Coca-Cola, Pepsi và Nestlé đứng đầu danh sách gây ô nhiễm nhựa
Đây là năm thứ ba liên tiếp các công ty này bị cáo buộc “không có tiến bộ” trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, và Coca-Cola xếp hạng Nhất về các sản phẩm xả rác nhiều nhất.
Hãng Coca-Cola bị tổ chức Break Free From Plastic xếp hạng là doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa số 1 thế giới trong cuộc khảo sát hàng năm, sau khi chai nước ngọt nhãn hiệu này được ghi nhận bị vứt bỏ thường xuyên nhất trên các bãi biển, sông, công viên và các địa điểm xả rác khác ở 51 trong số 55 quốc gia.
Không từ bỏ chai nhựa
Năm ngoái, Coca-Cola được ghi nhận là thương hiệu bị xả rác nhiều nhất ở 37 quốc gia trong số 51 nước được khảo sát. Nhãn hàng giải khát này được cho là tệ hơn cả PepsiCo và Nestlé cộng lại: thương hiệu Coca-Cola được tìm thấy hơn 13.834 mảnh nhựa, trong lúc PepsiCo hơn 5.155 mảnh và Nestlé hơn 8.633 mảnh.
Cuộc khảo sát hàng năm do 15.000 tình nguyện viên trên khắp thế giới thực hiện, xác định số lượng các loại rác thải nhựa từ các thương hiệu toàn cầu được tìm thấy ở nhiều quốc gia. Năm nay, họ thu gom được 346.494 mảnh rác thải nhựa, 63% trong số đó được gắn nhãn hàng rõ ràng.
Đầu năm nay, Coca-Cola đã hứng chịu sự chỉ trích từ các nhà vận động môi trường khi tuyên bố sẽ không từ bỏ chai nhựa do chúng được hầu hết khách hàng ưa chuộng. Vào tháng 3/2020, Coca-Cola, PepsiCo, Nestlé và Unilever đã bị phát hiện là nguyên nhân gây ra nửa triệu tấn rác nhựa ở sáu quốc gia đang phát triển mỗi năm, theo cuộc khảo sát của NGO Tearfund.
Bà Emma Priestland, điều phối viên chiến dịch toàn cầu của Break Free From Plastic, cho biết: “Các tập đoàn gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới cam kết nỗ lực để giải quyết ô nhiễm nhựa, nhưng thay vào đó, họ đang tiếp tục đưa ra thị trường các loại bao bì nhựa dùng một lần có hại cho môi trường.”
Cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng rác thải nhựa đang gia tăng trên toàn cầu là ngừng sản xuất, loại bỏ việc sử dụng một lần và tiến hành quy trình tái sử dụng bao bì nhựa.
Coca-Cola, PepsiCo và Nestlé lẽ ra nên đi đầu trong việc tìm kiếm các giải pháp thực sự để tái tạo lại cách họ phân phối sản phẩm.
Theo một nghiên cứu mới đây, có tới 91% lượng rác thải nhựa được tạo ra không được tái chế và cuối cùng sẽ được đốt, chôn lấp trong môi trường tự nhiên.
Cuộc khảo sát toàn cầu về rác thải nhựa có nhãn hiệu năm nay cho thấy rằng các gói hàng mẫu, sản phẩm dùng một lần đựng tương cà, cà phê và dầu gội đầu là loại rác thải phổ biến nhất, tiếp theo là đầu lọc thuốc lá, chai nhựa nước giải khát.
Simon Mbata, điều phối viên Hiệp hội Người nhặt rác Nam Phi, cho biết: “Phần lớn rác thải nhựa mà chúng tôi thu thập được không thể tái chế. Chúng tôi tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi. Khi bị chôn vùi, chúng sẽ làm ô nhiễm nguồn đất. Lẽ ra, bất cứ thứ gì không thể tái chế đều không nên được sản xuất và bán ra thị trường”.
“Cam kết thu hồi mọi chai nhựa”
Coca-Cola cho biết họ đang làm việc để giải quyết vấn đề rác thải bao bì và bác bỏ cáo buộc rằng thương hiệu này không có tiến bộ về môi trường.
Người phát ngôn của hãng này cho biết: “Trên toàn cầu, chúng tôi có cam kết thu hồi mọi chai nhựa vào năm 2030, để không có chai nào bị biến thành rác thải trong đại dương, và nhựa có thể được tái chế thành chai mới. Loại chai 100% nhựa tái chế hiện đã có mặt tại 18 thị trường trên thế giới và sản phẩm này đang được tiếp tục phát triển”.
Coca-Cola cũng đã giảm việc sử dụng nhựa trong bao bì thứ cấp.
Người phát ngôn của PepsiCo cho biết công ty này đang hành động để giải quyết vấn đề đóng gói thông qua “quan hệ đối tác, đổi mới và đầu tư”. Mục tiêu của hãng là giảm giảm 35% nhựa nguyên sinh trong sản phẩm đồ uống trước năm 2025, đồng thời tăng cường tái chế và tái sử dụng thông qua các doanh nghiệp như SodaStream và SodaStream Professional. Mục tiêu cuối cùng là loại bỏ 67 tỷ chai nhựa sử dụng một lần đến năm 2025 ”.
Một tuyên bố từ Nestlé cho biết công ty đang đạt được “tiến bộ có ý nghĩa” trong việc đóng gói bền vững, mặc dù công ty nhận thấy cần nhiều hơn thế.
Hãng này đang tăng cường các hành động để làm cho 100% bao bì của họ có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025 và giảm việc sử dụng nhựa nguyên sinh. Đến nay, 87% tổng số bao bì và 66% bao bì nhựa của họ có thể tái chế hoặc tái sử dụng.
Thiệu Kiệt
(theo The Guardian)