fbpx

Teo tóp rừng thông nội ô Đà Lạt

Rừng thông là yếu tố quyết định đến đặc điểm “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng” của đô thị Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên rừng thông nội ô ở Đà Lạt đang teo tóp dần vì liên tiếp bị chặt hạ…

teo-top-rung-thong-noi-o-da-lat
Đà Lạt đang mất dần những không gian xanh. ẢNH: LÂM VIÊN

Đâu rồi bóng dáng thông xanh?

Ông L.Q.H, 65 tuổi, rời Đà Lạt hơn 20 năm trước, nay trở về đã rất tiếc nuối vì những cụm thông xanh, cổ thụ dọc đường Bùi Thị Xuân (P.2) nơi ông sống trước đây không còn nữa; thay thế bởi những khách sạn, nhà hàng. Khu đồi thông Dinh Tỉnh trưởng (phía sau chợ Đà Lạt) không còn rừng thông xanh, thay vào đó là nhà cửa chen chúc. Có những trục đường trước đây có nhiều cụm thông xanh nay chỉ lác đác ít cây còn sót lại, nhưng “số phận” của chúng thật mong manh!

Không chỉ thông cổ thụ ở khu vực trung tâm phải “hy sinh” để các công trình xây dựng mọc lên; mà ra phía ngoại ô Đà Lạt như khu vực Sào Nam, Trại Mát, Thái Phiên, Đa Thiện… cũng dễ dàng nhận thấy những thay đổi. Nhìn từ trên cao, thay cho những mảng cây xanh trước đây là hệ thống nhà kính san sát. Những cánh rừng thông cổ thụ, hình ảnh thường thấy ở Đà Lạt trước đây ngày càng ít đi.

teo-top-rung-thong-noi-o-da-lat
Trục đường Trần Hưng Đạo là trục đường bảo tồn kiến trúc, di sản Đà Lạt. ẢNH: LÂM VIÊN

Những năm gần đây, trên địa bàn Đà Lạt xảy ra nhiều vụ cưa hạ rừng thông nội ô, mới nhất là vụ cưa hạ thông cổ thụ tại thửa 17 và 19 đường Trần Hưng Đạo (P.10) – trục đường bảo tồn quy hoạch kiến trúc, di sản – khiến người dân Đà Lạt rất bất bình. Điều đáng nói 2 lô đất này hiện thuộc quyền sử dụng của 2 người con trai ông H.Đ.H, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Rừng nội ô giảm mạnh sau 20 năm

Việc quản lý rừng nội ô, cây xanh trên địa bàn Đà Lạt từ năm 1997 – 2014, tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty công viên cây xanh (nay đổi tên Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt). Từ tháng 8/2014, tỉnh Lâm Đồng thu hồi và bàn giao việc quản lý, bảo vệ rừng nội ô, cây xanh cho Ban Quản lý rừng Lâm Viên (BQLRLV). Thời điểm bàn giao, tỉnh Lâm Đồng có văn bản thu hồi toàn bộ 431 ha đất (số liệu thống kê năm 1997, chưa trừ diện tích biến động) để giao BQLRLV quản lý diện tích đất, rừng, cây xanh nội ô.

Số liệu thống kê rừng nội ô Đà Lạt của cơ quan chức năng vào năm 1997 khá chi tiết. Lúc đó, nội ô Đà Lạt có diện tích rừng tập trung lên tới 356,25 ha. Để thống kê cây thông, cây xanh, đơn vị chức năng tiến hành lập tiêu chuẩn các ô 500 m2 (20 x 25 m) để đo đường kính toàn bộ số cây trong ô làm cơ sở cho việc tính toán đường kính bình quân và chiều cao bình quân. Đối với những cụm cây xanh có diện tích nhỏ hơn 1 ha không tiến hành khoanh vẽ, mà đo đếm cụ thể số cây xác định địa chỉ, khu vực và đánh giá các chỉ tiêu bình quân ghi vào biểu đo đếm theo hộ, đường, phường rất cụ thể. Thời điểm năm 1997, tổng số cây phân tán 9.883 cây, trong đó thông 3 lá có 8.021 cây, các loại cây khác 1.862 cây. Tổng trữ lượng gỗ 42.844 m3, độ che phủ của rừng chiếm 69% tổng diện tích của Đà Lạt, nhờ đó khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ.

Đến năm 2018, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng có văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng, cây xanh nội ô Đà Lạt để bàn giao từ Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt sang BQLRLV. Theo đó, sau khi rà soát tổng diện tích chỉ còn 295,62 ha, trong đó đất có rừng 150,68 ha, không có rừng 144,94 ha. Tổng trữ lượng gỗ chỉ còn 15.340 m3 (giảm gần 2/3 sau khoảng 10 năm). Theo công bố hiện trạng rừng của Bộ NN-PTNT gần đây, độ che phủ rừng của Đà Lạt chỉ chiếm 49%.

Những con số trên như là lời cảnh báo đau lòng, bởi chỉ sau 20 năm diện tích rừng nội ô Đà Lạt giảm hơn 200 ha, trung bình mỗi năm rừng nội ô Đà Lạt giảm 10 ha.

Được cảnh báo nhưng rừng vẫn mất

Tại các cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cảnh báo việc Đà Lạt đang mất dần không gian xanh.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính (nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhận định rằng, rừng thông của Đà Lạt như “cỗ máy khổng lồ tinh lọc bầu không khí trong lành cho lá phổi”. Thế nhưng, trong những năm qua, số lượng thông ở thành phố này đang dần sụt giảm, nhiều đồi thông biến mất khiến những ai yêu mến Đà Lạt thêm phần lo lắng. “Một khi quỹ tài nguyên rừng được duy trì, con cháu mai sau mới có cơ may vừa tiếp tục sở hữu “gia sản” ấy, vừa được sống trong một đô thị có cấu trúc đan quyện, cộng sinh, tạo nên bởi thiên nhiên ít bị tổn thương”, ông Kính chia sẻ.

Còn KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong hội thảo Quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2020, tầm nhìn 2050 cũng đã từng khuyến cáo cần giữ lại các không gian xanh với rừng thông nhỏ trong đô thị và một số rừng thông lớn ở ven đô thị. Cũng theo ông Sơn, đô thị Đà Lạt cần đặt ra tiêu chuẩn diện tích xanh tối thiểu cao hơn 1,5 đến gấp đôi các đô thị loại 1 khác ở VN, vì như vậy không gian xanh đó mới có thể giúp cân bằng sinh thái và chiếc “máy lạnh thiên nhiên” giúp làm mát thành phố.

Ông Sơn cũng đặc biệt khuyến cáo, tiêu chuẩn diện tích xanh tối thiểu cho khu trung tâm và các dự án lớn phải tính trên tổng diện tích sàn xây dựng, chứ không tính trên tổng diện tích chiếm đất. Không gian xanh phải được phát triển song song với phát triển đô thị mới theo giải pháp “cài răng lược”.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam), trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt được mệnh danh như sự mặc định “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Điều quan trọng làm nên “thương hiệu” này chính là rừng thông. Do đó, Đà Lạt phải bằng mọi cách bảo vệ và gìn giữ những cánh rừng thông vô giá này.

Dù đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, thế nhưng trong quá trình phát triển, hoạt động xây dựng thiếu kiểm soát đã khiến rừng nội ô và rừng ngoại vi – phong cách đô thị đặc biệt của Đà Lạt bị biến dạng, lộn xộn, đang làm tổn hại đến thương hiệu “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”.

Trồng 50 triệu cây xanh

Sáng 23/4, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ phát động trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 (trong đó trồng 9,77 triệu cây xanh cảnh quan đô thị, 6,95 triệu cây lâm nghiệp, 33,28 triệu cây che bóng) để hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Hai thửa đất có thông bị cưa hạ thuộc khu bảo tồn kiến trúc

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tháng 12/2005, Công ty CP đào tạo – nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin CADASA (CADASA) được UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao khu biệt thự cổ và 2 thửa đất trống số 17 và 19 Trần Hưng Đạo, P.10 (Đà Lạt) để thực hiện việc trùng tu. Tuy nhiên, thay vì giao đủ 13 căn biệt thự, tỉnh Lâm Đồng chỉ giao 11 căn và đề nghị giao chậm 2 căn. Sau khi hoàn thành việc trùng tu, đầu năm 2010 CADASA chính thức đưa vào sử dụng cụm biệt thự cổ với tên gọi DaLat CADASA Resort và bảo vệ khá tốt rừng thông trong khu vực quản lý. Theo hợp đồng, thời điểm CADASA phải trả tiền thuê biệt thự và đất cho chu kỳ thứ hai (2011 – 2015) là tháng 12/2011, nhưng do khó khăn về tài chính, CADASA gửi đơn xin gia hạn đến tháng 12/2015 và được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Mặt khác, CADASA có văn bản đề nghị Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng tính lại giá thuê, nhưng không được chấp thuận.

Ngày 24/9/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND thu hồi 2 thửa đất số 17 và 19 Trần Hưng Đạo. Lý do, CADASA không đưa đất vào sử dụng, trong khi CADASA chưa có vốn đầu tư khu hội nghị, hội thảo tại 2 thửa đất này.

Sau khi thu hồi, tỉnh Lâm Đồng thực hiện bán đấu giá hai thửa đất trên. Kết quả, thửa số 17 diện tích 1.435 m2, ông Huỳnh Đức Thuận (con trai ông H.Đ.H, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) đấu trúng. Với thửa số 19 diện tích 1.584 m2, bà Hồ Thị Kim Trang (sui gia ông H.Đ.H) đấu trúng, rồi cho tặng vợ chồng ông Huỳnh Đức Khánh (con trai ông H.Đ.H). Đây là đất thuộc quy hoạch bảo tồn kiến trúc, di sản nhưng ông Thuận và bà Trang lại được UBND TP.Đà Lạt cấp giấy chứng nhận sử dụng đất ở đô thị lâu dài. Theo Quyết định 704/QĐ-TTg (năm 2014) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đường Trần Hưng Đạo là trục đường quy hoạch bảo tồn kiến trúc, di sản.

teo-top-rung-thong-noi-o-da-lat
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường thông 3 lá bị cưa hạ trái phép tại thửa 17 và 19 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt)

Đến ngày 8/2/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ban hành Quyết định 299 về việc thu hồi 13 căn biệt thự trên để giao cho UBND TP.Đà Lạt quản lý. Sau đó, Quyết định 299 được thay thế bởi Quyết định 405 ban hành vào ngày 27/2/2017. Do đó, CADASA khởi kiện UBND tỉnh Lâm Đồng ra tòa. Ngày 31/8/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và ra quyết định chấp nhận các nội dung khởi kiện của CADASA, đồng thời tuyên hủy Quyết định 299 và 405 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi 13 căn biệt thự cổ trên. Không chấp nhận bản án này, UBND tỉnh Lâm Đồng kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM. Tòa phúc thẩm cũng bác bỏ đơn kháng cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng và giữ y án sơ thẩm.

Một diễn biến khác, do CADASA chưa trả các khoản nợ nên tháng 1/2018, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng khởi kiện CADASA ra tòa để yêu cầu phải trả nợ ngân sách và tiền phạt hơn 19,8 tỉ đồng (tính đến ngày 31/12/2017). Sau nhiều lần tạm hoãn, ngày 8/4/2021, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm ngưng do HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết phức tạp cần phải xem xét, làm rõ.

Lâm Viên

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/teo-top-rung-thong-noi-o-da-lat-1373822.html

CÙNG CHUYÊN MỤC