí.

Ngư dân Phạm Luyện (ở KP.Phú Thọ 3) cho biết ở Phú Yên chỉ có duy nhất Xí nghiệp đóng tàu cá Hùng Thi là đủ năng lực để sửa chữa tàu cá đóng theo Nghị định 67. “Nếu sửa chữa tại Phú Yên chi phí chỉ hơn 350 triệu đồng, nhưng ra tỉnh khác sửa chữa hết khoảng 600 triệu đồng”, ông Luyện chia sẻ và đề nghị UBND tỉnh Phú Yên sớm triển khai dự án nạo vét luồng lạch, khu tránh trú bão để đảm bảo việc neo đậu và đi lại của tàu thuyền.

Chờ ý kiến của Bộ NN-PTNT

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã thuê một đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá hiện tượng sạt lở, bồi lấp cửa An Dũ để có cơ sở khoa học nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt lở, bồi lấp, từ đó đưa ra giải pháp để xử lý triệt để, ổn định cửa An Dũ lâu dài. Trong tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo với Bộ NN-PTNT về kết quả nghiên cứu cửa An Dũ để xin ý kiến xử lý. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất các biện pháp chỉnh trị cửa An Dũ như: nạo vét dòng chảy, xây dựng công trình hướng dòng, xây kè chống xói lở ở cửa sông, xây dựng hệ thống đập mỏ hàn chữ Y… với tổng kinh phí khoảng 215,7 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2025. Hiện UBND tỉnh Bình Định đang chờ ý kiến của Bộ NN-PTNT để có hướng xử lý tiếp theo.

Đối với khu neo đậu tàu thuyền sông Ngọn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết đã yêu cầu UBND H.Đông Hòa sớm đề xuất với UBND tỉnh tháo gỡ các vướng mắc để khu neo đậu tàu thuyền được đúng như quy hoạch. “Trước mắt, UBND H.Đông Hòa phải có trách nhiệm vận động người dân tự tháo dỡ, nếu không tự giác thì phải có biện pháp mạnh để tàu thuyền ra vào thuận tiện. Dự án này vốn tương đối lớn, nên về phía tỉnh, tôi sẽ đề xuất đưa vào vốn trung hạn để khu neo đậu đảm bảo tàu thuyền neo đậu từ 600 – 1.000 tàu thuyền an toàn”, ông Thế cho biết.

Hoàng Trọng – Đức Huy

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khon-don-vi-cua-bien-boi-lap-luong-lach-bi-lan-1189883.html

CÙNG CHUYÊN MỤC