fbpx

Giải bài toán nước ngọt trong mùa hạn mặn: Ít hồ lớn hay nhiều hồ nhỏ?

Trong bối cảnh xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của người dân các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số ý kiến đề xuất nên xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có những yếu tố cần được xem xét, cân nhắc.

Người dân tỉnh Bến Tre mua nước ngọt sinh hoạt từ các ghe nước. Ảnh: Trung Chánh

Địa phương muốn xây hồ chứa nước ngọt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có buổi làm việc với các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn ở ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Tại buổi làm việc này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để người dân có nước ngọt sử dụng như mở các điểm cấp nước tập trung, kêu gọi hỗ trợ trang thiết bị trữ nước ngọt, vận chuyển nước từ nơi khác về để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, tình hình thiếu nước ngọt đối với người dân Bến Tre vẫn khá nghiêm trọng, có đến 20.000 hộ dân đang bị ảnh hưởng. “Về nguồn nước sinh hoạt của tỉnh hiện nay thì tất cả các nhà máy nước hầu như đều có độ mặn trên 5 gam/lít”, ông Trọng cho biết.

Trước thực tế như trên, vị đại diện UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên, giống như biển hồ Campuchia, nhằm tạo thêm một hồ điều hòa, hạn chế những đợt triều cường xâm nhập mặn cũng như bổ sung nguồn nước để “cứu” khát các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL.

Mặt khác, nhằm đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng ven biển, ông Trọng kiến nghị Chính phủ cho Bến Tre đầu tư thêm một hồ chứa nước ngọt với dung tích khoảng 1,5 triệu mét khối. “Nếu có được hồ này, cả ba huyện ven biển của Bến Tre sẽ chủ động được nguồn nước ngọt vào mùa hạn mặn”, ông Trọng nói.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiến nghị Chính phủ cho địa phương xây dựng hồ chứa nước ngọt Cửa Cạn ở huyện đảo Phú Quốc. “Việc này chỉ cần Thủ tướng và các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính ủng hộ cho Kiên Giang, còn chúng tôi sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án”, ông Hồng cho biết.

Ngoài ra, Kiên Giang cũng kiến nghị cho địa phương xây dựng các hồ chứa nước ngọt vùng ven biển. “Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thêm các hồ chứa. Hiện nay chúng tôi đang khó khăn phải chở nước từ nơi khác đến”, ông Hồng nói.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nói rằng ông đồng tình các kiến nghị nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước ngọt ở các quy mô khác nhau. “Tuy nhiên, về xây dựng các hồ chứa nước ngọt, ý kiến của các nhà khoa học còn khác nhau, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, cho nên, đây là vấn đề cần sớm nghiên cứu để có kết luận”, ông cho biết.

Những yếu tố cần cân nhắc

Trao đổi với TBKTSG liên quan đến những đề xuất trên, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc trường Đại học Cần Thơ, cho rằng việc đầu tư các hồ chứa nước ngọt theo ông là không khả thi.

Bởi lẽ, thứ nhất, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt xảy ra ở những địa phương ven biển của ĐBSCL, trong khi cấu trúc đất ở khu vực này này là đất pha cát, thành ra không giữ được nước thấm ra ngoài lẫn nước biển thấm vô. “Chính yếu tố đó, nên muốn giữ được nước phải xử lý rất tốn kém”, ông Ni nhận định.

Bằng chứng dễ nhận thấy nhất là hồ trữ nước ngọt kênh Lấp – hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL – ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được đầu tư khoảng 85 tỉ đồng nhưng chỉ sau khoảng sáu tháng đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố bị nhiễm mặn.

Thứ hai, các nhà máy nhiệt điện than đã hình thành ở khu vực ven biển, cho nên cần phải đánh giá lại chất lượng không khí. Bởi, nếu làm hồ đã rất tốn kém nhưng bị ô nhiễm từ nước mưa rơi xuống thì càng tốn kém hơn vì phải xử lý. “Nói chung, bài toán kinh tế cần phải tính”, ông Ni nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, nếu chọn phương án làm các công trình ao, hồ, hay kênh trữ ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển, có một số vấn đề cần cân nhắc.

Đầu tiên, cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh, do đó hàm lượng oxy trong nước là thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó, phải đảm bảo cắt mọi nguồn ô nhiễm có thể có vào nguồn nước này.

Thứ hai, cân nhắc giữa việc làm nhiều công trình nhỏ phân tán và một công trình lớn tập trung vì khi làm công trình lớn tập trung có thể tiện lợi cho việc quản lý, lắp đặt nhà máy xử lý nước, nhưng khoảng cách đến nhiều người dùng nước phân bố phân tán thì có thể xa và tốn kém, làm tăng giá thành của nước.

Thứ ba, các công trình ao, hồ, hay kênh trữ nước cần đặc biệt tính toán đến lượng thất thoát nước. Với lượng thất thoát lớn thì đòi hỏi ao, hồ, kênh mương đó phải đủ sâu vài mét, chứa được nhiều nước để bù bốc hơi, thấm. Nhưng, khi đào sâu thì lại phải xem xét có chạm đến tầng sinh phèn bên dưới hay không.

Thứ tư, do đặc điểm đất ven biển có thể có hàm lượng cát nhiều dễ thấm, khi làm ao hồ sâu để trữ nước thì có thể gặp phải thủy cấp mặn và có khả năng bị mặn thấm ngược vào trong, đặc biệt là khi mực nước ngọt trong ao, hồ thấp hơn mực thủy cấp mặn xung quanh. Do đó, các công trình ao, hồ, kênh này cần cân nhắc đến việc gia cố lòng kênh, mái kênh để chống thấm và chống mặn, phèn xâm nhập và có thể phủ bề mặt bằng thực vật để giúp xử lý nước và giảm bốc hơi mặt thoáng.

Lựa chọn nào cho bài toán nước ngọt?

TS. Dương Văn Ni cho rằng cần so sánh giữa các phương án trữ nước ngọt, bao gồm trữ ở quy mô từng hộ gia đình, quy mô nhóm cộng đồng 10-20 hộ và quy mô rộng lớn ở từng xã/huyện, để xem xét phương án nào có hiệu quả kinh tế hơn. “Theo truyền thống của người dân, họ đã chọn trữ ở quy mô hộ gia đình, tức mỗi gia đình biết chính xác nhu cầu sử dụng bao nhiêu, trong bao lâu”, ông nhận xét. Cũng theo ông Ni, việc tính toán phương án cho cho cả cộng đồng, như quy mô trữ bao nhiêu, trong bao lâu là rất khó, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thiện, cần đa dạng hóa các phương pháp đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt của người dân ven biển. Công trình lớn để cấp nước sinh hoạt thì phù hợp hơn đối với các đô thị vì số người sử dụng nước nhiều, tập trung, có thu nhập cao. Thế nhưng, đối với vùng nông thôn thì công trình lớn sẽ gặp khó khăn về chi phí do số người sử dụng phân bố thưa thớt và thu nhập thấp.

Đối với vùng sát biển, người dân đã có kinh nghiệm trữ nước mưa và trữ nước mặt bằng các phương tiện tại gia đình như lu, khạp, bồn chứa, ao gia đình và điều này cần được hỗ trợ, khuyến khích. Tuy nhiên, do chất lượng không khí ngày nay đã bị ảnh hưởng từ các nguồn khói bụi và mưa a-xít, các cơ quan chức năng nên khảo sát chất lượng nước mưa để giúp người dân đảm bảo an toàn.

Ngoài các biện pháp theo kinh nghiệm truyền thống, có thể nghĩ tới các công nghệ mới ngày nay như màng lọc na-nô, thiết bị lọc nước biển và công nghệ RO (thẩm thấu ngược), hoặc dùng các túi chứa nước ngọt. Đối với các công trình áp dụng công nghệ cấp nước ở cấp cộng đồng, có thể nghĩ đến việc kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện cho các phương tiện này.

Ở ven biển vùng cửa sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh có rất nhiều giồng cát có chức năng lưu trữ nước ngọt tự nhiên ở tầng nông có độ sâu chỉ khoảng 10 mét hoặc có khi lộ thiên. Ông Thiện cho rằng khả năng trữ nước của các giồng cát này phụ thuộc vào độ lớn của giồng cát và thảm thực vật che phủ bên trên. Việc bảo tồn các giồng cát với chức năng trữ nước tự nhiên sẽ rẻ hơn nhiều so với các biện pháp khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 95.600 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng có 24.400 hộ, Cà Mau 21.100 hộ, Bến Tre 20.000 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ, Long An 7.900 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ.

Trung Chánh

Theo thesaigontimes.vn

 

Link nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/301201/giai-bai-toan-nuoc-ngot-trong-mua-han-man-it-ho-lon-hay-nhieu-ho-nho.html

CÙNG CHUYÊN MỤC