Chất lượng không khí ở TP.HCM kém nhất cả nước sáng nay
Sáng nay, ứng dụng AirVisual và PAMAir đều cho thấy chỉ số AQI ở TP.HCM cao nhất cả nước. Chuyên gia cho biết vào mùa khô, chất lượng không khí tại đây sẽ ngày càng xấu đi.
Sáng 23/11, hai ứng dụng quan trắc không khí là AirVisual và PAMAir đều đánh giá chất lượng không khí ở TP.HCM ở ngưỡng trung bình đến rất kém – người dân nên hạn chế ở bên ngoài.
Cụ thể, lúc 7h30, AirVisual xếp hạng TP.HCM đứng thứ 7 trong số những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất trong các nơi được thống kê. Trong đó, Thảo Điền là nơi có chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng rất kém – 218 đơn vị. Đây cũng là nơi có chỉ số AQI cao nhất cả nước mà ứng dụng này đo được sáng nay.
Trong khi đó, các điểm quan trắc khác cũng cho thấy chỉ số AQI ở ngưỡng kém, trong khoảng 160 đến 188 đơn vị. Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là nơi có chỉ số AQI thấp nhất, 92 đơn vị – ngưỡng trung bình.
Còn tại ứng dụng PAMAir, các chỉ số cũng cho thấy tình hình tương tự. Dù với phương pháp tính chỉ số AQI của Việt Nam hay Mỹ, ứng dụng đều cho thấy chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình đến kém.
Cụ thể, với phương pháp tính của Mỹ, PAMAir cho thấy chỉ số AQI tại Thảo Điền lúc 7h30 là 154 đơn vị – ngưỡng kém. Với cách tính của Việt Nam, con số này chỉ còn 117 đơn vị – ngưỡng trung bình.
Riêng các điểm quan trắc Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Linh Chiểu (quận Thủ Đức), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), cả 2 phương pháp tính cho thấy chỉ số ô nhiễm tại đây ở ngưỡng rất kém – 242 đơn vị, 201 đơn vị và 208 đơn vị. Đây cũng là 3 nơi có chất lượng không khí kém nhất thành phố theo đánh giá của PAMAir.
Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, TP.HCM đã bước vào mùa khô. Đây là thời điểm mà chất lượng không khí xấu hơn so với mùa mưa do không có những cơn mưa “rửa sạch” bầu không khí. Bà Lan dự báo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là cận Tết, chất lượng không khí sẽ còn tệ hơn.
Chuyên gia cho biết cuối tuần này, không khí lạnh về sẽ tác động đến TP.HCM và Nam Bộ. Cụ thể, ban ngày oi nóng nhưng ban đêm, nhiệt độ giảm, trời se lạnh. Do đó, lượng ẩm sẽ bị giữ lại trong không khí, ngưng tụ và dễ hình thành sương. Sương này bám vào các hạt bụi lơ lửng trong không khí sẽ khiến chất lượng không khí xấu đi.
Về thời tiết, đầu tuần, lượng mưa có xu hướng giảm, mưa cục bộ. Cuối tuần, rãnh áp thấp xích đạo phía nam dịch chuyển lên, nối với hai áp thấp đang hình thành tại Vịnh Bengal và Nam Biển Đông (gần quần đảo Trường Sa) sẽ gây ra đợt mưa trái mùa tại Nam Bộ. Mưa khá nhiều và trên diện rộng, nhiều nhất tại Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp…
“Mưa trái mùa năm nay khác hẳn mùa khô năm ngoái. Năm trước, khi vào mùa khô, TP.HCM hầu như không có mưa. Năm nay, từ đây đến tháng 12 vẫn còn mưa trái mùa”, bà Lan đánh giá.
Chuyên gia cảnh báo thời tiết giao mùa như hiện nay rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, sự chênh lệch giữa nhiệt độ ngày và đêm lớn, có hôm chênh nhau 9-10 độ C (độ chênh lý tưởng là 6 độ C) sẽ gây nguy cơ cao cho những người mắc bệnh về đường hô hấp, tim mạch.
Thu Hằng
Theo Zing.vn
Link nguồn: https://zingnews.vn/chat-luong-khong-khi-o-tphcm-kem-nhat-ca-nuoc-sang-nay-post1155747.html