fbpx

Có thành phần dầu thải trong nước sạch “mùi lạ” ở Hà Nội

5 ngày sau vụ việc nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) có mùi lạ, khét, kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy có thành phần dầu thải trong nước sạch, không đạt quy chuẩn về mùi.

Dầu thải đổ trộm xuống con suối ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy thẳng vào hồ Đầm Bài, nơi đầu nguồn cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà - Ảnh: Q.P
Dầu thải đổ trộm xuống con suối ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy thẳng vào hồ Đầm Bài, nơi đầu nguồn cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà – Ảnh: Q.P

Nước sạch không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế

Ngày 15/10, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết các cơ quan của Hà Nội đã phân tích xong mẫu nước lấy từ các nơi trong vụ nước sạch có mùi lạ, mùi khét.

Theo đó, cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ rõ hiện tượng nước có váng và mùi lạ là do nguồn nước thô từ hồ Đầm Bài cấp vào Nhà máy nước mặt sông Đà, nơi vừa xảy ra sự cố dầu thải tràn xuống mặt hồ.

Tại thời điểm liên ngành Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Sở Y tế và 3 đơn vị cung cấp nước sạch cùng kiểm tra tại Nhà máy nước mặt sông Đà, cơ quan chuyên môn đã lấy các mẫu nước ở khu vực trong nhà máy, tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, bể chứa để xét nghiệm, phân tích các chỉ tiêu không đảm bảo so với quy chuẩn về nước sạch.

Nguồn tin này cho hay, với thời hạn phân tích mẫu nước theo quy định 7/10 ngày, các đơn vị phân tích mẫu nước đã huy động cán bộ làm chuyên môn phân tích hàng trăm mẫu nước, có mẫu phân tích tới hàng chục chỉ tiêu, làm cả đêm theo phương pháp nhận diện các chỉ tiêu có thông số cao để khu biệt.

Đến sáng 15/10, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận so với quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, các mẫu nước đều không đạt quy chuẩn về mùi vị.

Đáng nói hơn, qua xét nghiệm mẫu nước, phân tích các chỉ số trong mẫu nước, cơ quan chuyên môn đã chỉ ra thành phần của dầu thải có trong nước sạch do Công ty Viwasupco cấp tới các hộ dân. Trong các mẫu nước xét nghiệm đều có một chất của thành phần dầu thải với hàm lượng cao hơn so với quy chuẩn.

Tuy nhiên, ở mẫu nước tại các vòi sử dụng của hộ gia đình, hàm lượng chất thành phần dầu thải này thấp hơn ở nhà máy và các điểm chứa trung gian.

Ngoài ra, ngay tại thời điểm kiểm tra tại Nhà máy nước mặt sông Đà, phân tích nhanh cũng cho thấy chỉ số clo trong nước ở trong nhà máy cao hẳn, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn về nước sạch.

Trong vụ việc này, Công ty cung cấp nước sạch – đơn vị bán sản phẩm tới người dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng nước cung cấp cho các hộ dân“, một nguồn tin khác của Tuổi Trẻ Online nói.

Viwasupco không báo cáo “sự cố dầu thải”

Đáng lưu ý, mặc dù liên ngành của Hà Nội đã kiểm tra tại Nhà máy nước mặt sông Đà từ ngày 11/10, đã lập biên bản và yêu cầu cung cấp hồ sơ vận hành, báo cáo cụ thể các nội dung, công Ty Viwasupco đã có thái độ không hợp tác, đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức về sự cố đổ trộm dầu, theo nguồn tin từ Bộ Tài nguyên – môi trường.

Đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà cũng không báo cáo thông tin về sự cố tràn dầu thải xuống mặt nước ở hồ Đồng Bài tới cơ quan quản lý về môi trường.

Theo ông Hoàng Văn Thức – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), sau khi có thông tin của người dân nêu về hiện tượng nước có mùi lạ, Tổng cục Môi trường đã chủ động trao đổi với Sở TN-MT Hòa Bình, sau đó giao Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc đang phối hợp với Sở TN-MT Hòa Bình làm rõ vụ việc một xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ở gần nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước mặt sông Đà.

Người dân phản ánh có phát hiện một xe tải loại 2,5 tấn bơm dầu đổ trộm ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến vào đêm 8/10. Hôm đó trên khu vực Hòa Bình mưa to, dầu nhớt ở khe núi chảy xuống suối Trâm thuộc khu vực xã Phúc Tiến, Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m, sau đó lan đến kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch sông Đà“, ông Thức cho hay.

Theo ông Thức, qua trao đổi với Sở TN-MT Hòa Bình, được biết đến ngày 9/10 và 10/10, công nhân Nhà máy nước mặt sông Đà phát hiện dầu loang trên kênh dẫn nước vào nhà máy, đã huy động, thuê công nhân vớt dầu.

Sở TN-MT Hòa Bình báo cáo toàn bộ số dầu loang kể trên đã được thu gom. Sở cũng đã triển khai lấy mẫu nước để phân tích“, ông Thức cho hay.

Tổng cục Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo công an truy tìm chủ nhân và chiếc xe tải được người dân phản ánh đổ trộm dầu nêu trên.

Xuân Long – Lan Anh

Theo Tuổi Trẻ Online

CÙNG CHUYÊN MỤC