Có nên cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại?
Thế giới công nghệ đã và đang phát triển một cách chóng mặt. Các thiết bị điện tử công nghệ mới không chỉ khiến người lớn bị ảnh hưởng, mà còn khiến những đứa trẻ thay đổi hoàn toàn cách giao tiếp trong cuộc sống.
Ngay tại Việt Nam, “Có nên cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại?” là một câu hỏi phổ biến của nhiều bậc phụ huynh. Rất nhiều người đang có thói quen “thoả thuận” cho con trẻ chơi điện thoại (hoặc máy tính bảng) để nín khóc, dụ dỗ ăn cơm, uống sữa hoặc làm một việc gì đó.
Chính vì vậy, bây giờ thật khó để nói về tuổi thơ của một đứa trẻ mà không đề cập đến những trò chơi điện tử, video YouTube, mạng xã hội Facebook, Zalo,… Hình ảnh những đứa trẻ cầm đọc ngấu nghiến một cuốn sách thực sự gần như… “đã tuyệt chủng”.

Khá nhiều ý kiến cho rằng: “Mỗi thời mỗi khác, những đứa trẻ sinh ra thời đại công nghệ thì chuyện này hoàn toàn bình thường”. Nhưng thực sự tất cả chúng ta đều phải nghiêm túc nhìn lại vấn đề.
Những đứa trẻ ngày nay dùng quá nhiều thời gian cắm mặt vào màn hình của đồ điện tử. Chúng ta cần những đứa trẻ được hoà nhập với xã hội, giao tiếp nhiều hơn với gia đình hay những đứa trẻ khác.
Năm 2018, CBS News đã công bố nghiên cứu dựa trên quá trình theo dõi 12 ngàn đứa trẻ để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: Việc sử dụng màn hình (trên các thiết bị điện tử) có thực sự ảnh hưởng đến não và tính cách của trẻ hay không?
Nghiên cứu này chỉ ra một điều rất đáng quan tâm: Những đứa trẻ từ 9 đến 10 tuổi nếu ngồi trước màn hình nhiều giờ mỗi ngày (dù chơi game hoặc làm gì đó), sẽ bị giảm kích thước vỏ não.
Vỏ não mỏng đi là một quá trình lão hóa tự nhiên, nhưng sẽ không bình thường nếu hiện tượng này diễn ra ở trẻ em. Đáng lo ngại hơn, nhóm trẻ này cũng có kết quả ở các bài kiểm tra logic và ngôn ngữ kém hơn so với những đứa trẻ khác.
Tuy nhiều chuyên gia nhi khoa đã bác bỏ các báo cáo thống kê, nghiên cứu,… và cho rằng không có bằng chứng cụ thể về việc tiếp xúc với màn hình sẽ làm hại trẻ em, nhưng họ vẫn đồng tình với quan điểm: Việc tăng cường hoạt động thể chất và đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho trẻ nhỏ sẽ cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần của chúng.
Theo New York Post, WHO – Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo (vào tháng 4/2019): Các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tránh để con trẻ tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử như smartphone, tablet,… trong quãng thời gian quá mức quy định dành cho trẻ dưới 5 tuổi.
Cụ thể:
- Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình.
- Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian nhìn màn hình: Không quá một giờ mỗi ngày.
- Thay vì “dỗ ngon dỗ ngọt” trẻ em bằng thiết bị điện tử, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đề nghị cha mẹ đọc và kể chuyện.

Tạp chí The Guardian cũng chia sẻ 8 lời khuyên dành cho bậc phụ huynh:
- Để con trẻ có được một giấc ngủ ngon, hãy để điện thoại của bạn bên ngoài phòng ngủ.
- Việc chia sẻ thông tin và hình ảnh con trẻ qua mạng xã hội đôi khi sẽ gặp nhiều rủi ro không đáng có.
- Đảm bảo rằng con trẻ luôn tuân theo quy định của trường học về thời gian dùng thiết bị điện tử.
- Sau khi con trẻ sử dụng thiết bị điện tử trong nhiều giờ, hãy cho chúng nghỉ ngơi ngay.
- Tuyệt đối không để thiết bị điện tử gây ảnh hưởng đến sự tập trung của con trẻ khi học hoặc khi đi sang đường.
- Trò chuyện với con trẻ về những gì chúng đang xem trên thiết bị điện tử.
- Không để thiết bị điện tử ảnh hưởng đến bữa ăn của con trẻ. Hãy dành thời gian để quan tâm đến chúng!
- Hãy học cách sử dụng những tính năng bảo mật đối với con trẻ trên các ứng dụng theo dõi thời gian sử dụng thiết bị điện tử của chúng.
Một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, với những câu chuyện ngụ ngôn trong từng quyển sách, những trò chơi dân gian tăng cường khả năng tư duy với cả nhóm năm, bảy đứa con nít cùng nhau ngồi quây quần chơi và tán gẫu cả buổi không biết chán, đang dần bị xâm lấn bởi các thiết bị công nghệ.
Hãy để những đứa trẻ được phát triển một cách toàn diện và tự nhiên nhất, nên hạn chế (nếu được có thể loại bỏ) tất cả những thiết bị điện tử tránh xa tầm tay của trẻ!
Vũ Thành (tổng hợp)