Chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu rác thải?
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có phân loại rác thải từ nguồn, bạn vẫn có thể góp phần giảm thiểu rác bằng ý thức phân loại đồ có khả năng tái chế.
Hiện nay, theo khảo sát, lượng rác thải tại Việt Nam ước tính khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn.
Riêng tại Hà Nội và Sài Gòn, mỗi ngày, cư dân thải ra khoảng 7.000 – 8.000 tấn rác, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

Thu gom, tái chế, tái sử dụng
Do dân số thành thị ngày càng gia tăng, đất chật người đông, lượng rác cũng tăng lên tương ứng trong lúc diện tích đất chôn lấp rác được ghi nhận ở mức hữu hạn.
Bãi rác Nam Sơn là nơi chôn lấp rác thải của Hà Nội cũng đã quá tải từ nhiều năm nay, người dân sống ở khu vực này đã không thể chịu đựng được sự ô nhiễm quá mức nên đã nhiều lần chặn không cho xe chở rác vào bãi rác.
Trong khi đó, tại Sài Gòn, bãi rác Đa Phước từng khiến người dân nhiều quận huyện khốn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi theo gió lan đến mọi ngóc ngách trong nhà.
Cô Đỗ Khánh Trang chia sẻ trên một diễn đàn về tái chế: “Trong khi chờ đợi Việt Nam có công nghệ xử lý rác tốt hơn thì có lẽ biện pháp tốt nhất là thu gom, tái chế, tái sử dụng để hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường hàng ngày.

Đem rác đổi quà
Các loại đồ có thể tái chế được cũng rất đa dạng như: giấy, kim loại, chai nhựa, chai thủy tinh, vỏ hộp sữa, vỏ mì tôm, bìa cát tông, lốp xe, lon nhôm hay có thể tái sử dụng được như: quần áo, giày dép, túi sách… Đó là những thứ rác thải rất phổ biến trong mỗi hộ gia đình.
Vậy đáng ra chúng phải được thu gom tái chế thường xuyên. Nhưng theo một nghiên cứu cho thấy chỉ 10% số lượng rác thải đã thu gom được tái chế. Một con số còn rất nhỏ so với những nước phát triển thì có tới trên 70% rác thải đã được tái chế.
Trên một diễn đàn tái chế thu hút 80.000 thành viên, một số nhóm như Green Life, dự án về môi trường, cho biết họ tổ chức các hoạt động đổi rác lấy quà hàng tháng.
Theo đó, các hoạt động này diễn ra định kỳ tại Hà Nội, Sài Gòn. Người tham gia chỉ cần gom nhặt giấy, tập học sinh đã qua sử dụng, sách cũ, nhựa các loại, kim loại, vỏ lon đã đập dẹp, thậm chí pin đã dùng đến sự kiện là có thể nhận ngay quà tặng là chậu cây sen đá, xương rồng, cây phong thủy, các sản phẩm xanh, chậu, sản phẩm tái chế, nước giặt, nứa rửa chén refill.
Thiệu Kiệt