fbpx

Có thêm lý do để… không dùng khẩu trang y tế?

Lý do thứ nhất, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng phải đăng đàn kêu gọi người dân hãy nhường khẩu trang y tế cho các nhân viên y tế trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp…

Ông nói như năn nỉ rằng trong thời điểm khó khăn này bà con nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế trong công tác tiếp xúc, thu dung điều trị người bệnh. Chính sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng.

Một số loại khẩu trang vải hiện đang bán trên thị trường, với đa phần có số lần giặt tái sử dụng từ 20 đến 30 lần.

Ông thứ trưởng cũng nhân tiện vận động bà con hãy dùng và yên tâm mà dùng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn, vì “Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang vải ba lớp, bốn lớp ngăn ngừa giọt bắn, kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh”.

Nhường khẩu trang y tế cho tuyến đầu chống dịch vẫn là điều đang được khuyến khích hiện nay. Cũng dễ hiểu khi thời gian qua, có khá nhiều tình nguyện viên, tổ chức đã cùng nhau vận động quyên góp khẩu trang dưới nhiều hình thức để gửi tặng cho các nhân viên y tế ở các bệnh viện. Một điều dưỡng làm ở bệnh viện tâm sự, mọi người cứ tưởng ở bệnh viện sẽ có đủ khẩu trang y tế nhưng thực tế thì không phải. Bệnh viện đang thiếu trầm trọng đấy. Thậm chí quy định một nhân viên y tế một ngày sử dụng 2 cái, nhưng ở bệnh viện của người điều dưỡng này hiện tại chỉ dùng 1 cái cho cả ngày để tiết kiệm. Dùng cái thứ hai là phải giải trình! Kể ra như thế để mọi người thấy rằng khẩu trang y tế vẫn khan hiếm cho các tuyến đầu chống dịch, trong nghịch cảnh không ít khẩu trang đang được thu gom để xuất khẩu bằng nhiều cách!

Lý do thứ hai, các nhà mốt và ông trùm thời trang trên thế giới đã không đứng ngoài cuộc, khi nhận ra đây là cơ hội để chuyển mình khi việc kinh doanh khó khăn vì đại dịch, với một thị trường hứa hẹn rộng mở là khẩu trang và những thứ tương tự như khẩu trang.

Công nhân sản xuất khẩu trang tại nhà máy của tập đoàn Miroglio ở Ý. Ảnh: CNN.

Thay vì sản xuất các bộ cánh thời trang, H&M và Zara, những “gã khổng lồ” của ngành bán lẻ thời trang thế giới chuẩn bị chuyển sang thiết kế và sản xuất khẩu trang, găng tay cũng như các trang thiết bị y tế khác. Balenciaga và Yves Saint Laurent, hai thương hiệu thời trang cao cấp cũng đang chuẩn bị sản xuất mặt nạ. Gucci vừa quyên góp vừa sản xuất với mục tiêu 1,1 triệu khẩu trang và 55.000 áo choàng y tế cho nước Ý. Tập đoàn LVMH, công ty sở hữu Louis Vuitton và Christian Dior đang sử dụng các xưởng sản xuất đồ thời trang xa xỉ của họ ở Trung Quốc vào cuộc sản xuất khoảng 40 triệu mặt nạ trong 4 tuần tới…

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần như cả ngành dệt may thế giới vào cuộc để sản xuất mặt hàng thời trang “hot” nhất mọi thời đại: mặt nạ (khẩu trang).

Gian hàng bàn nước rửa tay và khẩu trang vải ở một siêu thị. Đây là hai mặt hàng từng khan hiếm một thời và nay đã có đầy đủ, thậm chí khá nhiều ở các siêu thị. 

Về giá thành, các loại khẩu trang vải sản xuất trong nước được bày bán ở siêu thị, đều giặt được 30 lần, nghĩa là tròn trèm một tháng sử dụng, với giá bán trung bình 20 đến 25.000 đồng/cái loại 3 lớp, thì vẫn rẻ và đẹp, thậm chí thời trang hơn khẩu trang y tế rất nhiều. Doanh nghiệp dệt may trong nước sẵn sàng cung ứng trung bình 50 triệu khẩu trang/tháng, chưa kể rất nhiều đơn vị nhỏ lẻ khác đủ sức cung ứng nhu cầu.

Hẳn nhiên, bài viết này không có ý cổ súy cho chuyện không đeo khẩu trang y tế, mà là để cùng mọi người nhắc nhau về nhu cầu sử dụng cho phù hợp, khi chúng ta hãy còn khá nhiều chọn lựa.

Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC