Đất đâu mà chôn mãi
Những thập niên gần đây, rác thải trở nên cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của cả nhân loại như bã của nhà máy điện nguyên tử, rác bệnh viện chứa mầm virus độc hại, rác từ thiết bị công nghệ thông tin cực độc và có thể gây ung thư…, nên thế giới đã xuất hiện một ngành công nghiệp và dịch vụ vô cùng quan trọng là thu gom, xử lý, tái chế rác thải.
Ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội thì rác là một vấn nạn lớn. Mỗi ngày mỗi người dân TP HCM thải ra khoảng 1-1,2 kg rác thì tổng lượng rác tính trên 13 triệu dân (dân cư tại chỗ và khách vãng lai) sẽ là một con số khổng lồ trên 8.000 tấn. Sau hơn 40 năm tái đô thị hóa, thành phố đã có những bước đi dài trong phát triển đô thị nhờ vào các công nghệ và kỹ thuật mới như kỹ thuật xây cầu dây văng, khoan ngầm dưới lòng đất, xây cao ốc chọc trời, nhưng có một lĩnh vực không có sự thay đổi nào đáng kể đó là thu gom và xử lý rác. Rác vẫn được thu gom bằng xe thô sơ và xử lý bằng cách chôn lấp và đốt.
Thành phố đã có những bước đi dài trong phát triển đô thị nhờ vào các công nghệ và kỹ thuật mới như kỹ thuật xây cầu dây văng, khoan ngầm dưới lòng đất, xây cao ốc chọc trời, nhưng có một lĩnh vực không có sự thay đổi nào đáng kể đó là thu gom và xử lý rác. Rác vẫn được thu gom bằng xe thô sơ và xử lý bằng cách chôn lấp và đốt.Cách thức chôn lấp, đốt rác đã có ở thành phố này từ thời lập thị, tính ra cũng vài trăm năm trước. Các bãi rác lộ thiên có từ trước năm 1975 như ở Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi được duy trì mãi đến tận bây giờ. Bắt đầu từ năm 1990 chính quyền đã thấy phương thức này không còn phù hợp nữa vì dân số tăng lên 3-4 lần, đặc biệt chất thải rắn từ các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều hơn, đa dạng hơn. Nhìn rộng ra thì khắp đất nước này, từ các thành phố lớn đến các làng xã, đâu đâu cũng có những bãi chứa rác, các hố đốt rác âm ỉ cháy quanh năm. Có thể nói, rác đang hành chúng ta, từ người giàu đến kẻ nghèo khó.
Năm 2005, TP HCM ký hợp tác với công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) với rất nhiều ưu đãi về giá, ứng trước vốn và giao hẳn cho công ty này 130 ha đất, khi ấy người dân đã dấy lên một niềm hy vọng là từ nay rác thải sẽ được giải quyết dứt điểm. Nhưng rất tiếc, sau hơn 10 năm, người dân ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đô thị kiểu mẫu số 1 của Việt Nam hiện nay có lúc vẫn phải chịu mùi hôi tỏa ra từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Đó là chưa kể đến những sự cố xảy ra như nước rỉ rác chảy tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm…
Trước tình hình như thế, một vấn đề được đặt ra là làm thế nào giải quyết được vấn nạn này ngay tức thời, để đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác và có những giải pháp căn cơ mang tính lâu dài nhằm giải quyết triệt để cho một thành phố hơn 10 triệu dân.
Để giải quyết vấn nạn rác, TP HCM phải làm được những việc sau đây:
Thứ nhất, phải kiên quyết hiện đại hóa công nghệ xử lý rác bằng phương pháp và thiết bị đồng bộ công nghệ đốt kín, cung cấp nhiệt và điện. Các nhà máy xử lý rác hiện đại này được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới và các nước Đông Nam Á. Hiện nay có ba quốc gia sản xuất hoàn thiện và chào hàng nhà máy xử lý rác thải trọn gói là Đức, Áo, Bỉ. Một vài chuyên gia cho rằng việc nhập nhà máy có công nghệ tiên tiến này hơi đắt, nhưng đắt hay rẻ là tùy thuộc vào quan điểm của mỗi nhóm người.
Nếu xét thuần túy về tiền thì có vẻ hơi cao vì một nhà máy như thế cần đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng và có thể giải quyết được 500 tấn rác/ngày. Nhưng nếu tính hiệu quả đa chiều thì chi phí đó là không đắt, thậm chí là rất rẻ bởi khi sử dụng công nghệ hiện đại này sẽ tiết kiệm được hàng ngàn ha đất để đưa vào sử dụng cho mục đích hữu ích khác. Hơn nữa, các sản phẩm đầu ra rất hữu ích, để sản xuất điện, cung cấp nhiệt cho các nhà máy công nghiệp, phân bón hữu cơ cho nông nghiệp. Ngoài ra, có những lợi ích vô hình khác như giữ được môi trường sạch hơn, giảm chi phí phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân… Tính như thế sẽ thấy hiệu quả đầu tư cho nhà máy xử lý đốt kín rõ ràng có lợi ích cao hơn nhiều so với cách thức truyền thống.
Thứ hai, phải thực hiện cho được việc phân loại rác đầu nguồn. Lợi ích của việc phân loại rác đầu nguồn ai cũng thấy. Nó giúp cho việc thu gom rác thải nhanh, vận chuyển nhanh và xử lý nhanh. Loại rác hữu cơ như rau củ, thức ăn thừa được chế biến để làm ra phân bón; loại rác vô cơ như xà bần, đồ sành sứ, gạch được mang chôn lấp hoặc đưa đến nơi cần dùng san lấp mặt bằng; còn rác tái chế như giấy, nhựa, thủy tinh… được đưa vào tái chế; các loại gỗ, nhựa, thân cây, vải được đưa vào lò đốt cung cấp nhiệt cho phát điện.
Nếu không thực hiện được việc phân loại rác đầu nguồn trước khi đưa vào nhà máy thì coi như thất bại, bởi việc phân loại rác thủ công sẽ tăng chi phí, tốn thêm thời gian, còn nếu rác trong tình trạng lộn tùng phèo như hiện nay thì máy móc sẽ hư hỏng hết, và rồi lại quay về với chôn lấp thủ công.
Người đẻ thêm, chứ đất đâu có nở ra, do vậy TP HCM không thể có thêm Đa Phước, Đông Thạnh, Gò Dưa được nữa. Còn phương án gửi rác về các tỉnh thông qua các chương trình hợp tác – kết nghĩa không triển khai được, vì chả ai dại gì rước chất thải về nhà. Lối thoát duy nhất đúng cho Việt Nam và TP HCM chỉ là công nghệ tiên tiến nhất. Sẽ là vô nghĩa nếu thành phố thông minh, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình mà chỗ nào cũng rác, dân ra đường bịt kín từ đầu đến chân như ninja, giới thượng lưu Nam Sài Gòn phải di cư như chim vào mùa Đa Phước tỏa hương.
Nguyễn Minh Hòa
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn