fbpx

Covid-19 thúc đẩy các thành phố hướng đến bền vững hơn 

Trong lúc Covid-19 vẫn đang hoành hành, chính quyền một loạt thành phố trên toàn cầu đang nỗ lực thiết kế lại mạng lưới giao thông đô thị để hướng đến bền vững hơn, như một cách phòng vệ hiệu quả với đại dịch.

Các chính sách ứng phó đối với đại dịch ở các khu ổ chuột của Ấn Độ, Brazil và các khu chợ ở châu Phi cho thấy rằng mạng lưới giao thông đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho các thành phố trở nên linh hoạt và có khả năng chống chọi cao hơn. Lượng khí thải carbon và khói bụi từ các phương tiện giao thông được ghi nhận giảm mạnh từ New Mexico đến Delhi.

Những người đi xe đạp nay được ưu tiên ở các thành phố lớn

Tăng làn đường dành cho xe đạp

Thị trưởng 38 thành phố lớn nhất thế giới, bao gồm Hồng Kông, Los Angeles, Durban… gần đây đã công bố một loạt chính sách để thiết kế lại các đô thị sao cho bền vững hơn. Chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên của chiến dịch Phục hồi sau Covid của Liên minh Thị trưởng Toàn cầu. Cụ thể, các thành phố Milan, Paris, Bogota và Barcelona sẽ đóng cửa các khu vực dành cho giao thông cơ giới, mở rộng vỉa hè và tăng làn đường dành cho xe đạp.

Những sáng kiến ​​như thế này được công chúng hoan nghênh. Trước mắt, lãnh đạo các thành phố cần cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoàn thiện hệ thống cung cấp thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ, ưu tiên nhiều hơn cho mảng xanh và chống bất bình đẳng.

Hành động củng cố và mở rộng mạng lưới giao thông được cho là làm cho các khu đô thị có khả năng chống chọi tốt hơn với các đại dịch trong tương lai và các cuộc khủng hoảng khác như biến đổi khí hậu. Bằng cách xây dựng mạng lưới nối kết hiệu quả, các thành phố sẽ có cơ hội hành động nhanh chóng và có thể cho hoặc nhận sự giúp đỡ từ những thành phố khác khi một thảm họa xảy ra.

Hồng Kông là một trong những thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đô thị trong đại dịch

Tầm nhìn và sự quản trị mạnh mẽ của chính quyền các thành phố là rất quan trọng để đảm bảo việc họ phản ứng nhanh chóng với một đại dịch như Covid-19. Hà Nội được ghi nhận có thể tránh được các đợt bùng phát lớn ngay từ đầu bằng cách nhanh chóng áp lệnh giãn cách xã hội và mở rộng quy mô xét nghiệm, truy vết coronavirus.

Tương tự, Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, Ấn Độ với dân số ước tính hơn 2,5 triệu người, có một trong những tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong thấp nhất cả nước – chỉ hơn 4.000 ca được xác nhận và 12 trường hợp tử vong dù có hàng ngàn du học sinh và người lao động trở về từ nước ngoài. 

Ngược lại, những nơi như São Paulo, Delhi và thành phố New York được cho là phản ứng chậm chạp hoặc không hiệu quả, dẫn đến hệ lụy là các bệnh viện quá tải về các ca nặng và số ca tử vong cao hơn các thành phố kia cả trăm lần.

Biện pháp giãn cách xã hội và buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng giúp các thành phố ứng phó hiệu quả với Covid-19

Ứng phó kịp thời nhờ tận dụng công nghệ

Điều quan trọng là chính quyền tận dụng công nghệ để truyền thông cho cư dân biết tại sao và làm thế nào họ nên duy trì quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và cách ly. Ví dụ, thành phố Bangalore ở Ấn Độ cho người dân truy cập một app cập nhật bản đồ các ca mới được phát hiện tại địa phương để họ dễ truy vết coronavirus.

Trong khi đó, Đài Bắc ở Đài Loan thiết lập đường dây nóng để các cá nhân bị cách ly có thể gọi ‘taxi phòng chống dịch bệnh’ đưa họ đến bệnh viện khi cần. Buenos Aires mở một chatbot trên WhatsApp để các chuyên gia y tế giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân về Covid-19.

Còn tại Lusaka, Zambia, giới chức phát chương trình radio trực tiếp về Covid-19 bằng bảy ngôn ngữ địa phương để giải đáp mọi thắc mắc của người dân nói những thứ tiếng khác nhau.

Do đã có kinh nghiệm ứng phó với bệnh chứng hô hấp cấp SARS vào năm 2003, các thành phố châu Á bao gồm Hồng Kông, Tokyo, Bắc Kinh và Sài Gòn, đã sớm bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Còn tại các thành phố Milan, New York và Barcelona, nhiều người dân vẫn không thực thi việc sử dụng khẩu trang.

Đại dịch khiến người ta nhận ra, ngay cả những thành phố giàu có nhất cũng thiếu cơ sở y tế được trang bị để đối phó với dịch bệnh có số bệnh nhân gia tăng chóng mặt như Covid-19. Rất ít bệnh viện lớn được thiết kế để cách ly hàng trăm người mắc bệnh truyền nhiễm. Do vậy, sau đại dịch, chính quyền các thành phố phải tính đến chuyện xây dựng các khu chữa bệnh dã chiến trong chiến lược đảm bảo sức khỏe cho cư dân về lâu dài.

Thiệu Kiệt

(theo Nature.com)

CÙNG CHUYÊN MỤC