Cô gái bán những chiếc túi cỏ bàng
Một cô gái ở Hà Nội nhận được sự hưởng ứng của nhiều người khi bán những chiếc túi cỏ bàng để kêu gọi mọi người loại bỏ túi nylon.
Dương Thùy Dung là cô gái đứng sau trang Facebook “Làn” chuyên bán sản phẩm thân thiện môi trường là chiếc làn (túi) cỏ bàng để quý cô dùng đi chợ, dạo phố thay cho túi nylon.
Sống xanh một cách vui vẻ, dễ dàng
Trong một chuyến du lịch miền Tây, Dung biết đến chiếc túi, giỏ đan bằng cỏ bàng do người dân huyện Tân Phước, Tiền Giang, làm ra. Cô nhận thấy đây là sản phẩm tiện dụng, chắc bền và thân thiện môi trường nhưng lại không được phổ biến, nhất là ở miền Bắc. Vì thế, Dung nảy ra ý tưởng kinh doanh sản phẩm này theo tinh thần “một chiếc làn cỏ – loại bỏ túi nylon”.
Cỏ bàng được trồng trong các cánh đồng ngập mặn, phèn chua ở Long An, Tiền Giang, Hà Tiên… Sau khi được thu hoạch, cỏ sẽ được phơi khô trước khi đan thành túi hoặc đệm. Mỗi người đan mỗi ngày được 3, 4 cái, bán ra mỗi cái có khi chỉ 20, 30.000 đồng, trừ tiền nguyên liệu thì không chắc được mấy đồng.
Dung quyết định dùng hết số tiền tiết kiệm mình tích cóp được để nhập 1.000 chiếc túi đan bằng cỏ bàng về bán. Đến nay, Dung đã bán được khoảng 50.000 chiếc túi cỏ qua cả kênh online và tại cửa hàng.
Sau 6 tháng hoạt động, cô không dám nói là mình “có nhiều thành tựu” nhưng hy vọng đã khiến hành trình sống xanh của mọi người vui vẻ, dễ dàng hơn một chút.
Một số bí quyết dễ áp dụng
Sản phẩm của cô giữ ba tiêu chí ban đầu: Rẻ, tiện ích và thân thiện môi trường, để nhiều người tiếp cận với sản phẩm. Với giá từ 30.000 – 55.000 đồng/cái, sản phẩm của cô nhận được hưởng ứng của những người quan tâm đến yếu tố bền vững. Ngoài ra, túi cỏ của cô có nhiều tùy chọn như loại có quai dài, họa tiết rằn ri, mắt cáo…
“Tôi còn trẻ, vẫn đủ sống, đủ ăn và cần học hỏi nên tôi sẽ theo đuổi hướng kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường. Bởi đây sẽ là bài học và là trải nghiệm cho đỡ uổng phí tuổi thanh xuân,” cô cho biết.
Bên cạnh đó, Dung chia sẻ thêm một số bí quyết sống xanh của bản thân: Từ ba năm nay tôi không dùng một cái túi nylon hay ống hút nhựa. Mỗi khi đi mua bánh mì, tôi cầm hai tay hai cái. Mua trứng thì tôi bỏ túi, dù có lúc bị bể. Khi đi chợ, tôi mua toàn rau củ đổ chung vào cái túi vải.
Khi đi mua bắp, khoai, tôi cho luôn vào cốp xe. Người bán rau bảo tôi bỏ bịch đi, bà cho hai cái không rớt đâu. Tôi từ chối và nói rằng bỏ cốp xe vừa gọn, dễ đi, lại dư ra hai cái bịch cho người khác dùng, tiết kiệm cho chị thế còn gì.
Ngoài ra, tôi có làm rác thải hạt nữa. Ăn xong để hạt lại, khi nào tiện thì tôi quăng vào vùng đất hay đất trống nào đó biết đâu nó mọc cái cây thì tuyệt.
“Đến lúc mình thành thói quen về việc sống xanh thì thấy nó bình thường. Tôi thấy cầm cái túi nylon khó hơn là từ chối,” cô nói.
Sắp tới cô dự định triển khai dự án “từ vườn đến bàn ăn” để mọi người tận dụng bao bì tái sử dụng, thay thế túi nilon và bao bì một lần.
Thiệu Kiệt