fbpx

Hơn 3,6 tỉ USD “cứu” giao thông TP.HCM

Nếu được bố trí vốn kịp thời, triển khai đúng tiến độ, loạt dự án trọng điểm sẽ giúp TP.HCM hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cơ bản, giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng.

Kẹt xe trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM Khả Hòa
Kẹt xe trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM. Ảnh: Khả Hòa

Sau khi tiếp nhận Công văn số 8649 của Bộ GTVT về phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP.HCM đã tổ chức rà soát và có văn bản đề xuất Bộ GTVT nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn thành phố giai đoạn trên.

83.061 tỉ đồng cho 21 dự án trong 4 năm

Theo đó, TP có 12 dự án đề xuất được sử dụng vốn ngân sách T.Ư với dự kiến nhu cầu vốn khoảng 45.161 tỉ đồng. Trong đó, có 4 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 5.536 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn ODA gồm: dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ giai đoạn 2; dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (SECO); dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 và dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương).

8 dự án cần 39.625 tỉ đồng từ ngân sách TƯ do Bộ GTVT quản lý gồm cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; 4 dự án thành phần thuộc đường Vành đai 3; Hai nút giao trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm; dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) và dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Ngoài ra, còn 9 dự án sẽ được xây dựng trong giai đoạn này với tổng nhu cầu vốn 37.900 tỉ đồng sử dụng từ nguồn vốn ngân sách TP và đầu tư theo hình thức PPP. 9 dự án này đều có tính chất liên vùng hoặc kết nối với các tỉnh lân cận. Trong đó, có dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài vừa được Thủ tướng phê duyệt giao TP.HCM chủ trì.

Nhiều dự án trọng điểm đình trệ, giao thông TP.HCM ngày càng ùn tắc nghiêm trọng Ngọc Dương
Nhiều dự án trọng điểm đình trệ, giao thông TP.HCM ngày càng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Dương

Bên cạnh đó, có dự án đường song song quốc lộ 50 (kết nối TP.HCM với tỉnh Long An); 3 đoạn khép kín đường Vành đai 2; dự án cải tạo mở rộng đoạn quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An); mở rộng quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); nâng cấp quốc lộ 50, đoạn qua TP.HCM và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).

Tổng cộng, TP.HCM dự kiến cần 83.061 tỉ đồng (tương đương hơn 3,6 tỉ USD) để thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn và kết nối các tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025.

Khơi thông loạt dự án “trùm mền”

Nhìn vào danh sách các dự án có nhu cầu cấp vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 có thể thấy, hầu hết đều là các dự án trọng điểm, có tác động rất lớn nhưng đang ì ạch mãi chưa thể triển khai.

Điển hình là 2 tuyến Vành đai 2 và Vành đai 3. Cụ thể, đường Vành đai 2 còn 14km chưa khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án, gồm: đoạn từ ngã ba An Lạc (Q. Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H. Nhà Bè) dài khoảng 5,3km, đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q. Thủ Đức). Dự kiến theo quy hoạch, các dự án khép kín đường Vành đai 2 sẽ được xây dựng năm 2017, hoàn thành, nối 1 vòng TP.HCM vào cuối năm 2019, nhưng đến giờ vẫn chưa làm được. Đường Vành đai 3 cũng không khá hơn. Việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/9/2011. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3km đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).

Đại diện Sở GTVT TP thừa nhận chính việc thiếu hụt hệ thống đường vành đai là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến giao thông ách tắc trong suốt thời gian qua. “Hà Nội hiện có 4 đường vành đai, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông cho thủ đô, vừa hỗ trợ giãn dân. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn”, vị này nói.

Tương tự, dù là một trong những công trình trọng điểm nhằm cải thiện môi trường, chống ngập cho TP nhưng dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 2 vẫn ì ạch bao năm qua chưa hoàn thành. Có nhu cầu vốn khoảng 8.582 tỉ đồng, trong giai đoạn 2016 – 2020 Bộ KH-ĐT đã bố trí vốn trung hạn cho dự án 4.017 tỉ đồng, nhưng đến nay dự án mới được giao vốn 3.804 tỉ đồng. Trong năm 2019 dự án chưa được giao thêm vốn.

Mới đây, do chậm thanh toán cho nhà thầu gần 600 tỉ đồng, các nhà thầu đã có văn bản thông báo dừng thi công nhiều vị trí trên công trường và yêu cầu TP thanh toán lãi phát sinh. TP đã phải có văn bản khẩn gửi Thủ tướng xin tạm ứng vốn từ ngân sách T.Ư để dự án tiếp tục được triển khai. Đáng nói, một loạt rào chắn thi công của dự án đang “án ngữ” tại nhiều tuyến đường như đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hũ, chỉ dài chưa tới 1 km nhưng có đến 5 lô cốt đang là nguyên nhân gây ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.

Vốn nhỏ giọt, hệ lụy lớn

Trước kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, cuối năm 2018, UBND TP đã ban hành Quyết định số 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, TP.HCM sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm gần 190 km đường bộ và 46 cây cầu. Như vậy, cùng với kế hoạch cũ, loạt dự án được ghi vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng, khơi thông ách tắc.

Thế nhưng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc nhiều dự án cũ có tên trong nhu cầu vốn giai đoạn mới thể hiện những bất cập nghiêm trọng trong công tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM và nếu không nhanh chóng thay đổi, loạt quy hoạch, kế hoạch trên sẽ phá sản. Theo ông, để gỡ nút thắt giao thông của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cần số lượng dự án lớn với tổng vốn đầu tư “khủng”. “Đối với các dự án trọng điểm như hệ thống đường vành đai, các quốc lộ liên tỉnh, Chính phủ cần nhìn nhận không chỉ tác động đến TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến giao thông, xã hội, kinh tế của toàn vùng. Cần đặt trong tổng thể lợi ích để bố trí kế hoạch phân bổ đầu tư xứng đáng, dự án nào dứt điểm dự án đó. Càng để lâu thiệt hại càng lớn”, ông Sơn cảnh báo.

Tương tự, đối với các dự án mà TP.HCM chủ động triển khai, cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối vốn ngân sách cũng như kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện theo hình thức đối tác công – tư. Cụ thể, TP.HCM đang sở hữu nguồn đất rất lớn, nhưng chưa tận dụng hiệu quả. Tất cả các dự án giao thông đều gắn liền với cơ hội phát triển rất lớn của các dự án đô thị. Giao thông phát triển, thông thoáng thì giá trị các dự án xung quanh cũng tăng lên rất nhiều. Ở nước ngoài, mỗi khi mở đường, làm đường mới, chính quyền thường yêu cầu các hộ gia đình, nhà đầu tư tại khu đất hai bên phải đóng góp bằng chính sách thuế mới. Người dân khi đó sẽ có 2 sự lựa chọn: một là bán đất, rời đi; hai là tiếp tục ở lại nhưng đóng thuế cao hơn, tương ứng với giá trị đất tăng lên sau khi có đường mới. Tiền này sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư vào việc thi công, thực hiện dự án.

Làm như vậy sẽ vừa giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, vừa giúp xoay vòng vốn, vừa công bằng. Thành phố không cần phải lo đi vay để thực hiện các dự án hạ tầng, giao thông”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Hai tuyến metro có thể về đích đúng hẹn

UBND TP vừa nhận được văn bản nêu ý kiến thẩm định của Bộ KH-ĐT về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho 2 dự án đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên), số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương) tại TP.HCM.

Đây là ý kiến thẩm định tổng hợp cuối cùng từ các bộ, làm cơ sở để UBND TP hoàn tất hồ sơ thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án, trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm để nguồn vốn cho tuyến metro số 1 và hợp đồng vay tuyến số 2 chính thức được khơi thông.

Trong báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tuyến metro số 2, Bộ KH-ĐT kết luận dự án có đủ cơ sở để thu xếp đủ nguồn vốn nước ngoài, thực hiện theo tổng mức đầu tư điều chỉnh thể hiện qua các cam kết của nhà tài trợ. Tuyến metro số 1 cũng đủ cơ sở để thực hiện các bước thực hiện tiếp theo.

Như vậy, “ải” thủ tục khó khăn nhất đã được thông qua, 2 tuyến metro được kỳ vọng có thể về đích đúng hẹn, giải tỏa ách tắc cho giao thông TP.

Hà Mai

Theo thanhnien.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC