fbpx

Đà Lạt đừng để tuột mất cơ hội trở thành đô thị di sản!

Đà Lạt mong muốn trở thành đô thị di sản, bước đầu tiên cần phân tích các điều kiện nào để thành phố cao nguyên này trở thành đô thị di sản (xây dựng bộ tiêu chí).

Trên thế giới, người ta nhận ra rằng cần giữ gìn di sản với quan điểm: Giữ gìn giá trị thật, tính nguyên bản, tính chân xác, sự chính xác (tiếng Anh gọi là Authentic). Càng tôn trọng lịch sử (ở đây là lịch sử dân tộc, lịch sử một vùng đất chứ không nên hiểu là lịch sử của một thể chế), người ta càng ngày càng đề cao tính chân xác, tính nguyên bản của di sản.

Vì sức hấp dẫn của một thành phố di sản chính là chiều sâu văn hóa và chiều dài lịch sử hiển hiện trên từng nét kiến trúc, cảnh quan đô thị còn giữ lại. Các đô thị có yếu tố di sản luôn cố gắng giữ gìn để công trình cổ không bị xuống cấp.

Nếu do thiên tai, địch họa, do điều kiện bất khả kháng nào đó mà một phần di sản bị mất đi, phần còn lại vẫn được giữ gìn vì đó là minh chứng chân xác nhất của lịch sử.

Dù lịch sử của các cuộc chiến tranh (nếu xảy ra) có như thế nào thì lịch sử vẫn tồn tại độc lập, khách quan và vô cùng giá trị.

da-lat-do-thi-di-san
Trung tâm Đà Lạt nhìn từ trên cao.

Đà Lạt mong muốn trở thành đô thị di sản, bước đầu tiên cần phân tích các điều kiện nào để thành phố cao nguyên này trở thành đô thị di sản (xây dựng bộ tiêu chí). Sau đó phải phân tích đâu là những nguy cơ tiềm ẩn làm mất tiêu chí? Đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện được mỗi tiêu chí. Cuối cùng là lập kế hoạch triển khai.

Thông thường, các tiêu chí cho một đô thị di sản sẽ gồm:

Thứ nhất về tổng thể đô thị: Đô thị lịch sử, tồn tại thời gian dài, có dấu ấn lịch sử, văn minh của thời kì mà nó hình thành.

Di sản đô thị gắn liền với các di sản văn hóa, tự nhiên và đã được hình thành qua quá trình lịch sử. Đô thị được hình thành đánh dấu điều kiện phát triển đặc biệt về trình độ tư duy của con người, những giá trị mang tầm quốc tế.

Đô thị có yếu tố đặc thù, tính chất đặc biệt, độc đáo, duy nhất của quốc gia.

Đô thị có một câu chuyện riêng (có những đô thị là quê hương của đại danh hào trên thế giới, hay là nơi cội nguồn của một giá trị nào đó của nhân loại… sẽ có tính chất này).

Thứ hai, về hệ thống công trình di sản: Có hệ thống di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc, được công nhận (UNESCO hoặc quốc gia).

Có di sản tự nhiên, thiên nhiên độc đáo, chứng minh được tính độc đáo, duy nhất.

Thứ ba, về hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản phục vụ trong điều kiện mới (xã hội đương đại): Có những sáng kiến được triển khai để bảo vệ di sản.

Có những dự án mở ra về giữ gìn và khai thác giá trị di sản trong điều kiện mới.

Có những hợp tác trao đổi quốc gia, quốc tế, liên kết vùng để nghiên cứu và hợp tác về hành động bảo tồn di sản…

Thứ tư, về ý thức cộng đồng địa phương giữ gìn, bảo vệ di sản: Chính quyền và cộng đồng có truyền thống, có ý thức bảo vệ di sản. Cộng đồng dân cư địa phương có nét văn hóa đặc biệt, có hương ước, khế ước hoặc những lệ được viết ra để tạo khung bảo vệ di sản.

Để xây dựng được các tiêu chí đó, địa phương phải nhận thức được vai trò của di sản và vai trò của mỗi cá nhân (đặc biệt của chính quyền địa phương) về nâng cao ý thức giữ gìn di sản là vô cùng quan trọng.

Những người làm công tác chuyên môn về bảo tồn di sản đô thị khắp cả nước những ngày này đều hướng về Đà Lạt, khu Hòa Bình và Đồi Dinh bởi họ thấy nguy cơ mất không phải chỉ di sản khu đồi Dinh Tỉnh trưởng mà nguy cơ phá hủy cấu trúc khu Hòa Bình, trung tâm Đà Lạt.

Những gì đang có, đang còn tồn tại từ quá khứ phải được trân trọng bảo quản vì mất đi thì sẽ mất tiêu chí.

Những yếu tố Đà Lạt không thể để mất là:

Cảnh quan thiên nhiên: hệ cây xanh, mặt nước đô thị, là rừng thông, là địa hình không bằng phẳng;

Hệ thống di sản kiến trúc: Di sản khu người Pháp và di sản khu người Việt (khu Hòa Bình). Có thể nhiều nơi chưa được công nhận di sản (như khu Hòa Bình, các khu phố người Việt (shophouse), các làng, ấp: dốc Nhà Làng, Ấp Ánh Sáng…) những cũng vẫn là giá trị không thể bị mất. Nếu chưa được công nhận, phải tìm cách để đưa vào danh sách kiểm kê hay một điều kiện nào đó tương đương để giữ.

Cách ứng xử giữ gìn di sản thể hiện văn hóa và tầm nhìn của chính quyền địa phương có di sản. Nếu không có được tầm nhìn tương ứng với tầm cỡ của đô thị, người đứng đầu địa phương đó sẽ như khoác phải chiếc áo quá khổ, sẽ là gánh nặng quá lớn. Mà cuối cùng, sự thiệt thòi nhất lại đè lên chính di sản, rộng hơn là cả đô thị đó.

Tiền nhân xây dựng một đô thị trở thành đặc sắc phải mất hàng trăm năm, nhưng sự lụi tàn của đô thị, đôi khi chỉ tính bằng một thập kỷ. Mọi thứ sẽ sụp đổ không phải vì những yếu tố khách quan mà chính từ tư duy chủ quan của con người.

Dù đã bị mất quá nhiều những giá trị làm nên đô thị di sản, nhưng nếu nỗ lực thay đổi cách nhìn và hướng đi, tôi tin thành phố vẫn có thể đạt được mục tiêu này, để “đô thị di sản” không phải chỉ là mơ ước, không chỉ tồn tại trên giấy.

PGS.TS Nguyên Hạnh Nguyên, Đại học Kiến trúc TP.HCM

Theo theleader.vn

 

Link nguồn: https://theleader.vn/da-lat-dung-de-tuot-mat-co-hoi-tro-thanh-do-thi-di-san-1598603813353.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC