Cuộc sống trong căn nhà 3m2 giữa trung tâm Sài Gòn
Trước đây, người dân ở xóm Mả Lạng sợ bị xã hội đen, ma túy tràn vào nhà mình thì giờ đây, họ ngay ngáy một nỗi lo… không biết khi nào nhà mình bị phá bỏ.
Trái ngược với những căn nhà cao chọc trời, các khu thương mại sầm uất, những con đường thông thoáng ở bên kia Nguyễn Trãi – Nguyễn Cư Trinh – Trần Đình Xu – Cống Quỳnh là khung cảnh tối tăm ở khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM.Vào sâu bên trong, từng con hẻm nhỏ, rộng chỉ hơn 1m và những con hẻm ngoằn ngoèo, hun hút như mê cung. Tất cả, chỉ có một đường ra duy nhất là con hẻm lớn 245 Nguyễn Trãi.
Căn nhà rộng hơn 3m2 của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoàng, hiện 61 tuổi nằm giữa khu phố. Bên trong, tủ lạnh, tủ quần áo, tủ chén bát được sắp xếp khá gọn hoặc treo lên tường nhưng vẫn chật cứng. Khoảng trống ở giữa làm nơi sinh hoạt, ăn uống và mắc võng cho cháu ngủ rộng chỉ 0,5 m.
‘Nói là nhà cho oai, chứ nó không khác một cái hang. Đến bữa ăn, cả gia đình lấy tô xúc ăn. Tối ngủ, phải co chân lại. Bây giờ, nhà tôi làm thêm cái gác ở trên nên không gian sinh hoạt rộng hơn một chút. Trước đây, ngoảnh chỗ nào cũng thấy người’, bà Hoàng thở dài nói. Nhà chật, các con bà Hoàng có gia đình riêng phải ra ngoài thuê phòng ở. Hiện, căn nhà chỉ có hai vợ chồng bà. Hằng ngày, ông đi chạy xe ôm, bà ở nhà bán tạp hóa và giữ cháu cho các con đi làm.
Nhìn hai hàng xe máy nối đuôi nhau từ ngoài hẻm 245 vào sâu bên trong, người phụ nữ sinh năm 1958 thở dài: ‘Cũng vì chật mà các gia đình phải để xe bên ngoài’. Bà Hoàng kể, trước đây, cả khu phố phải dùng chung 6 nhà vệ sinh công cộng. Gần 600 hộ dân khi đó phải thay phiên nhau tắm rửa, tiểu tiện. Vào giờ cao điểm thì luôn bị tắc đường.
Hiện, 6 nhà vệ sinh công cộng phải dỡ bỏ để làm nhà ở, vì các nhân khẩu cứ tăng lên. Nhà nhỏ, người đông, các gia đình lấn chiếm đường làm ban công. ‘Nhà này làm, nhà khác cũng làm theo. Riết rồi ai cũng thi nhau làm. Đường vào cũng vì thế trở nên tối om, nhỏ hẹp. Có khi ban ngày cũng phải bật điện. Nhưng ở chỗ này quen rồi, không ai muốn chuyển đi hết’, bà Hoàng nói. Cách đó mấy căn, căn nhà rộng 9m2 của vợ chồng ông Trần Văn Dực, hiện 82 tuổi ban ngày nhưng tối om. Giữa trưa, mất điện, ông phải mang tô cơm ra ngoài ngồi ăn. Cơm vừa dọn xong thì trời đổ mưa, ông lại phải mang thức ăn vào nhà.
Cụ ông cho biết, vợ chồng ông ở Mả Lạng từ trước năm 1975. Hồi đó, vợ chồng ông đi đến vùng kinh tế mới làm ăn, nhưng không thành công nên phải về lại thành phố. Khi hai vợ chồng đang sống lang thang thì được gọi về xóm sống, được nhà nước cho thuê căn nhà này. Mỗi tháng, vợ chồng ông phải trả tiền thuê nhà là 38.000 đồng. Từ khi nghe tin Mả Lạng là khu giải tỏa đến nay, vợ chồng ông đứng ngồi không yên. ‘Khu này có kế hoạch giải tỏa gần 20 năm rồi. Nhưng chúng tôi cũng chỉ nghe nói chứ không biết khi nào người ta thực hiện.
Vợ chồng tôi già rồi, không biết thời gian tới sẽ đi về đâu. 7 đứa con thì 6 đứa dọn ra ngoài sống rồi. Giờ còn vợ chồng tôi với vợ chồng thằng út và hai đứa cháu nội sống trong căn nhà nhìn đâu cũng thấy người và đồ dùng này’, ông Dực nói.
Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng công an phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, trước đây, các căn nhà ở Mả Lạng được dựng bằng tôn và ván ép. Đường đi bằng đất, cứ mưa là lầy lội. Cả xóm lúc đó trông rất nhếch nhác, điêu tàn. Mấy năm trở lại đây, gần 600 căn nhà trong xóm được xây bằng tường gạch, đường đổ bê tông mới sạch như hiện tại.
‘Nếu như trước đây, người dân ở khu phố sống trong nỗi lo về các tệ nạn xã hội, thì giờ đây, điều họ lo là không biết rồi đây căn nhà mình đang ở sẽ ra sao. Nhiều người muốn chuyển nhà đi nơi khác, nhưng việc đền bù chưa thỏa đáng nên chưa làm được’, thiếu tá Nam nói.
Theo kiểm kê của UBND quận 1, khu vực Mả Lạng có gần 600 căn nhà dưới 20 m2. Trong đó chủ yếu là những căn nhà ‘tí hon’ đã xuống cấp. Không gian sống, điều kiện vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy ở đây không đảm bảo. TP.HCM có kế hoạch giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng từ năm 2000. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn bị treo. Thiếu tá Nam cho biết, việc thỏa thuận giữa người dân đã diễn ra nhiều lần, nhưng vì nhiều hộ dân thấy mình không được đền bù thỏa đáng nên không đồng ý.
Diệu Thuần
Theo Vietnamnet