Bầy rồng bay đi đâu?
Có lẽ cuối cùng thì những ồn ào chung quanh vụ “nữ hoàng nội y Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm” tại Liên hoan phim Cannes cũng sẽ qua đi, cho dù người ta dọa sẽ xử phạt cô.
Có người cho rằng Ngọc Trinh đại diện cho nhan sắc miền Tây mà một bộ phận vốn chịu nhiều tai tiếng với các bình phẩm tiêu cực trên mạng. Nhiều cô gái xuất thân từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm “dịch vụ nhạy cảm” như bia ôm, massage… Thậm chí, có người còn khẳng định “trong giới ăn chơi, thương hiệu “con gái miền Tây” đã được bảo chứng (?!)”.
Có người bảo con gái miền Tây lười lao động, từ nhỏ đã có ý nghĩ sẽ lấy chồng giàu, tìm đại gia bao bọc mình, mà chẳng cần làm lụng gì cho mệt. Họ có suy nghĩ “đơn giản, thoáng đãng, bản năng”, người này bình luận.
Thoạt nhìn, lập luận trên cũng không phải không có lý nếu căn cứ trên cảm quan về số lượng phụ nữ miền Tây trong các “dịch vụ nhạy cảm”. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên hiện tượng này để kết luận đó là “bản năng” thì e rằng có phần võ đoán.
Năm ngoái, ĐBSCL đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam; xuất khẩu gạo hơn 3 tỉ đô la Mỹ, tôm 3,6 tỉ đô la, rau quả 3,5 tỉ đô la… Tuy nhiên, cũng như kết luận rằng các cô gái miền Tây sẵn sàng chấp nhận làm nghề nhạy cảm, đây chỉ là những con số đẹp trên bề nổi, cần phải đi sâu hơn để có được cái nhìn chính xác, công bằng hơn.
Ừ thì giá trị xuất khẩu lớn thật, nhưng nông dân đồng bằng một nắng hai sương hưởng được bao nhiêu từ những tỉ đô la xuất khẩu đó? Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn chảy vào các khâu trung gian như bấy lâu nay. Ở ĐBSCL, khoảng cách thu nhập giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng giãn rộng. Và cho đến nay, động lực chính của tăng trưởng nông sản xuất khẩu vẫn là tăng cường quảng canh, thêm nhiều phân bón, hóa chất.
Kiếm nhiều tiền hơn, nhưng đổi lại là những tác hại ghê gớm, lâu dài lên môi trường các thế hệ sau phải gánh chịu khi cả vùng đồng bằng rộng lớn này đang chìm dần xuống biển. Tác động đó ghê gớm đến mức có thể xóa sạch vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất của Việt Nam khỏi bản đồ thế giới vào năm 2100, như cảnh báo nghiêm khắc gần đây của các chuyên gia Hà Lan.
Buồn thay, có một thực tế nhiều người biết nhưng không thay đổi được. Đó là vựa lúa lớn nhất Việt Nam cũng tiếp tục là vùng trũng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và dân sinh. Vựa lúa này vẫn “giữ vững” những vị trí chót trong bảng xếp hạng quốc gia về hạ tầng giao thông, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, chất lượng chăm sóc y tế, và, gần đây nhất, di dân tự do.
Xin dừng lại một chút để phản biện nhận định “con gái miền Tây dễ dãi” vì “bản năng”. Miền Tây chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam, nhưng chiếm đến 50% số học sinh tiểu học bỏ học cả nước, còn ngân sách địa phương chi cho giáo dục thấp hơn 12% mức trung bình toàn quốc. Với mặt bằng giáo dục thấp như vậy, cộng với biết bao nhiêu hủ tục và nếp nghĩ cũ tồn tại ở vùng này, vì sao một số cô gái miền Tây có phần “dễ dãi” âu cũng là điều dễ hiểu. Thiết nghĩ, họ không muốn vậy đâu, nhưng họ lấy gì để thay đổi số phận mình?
Mặt khác, miền Tây đang chìm xuống biển một phần là vì khai thác nước ngầm và thiếu bù lún tự nhiên do không đủ phù sa. Từ vài thập niên qua, người miền Tây khai thác nước ngầm để có nguồn nước giá rẻ, nhưng lợi bất cập hại. Thử hỏi chúng ta đã làm được gì để giúp dân miền Tây và các cô gái ở đó vượt qua được vấn nạn này.
Thêm nữa, theo Ủy ban sông Mê Kông, với kế hoạch xây dựng các đập thủy điện thượng nguồn, đến năm 2040, gần như 100% lượng phù sa đổ về hạ lưu ở Việt Nam sẽ bị ngăn lại. Thử hỏi Ngọc Trinh có thể làm gì với thực tế hiện nay là tại quê hương Trà Vinh của cô, mỗi năm biển lấn vào đất liền non tám mét(*).
Thủ tướng đã chủ trì một hội nghị về phát triển ĐBSCL, trong đó ông nói đầu tư cho vùng này chính là đầu tư cho cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị một khoảng tương đương 2 tỉ đô la cho ĐBSCL trong năm năm tới. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, cần khẳng định rằng chúng ta phải cứu lấy vùng đồng bằng này để cứu cả Việt Nam. Để so sánh, từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã gần hai thế hệ, và từ nay đến cột mốc 2100, chỉ còn chưa đầy bốn thế hệ.
Trên dòng Cửu Long, Việt Nam đã từng có một bầy rồng chín con đổ vào biển Đông sau khi đem lại sự trù phú cho lưu vực chúng đi qua. Nay chỉ còn bảy. Trong tương lai, có thể chỉ còn bốn hay năm, theo GS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam(**). Con số cuối cùng chắc không dừng lại ở đó nếu tình hình hiện nay không thay đổi.
Sơn Tùng
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(*) http://bdkhtravinh.vn/site/view/255
(**) https://tuoitre.vn/cuu-dbscl-bot-chim-bang-cach-nao-20190216214119623.htm