Đánh phụ nữ, chen ngang…: “Đó là văn hóa của chúng tôi”?
Những tranh luận và biểu hiện hung hăng phổ biến nhất mà tôi thấy là kiểu “nếu bạn không thích Việt Nam thì đừng ở đây nữa!”…
Nhân chuyện Nghiên cứu thường niên về chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) xếp Việt Nam thuộc nhóm năm quốc gia kém văn minh nhất trên Internet, bạn đọc nước ngoài đã chia sẻ suy nghĩ của họ.
Mạng xã hội tôi hay dùng là Facebook và tôi thấy rất nhiều bình luận nặng nề trên đó. Tôi từng đọc rất nhiều bài đăng trên các trang tiếng Anh trên Facebook, các bài đăng đó cũng thường dẫn đến các nội dung tiếng Việt mà tôi có thể đọc hiểu một phần.
Nên tranh luận tích cực
Những tranh luận và biểu hiện hung hăng phổ biến nhất mà tôi thấy là kiểu “nếu bạn không thích Việt Nam thì đừng ở đây nữa!”. Tôi hiểu rằng người Việt Nam, cũng giống như mọi người ở các nơi khác, rất tự hào về văn hóa của mình và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên lấy đó làm cái cớ cho những bình luận khó chịu, thô lỗ hoặc xấu tính của mình.
Những năm qua, tôi quan sát thấy tính lịch sự trên Internet bị giảm đi rất nhiều, nhìn chung là vậy chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Hình như ngày càng nhiều người sử dụng Internet như một “bãi rác” để trút bỏ những cơn thịnh nộ của mình, và họ cũng không có khả năng thể hiện trước công chúng những gì họ thật sự muốn nói. Thêm vào đó, sự ẩn danh trên Internet cũng đang bị lạm dụng nhiều hơn.
Trên thế giới mạng, tôi ghét nhất là những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc, đặc biệt là chống lại người Việt Nam, để tôn lên sự ưu việt của phương Tây, ví dụ như “Chúng tôi không xả rác nhưng các người thì có!”.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng không hay ho gì khi một số người Việt lấy cớ rằng “Đó là văn hóa của chúng tôi, đừng có mà chỉ trích chúng tôi!” cho những hành vi sai trái như bạo lực đối với phụ nữ hoặc chen ngang hàng.
Khi giao tiếp trên mạng, tôi thích những cuộc thảo luận tích cực chứ không thích những trận tranh cãi. Tôi rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như giáo dục, bình đẳng giới cho phụ nữ, giảm nghèo, biến đổi khí hậu…
Tôi thích đặt câu hỏi và trông đợi mọi người đưa ra những câu trả lời đầy thông tin và hữu ích. Tôi không quá lo lắng việc người ta có chửi tôi hay dùng những lời khó nghe với tôi trên mạng hay không, vì tôi có lựa chọn là có phản hồi họ hay không.
Nhìn chung, tôi cố gắng bám vào chủ đề mình đưa ra và tránh bị phân tâm hay cuốn theo cảm xúc. Tôi thường có thể nhìn ra khi người ta cố ý “nhử” mình hoặc cố gắng thay đổi chủ đề. Tôi nghĩ rằng đó là bản tính của họ, muốn là người được phản hồi nhiều nhất để họ có thể cảm thấy tốt về bản thân mình.
Cư xử lịch sự chẳng mất gì
Tôi nghĩ để cư xử văn minh trên mạng, người ta nên tránh dùng lý do tôn giáo hay chính trị để viện cớ cho cơn giận dữ của mình. Đừng tấn công cá nhân, nếu muốn hãy “tấn công” vào chủ đề đang thảo luận. Đừng la lối và lôi kéo người khác vào cuộc, đừng lấn át quan điểm của người khác.
Cũng đừng cố ý thay đổi chủ đề bởi vì bạn cảm thấy “thua” trong những cuộc cãi vã trên mạng. Nếu bạn là người thật sự có giáo dục, bạn sẽ có thể thảo luận một cách bình tĩnh chứ không phải ném đá vào người khác.
Và nếu những người trên mạng quá ngu ngốc, hãy mặc kệ họ, việc bạn phản hồi chỉ càng khiến họ “hăng máu” lên thôi.
Cư xử lịch sự chẳng mất gì và cũng nên nhớ rằng nhiều người có trí nhớ khá dai. Các nhà tuyển dụng cũng xem xét cá tính trên mạng của bạn, và bạn không phải lúc nào cũng “ẩn danh” được trên mạng như bạn tưởng đâu.
Cuối cùng, những bình luận và cách cư xử trên mạng của bạn rất có khả năng mang lại hậu quả ngoài đời thật. Biết đâu lỡ một ngày nào đó bạn gặp người mà mình đã tấn công trên mạng ngoài đời thì sao?
Việc cư xử lịch thiệp trong hầu hết các nền văn hóa được người ta hướng đến như một cách để ngăn chặn mọi người “giết nhau” vì những điều tầm thường. Khả năng chấp nhận niềm tin, chủng tộc và sự khác biệt của người khác là một trong những cách khiến chúng ta trở thành một thế giới văn minh hơn.
* John Kim (người Hàn Quốc): Internet có trật tự của nó Thật khó để tránh dùng Internet trong thế giới hiện đại ngày nay. Làm trong ngành IT, quản lý hệ thống máy móc của công ty và cũng là người sản xuất nội dung YouTube, tôi thấy mình mâu thuẫn khi vừa yêu vừa ghét thế giới Internet nhưng tôi chấp nhận Internet với những cái tốt và xấu của nó. Lấy ví dụ về một công cụ hữu ích là chiếc xe. Nếu bạn dùng xe để di chuyển, đi làm, đi học, chiếc xe giúp bạn phát triển bản thân, tự lập, tự chủ trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn dùng chiếc xe để đi trộm cắp, quấy phá trật tự giao thông, lao vào người hay phương tiện khác, chiếc xe trở thành công cụ phá hoại. Internet cũng như thế và được sử dụng như thế nào là ở người dùng. Người dùng Internet được tự do xuất bản tin tức nên phát ngôn, mức độ chịu trách nhiệm, đạo đức của họ là rất “hên xui”. Với tư cách là người đọc, người xem, bạn phải có sự tỉnh táo. Còn làm sao để tỉnh táo thì giống như quy luật tiến hóa, bạn phải va vấp nhiều. Dĩ nhiên, gia đình, đạo đức xã hội, pháp luật có thể điều chỉnh một phần nhưng không phải là tất cả vì hành vi Internet chủ yếu vẫn là trông chờ vào ý thức và hiểu biết của mỗi cá nhân dù tôi có thể nói là cái tốt nhiều hơn cái xấu. Đối với trẻ em, việc cha mẹ cần thường xuyên bầu bạn, nói chuyện với con cái về những giá trị và nguyên tắc hành xử cơ bản sẽ hữu ích với thái độ, hành vi sử dụng Internet lành mạnh. * Shaquille Stewart (người Anh): Bài học từ nước Anh Vương quốc Anh được đánh giá là một trong năm nước có cách xử sự văn minh nhất trên mạng Internet phần nào do sự tham gia của tất cả các thế hệ và đối tượng từ già đến trẻ, cùng với việc giáo dục trực tiếp và gián tiếp về cách sử dụng những công cụ này sao cho phù hợp. Thông thường ở Anh, ngay cả những người cao tuổi nhất cũng biết cách sử dụng mạng và có tài khoản của các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram. Việc cha mẹ sử dụng và giữ liên lạc với con cái qua mạng xã hội cũng là một chuẩn mực ở đất nước chúng tôi. Thậm chí nhiều người lớn tuổi còn sử dụng mạng xã hội nhiều hơn giới trẻ! Chính vì vậy hành vi của giới trẻ trên mạng vẫn bị cha mẹ và ông bà theo dõi. Bên cạnh đó, ở Anh trường lớp cũng đặt nặng vấn đề giáo dục trẻ em về tác động của hành vi trên mạng xã hội vì giới trẻ cần hiểu rằng lời nói trên thế giới ảo sẽ gây ra hậu quả thật. Một trong những vấn đề được trường lớp đặt nặng là bắt nạt trên mạng khiến nhiều người tự tử hay thậm chí bị sát hại. Ở Anh, chương trình truyền hình Catfish trở nên khá nổi tiếng. Chương trình này nói về góc khuất của thế giới ảo nói chung và trên mạng xã hội nói riêng. Tôi còn nhớ trước khi chương trình này trở nên nổi tiếng ở Anh, ít ai nhận ra trên mạng có nhiều tài khoản giả được tạo ra chỉ để hăm dọa hay làm hại người khác. Nhờ xem chương trình đó mà nhiều người, trong đó có cả tôi, đã trở nên cẩn trọng hơn khi sử dụng mạng Internet, đặc biệt là khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Bên cạnh chương trình truyền hình Catfish, các chương trình tivi, phim ảnh và truyện cũng thường đặt ra các tình huống giả định về những góc khuất của mạng xã hội để người xem nhận thức được tầm quan trọng của việc hành xử sao cho đúng đắn khi sử dụng Internet. Thậm chí việc hành xử không phù hợp trên mạng Internet có thể bị xử phạt hành chính. Nhìn chung, cách hành xử của mọi người trên mạng Internet được Anh rất coi trọng. Hồng Vân – Hà My ghi |
Stivi Cooke (người Úc) – Ngọc Đông ghi
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/danh-phu-nu-chen-ngang-do-la-van-hoa-cua-chung-toi-2020030121192886.htm