fbpx

Đồng bằng sông Cửu Long: Khát giữa vùng nước

Cần nhận thức được rằng sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia liên quan, sự phát triển tốt của từng cộng đồng phải được xem xét như là sự thịnh vượng, ổn định và hòa bình chung của cả khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 4 triệu héc ta đất liền với hàng ngàn cây số sông rạch chằng chịt và gấp ba lần con số đó là diện tích mặt biển. Vùng đồng bằng này được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam nếu dựa theo phân loại của công ước Ramsar về các vùng được gọi là đất ngập nước. ĐBSCL là nơi nhận nguồn nước lớn nhất Việt Nam.

Mỗi năm sông Mekong chuyển về vùng châu thổ khoảng 475 tỉ m3 nước, nếu đem chia cho khoảng 18,5 triệu người dân đang sống ở đây thì bình quân đầu người mỗi năm nhận hơn 25.000 m3 nước. Oái ăm thay hiện nay, nhiều vùng canh tác nông nghiệp và sinh hoạt dân cư, đặc biệt vùng ven biển nơi toàn bộ nước sông Mekong đổ về, đang nóng lên về chuyện hạn hán nghiêm trọng.

Năm vấn đề nan giải. Từ đầu mùa mưa năm 2019, hiện tượng El Nino đã mạnh dần lên ở khu vực phía Tây vùng biển Thái Bình Dương, báo hiệu nguy cơ giảm sút lượng mưa xuống khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, số liệu từ hầu hết các trạm quan trắc lưu vực sông Mekong cho thấy, lượng mưa bằng 60-70% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm khiến nước sông Mekong giảm thấp thấy rõ.

Hồ chứa nước thuộc các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong (đoạn LanCang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đóng các cửa van để tích nước tối đa khiến dòng chảy xuống hạ lưu ít hơn. Giữa mùa lũ năm 2019 nhiều ghềnh đá giữa Thái Lan và Lào lộ rõ, còn hồ Tonle Sap ở Campuchia có mực nước thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Báo chí Thái Lan phải dùng từ “khô hạn trong mùa mưa lũ” như một cảnh báo.

Tất cả là dấu hiệu một mùa khô kiệt năm 2020 và hệ quả là nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào đất liền, vượt mức năm hạn lịch sử 2016. Trên thực tế, năm nay nước mặn có nồng độ 3 ppt đã vượt khoảng 100 km theo sông Hậu chạm vào Cái Răng, Cần Thơ, trong khi năm 2016 nơi đây chỉ ghi nhận độ mặn với nồng độ 2 ppt ở thời điểm trễ hơn năm nay. Như một quy luật cân bằng cho vùng châu thổ thấp và phẳng như ĐBSCL, khi nước sông giảm sút càng thấp chừng nào thì nước biển mang nước mặn vào sâu trong nội địa bù lại sự thiếu hụt đó.

Nhiều vùng cửa sông, nếu nhìn bằng mắt thường thì nước vẫn đầy ắp, nhưng là những khối nước mặn chát. Còn đi sâu vào các con rạch, con kênh trong nội địa, nước ròng không vào tới, thì trơ cạn đáy, đặc biệt các nơi có công trình ngăn mặn – giữ ngọt. Thiếu nước, sông rạch khô cạn khiến việc khai thác nước ngầm gia tăng, nhưng cũng không đủ. Khô hạn làm đất mất nước, co ngót mạnh, tạo nhiều lỗ hổng dưới đất, nhiều công trình đường sá, nhà cửa bị mất sức chống đỡ dẫn đến hiện tượng lún sụt, sạt lở kinh hoàng.

Có năm vấn đề nan giải đang xảy ra đồng thời trong sáu tháng mùa khô ở vùng đất được mệnh danh là nơi có nền “văn minh sông nước” này. Thứ nhất, nguồn nước ngọt ngày một khan hiếm, khó khai thác. Thứ hai, nước mặn xâm nhập vào đất liền ngày một sâu hơn và sớm hơn. Thứ ba, chất lượng nước giảm sút và mức độ ô nhiễm độc hại cả về vật lý, hóa học và sinh học cao. Thứ tư, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng lên đáng kể.

Cuối cùng, biến đổi khí hậu và vấn đề bị các nước khác kiểm soát nguồn nước ở thượng nguồn làm gia tăng căng thẳng nguồn nước ở hạ lưu. Các nan đề này có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau khiến những lập luận dựa vào các con số tiêu chí vùng ĐBSCL có tài nguyên nước dồi dào, thừa thãi trở nên bất cập một cách trái khoáy. Các khu vực lớn khác ở Việt Nam như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung phần cũng đang ở tình trạng khô hạn nhưng chỉ với hai vấn đề chính: thiếu nguồn nước ngọt và nhu cầu sử dụng cao.

Hạn hán ở ĐBSCL không chỉ qua mức độ khô hạn về thủy văn mà còn vượt hơn giới hạn khô hạn về nông nghiệp đến chạm mức khô hạn về mặt xã hội, nghĩa là nó đe dọa các nhu cầu sử dụng nước cơ bản của con người như ăn uống hằng ngày và có thể khiến một bộ phận dân cư phải bỏ đi nơi khác để mưu sinh.

Vì thế nhiều địa phương phải công bố tình huống khẩn cấp như Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Với công bố này, các địa phương phải cầu viện đến sự giúp đỡ bên ngoài và chính phủ. Từ nay đến khoảng hai tháng nữa mới tới mùa mưa, tình hình sẽ khó khăn hơn, có thể thêm một số nơi cầu cứu.

Đối sách lâu dài. Hiện nay, có nhiều cá nhân và tổ chức đã chung tay góp phần cứu hạn cho người dân như góp kinh phí để cung cấp bình chứa nước, lắp đặt thiết bị lọc nước, chở xe bồn, sà lan nước ngọt về vùng khô mặn. Đây là những nghĩa cử tốt đẹp, thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn lúc hoạn nạn của người Việt Nam. Tuy nhiên, với cái nhìn xa hơn, mang tính chiến lược hơn và kế hoạch hành động hữu hiệu trong những năm tới cần có những đối sách lâu dài cho vấn đề nước ở ĐBSCL.

Trước tiên, phải xác định nguồn nước ngọt và sạch là tài nguyên hữu hạn và có giá trị để sử dụng một cách hữu ích. Bên cạnh đó, phải xem nước mặn và nước lợ cũng là những tài nguyên có thể mang lại những lợi ích cho sinh kế, sinh thái và đa dạng sinh học bền vững.

Từ những cơ sở dữ liệu mới cập nhật và phỏng đoán về kiểm kê nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu, sinh vật và các yếu tố xã hội, các  nhà quy hoạch và xây dựng chính sách sẽ đề xuất các thay đổi hệ thống canh tác và sinh kế phù hợp, cần chuyển đổi tư duy trồng lúa như một giải pháp an ninh lương thực kéo dài hơn ba thập kỷ qua.

Khái niệm phát triển bền vững, thuận thiên trên cơ sở thích ứng dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem based Adaptation – EbA) cần được phát huy thực sự.  Việc triển khai nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được triển khai như một cơ sở pháp lý cho các chuyển dịch sản xuất và dịch vụ.

Nghị quyết 120 xác định ba trụ cột ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là thủy sản – cây ăn trái – lúa gạo. Nhiều nhà khoa học đã đánh giá nghị quyết 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, từ việc sử dụng tài nguyên tôn trọng quy luật tự nhiên, từ sản xuất nông nghiệp đến làm kinh tế nông nghiệp, từ quan tâm thuần túy tới tăng trưởng kinh tế đến giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững.

Hiện nay để ứng phó với BĐKH, đặc biệt tình trạng thiếu nước, hạn hán và mặn xâm nhập, rất cần có sự đầu tư hợp lý của nhà nước cho cả biện pháp công trình và phi công trình. Các biện pháp phi công trình tổng quan cần được ưu tiên chú trọng để tăng cường khả năng chống chịu và hồi phục trước BĐKH cho vùng nông thôn và hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Cách tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là “thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”. ĐBSCL vẫn phải là vùng sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản trọng điểm của Việt Nam, nhưng việc sản xuất nông nghiệp và thủy sản cần theo trình tự ưu tiên.

Thứ nhất, tìm các giải pháp khoa học – kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi. Thứ hai, kết hợp giải pháp công trình nhỏ để đầu tư ít và quản lý linh hoạt. Thứ ba, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp. Cuối cùng, cân nhắc đến đầu tư công trình lớn để quản lý rủi ro một cách thận trọng.

Để ứng phó với diễn biến bất thường của BĐKH, cần sớm nhận thức được những thay đổi bất lợi, đặc biệt về nguồn nước ở ĐBSCL để có các đối sách hợp lý. Trong canh tác nông nghiệp, việc giảm diện tích lúa cần được lưu ý. Trong canh tác hoa màu, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, phù hợp với tình trạng suy kiệt nguồn nước.

Theo tôi, hướng về một nền sản xuất sạch và an toàn phải là giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, cần thường xuyên củng cố hệ thống kênh mương, phục hồi việc trữ nước trong các vùng trũng, ao đìa lung bàu… nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Các nhà kinh doanh và nhà nông cần có những cam kết hợp tác vững chắc trong chọn giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu – gia tăng giá trị nông sản đa dạng ra thị trường với sự hỗ trợ của các nhà khoa học về khoa học và công nghệ. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH, đồng thời tăng cường tập huấn lồng ghép BĐKH với kế hoạch phát triển của địa phương.

Các tổ chức khoa học trong và ngoài nước cần phải tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm ứng phó hợp lý cho vấn đề BĐKH. Cuối cùng, việc kiên trì đấu tranh liên tục về mặt ngoại giao và giải pháp kinh tế cho vấn đề chia sẻ nguồn nước, phù sa, thủy sản, hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên sông Mekong với các nước thượng nguồn sẽ giúp giảm bớt các nguy cơ và khó khăn cho vùng châu thổ.

Cần nhận thức được rằng sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia liên quan, sự phát triển tốt của từng cộng đồng phải được xem xét như là sự thịnh vượng, ổn định và hòa bình chung của cả khu vực.

Lê Tuấn Anh

Theo Forbes Vietnam

 

(*) PGS-TS Lê Anh Tuấn là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ

(**) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 83, tháng 4/2020

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/dong-bang-song-cuu-long-khat-giua-vung-nuoc-10581.html

CÙNG CHUYÊN MỤC