Kế sách tháo kẹt xe cho Đà Lạt: đã có từ lâu!
Giờ thì Đà Lạt đã quá đông vui, ồn ào, và cái thứ “đặc sản” của Sài Gòn là kẹt xe, đã thi thoảng hiện ra ở thành phố thanh cảnh này. Người Đà Lạt bắt đầu nhìn thấy các bốt cảnh sát giao thông di động đặt ở ngã tư, ngã năm. Chính quyền đang làm điều chưa từng phải làm: kêu gọi hiến kế tháo gỡ ùn tắc giao thông, và treo cả giải thưởng bằng hiện kim.
Đà Lạt rơi vào hiện trạng vô lý đó là “quả” của những “nhân” vung ra trong suốt hai mươi năm qua ở một thành phố cao nguyên không đầy ba trăm ngàn dân và sở hữu xe cộ ít nhất nước. Tất nhiên xã hội nay dồi dào vật chất thì xe cộ nhiều lên, thêm phần từ các nơi đổ đến Đà Lạt chơi, nghỉ vào những cuối tuần, dịp lễ, mùa du lịch. “Nhân” đó là gì?
Đầu tiên là vai trò dẫn dắt phát triển đô thị của chính quyền. Định hướng của Chính phủ (trong nhiều bản phê duyệt quy hoạch chiến lược tổng thể cho Đà Lạt) mà mấu chốt là hạn chế tối đa xây dựng ở khu vực trung tâm và kéo giãn đô thị ra ngoại vi, đã không được tuân thủ. Hai mươi năm qua, mọi hoạt động xây dựng cốt yếu đều đổ dồn vào khu vực trung tâm.
Khu vực quanh chợ Đà Lạt vốn đã định dạng bằng những hàng phố hài hòa mấy năm nay bỗng mọc lên các khách sạn cùng khu mua sắm đồ sộ với khối tích khổng lồ, xáo động. Con đường Ba Tháng Hai cửa ngõ vào thành phố với dãy biệt thự Pháp cổ thanh nhã hai bên ào ào biến mất thay bằng những khách sạn ken dày, đông đen. Không hạ cốt (san bạt núi đồi), và nhà cửa luôn có khoảng lùi so với mặt đường là nét đặc trưng tinh tế vốn có của đô thị Đà Lạt đã biến mất, và nay khắp các hàng phố, con đường mọi công trình xây dựng lớn nhỏ đều áp sát ra mặt tiền – lòng đường.
Ở ngay đầu đèo Prenn, bến xe liên tỉnh chợt hóa thành bến xe tư nhân mang tên Phương Trang với lưu lượng xe đông đúc hơn theo xu thế phát triển vận tải. Những nhà hàng, showroom xe hơi, siêu thị, gara, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng… trồi lên như nấm, kéo lượng người tụ lại, thế là bóp nghẹt con đường vào-ra phố núi.
Ở bùng binh Trần Phú – Lê Hồng Phong – Hoàng Văn Thụ… vốn dĩ đã báo động kẹt xe từ lâu bỗng đập bỏ công trình xây dựng trọng điểm với tầm nhìn dài lâu của địa phương thời bao cấp là Cung Thiếu nhi – để cho mọc lên tổ hợp khu hành chính tập trung mười mấy sở ngành (trong khi đó hệ thống biệt thự Pháp xa hoa vốn là trụ sở của mỗi sở ngành thì bỏ hoang hoặc “gả” cho doanh nghiệp tư nhân).
Ở khu ngã tư Phan Chu Trinh – Quang Trung – Lữ Gia dễ xảy ra kẹt xe bỗng cho phép nhà xe lớn nhất Tây Nguyên: Thành Bưởi đặt bến xe… Những khu du lịch lớn của tư nhân còn lù lù xuất hiện ở giữa đoạn cửa ngõ vào thành phố như đèo Mimôsa, dù ai cũng biết chỗ nào hình thành điểm du lịch là chỗ đó “dồn” xe cộ. Đường phố nội đô nào giờ nhìn cũng giống… Sài Gòn. Những khu vực được xem là giữ linh hồn cho thành phố, như tầm nhìn về hướng núi Langbian, núi Hòn Bồ, cùng những ngọn đồi ở dinh II, dinh III, dinh Tỉnh trưởng, Đa Thiện, Vạn Thành, Sầm Sơn, Tùng Lâm, Dã Chiến, Trại Mát… cũng chật nêm bê tông. Nó cũng quái lạ, như bản quy chế xây dựng đưa ra cho mỗi con đường từng được lập định để đô thị phát triển bài bản nhưng khi nó hoàn tất thì không hiểu vì sao bị “chặn” lại, không triển khai thực hiện.
Chưa hết, hệ thống cơ sở lưu trú từ vài trăm tăng lên mấy ngàn khách sạn – nhà nghỉ đã khiến Đà Lạt “ngộp thở”. Và hệ thống đón khách du lịch ấy, phần lớn đều không có bãi đỗ xe của du khách. Ở thành phố này, mọi nhà dân đều trở thành khách sạn! Loạn khách sạn, loạn homestay, loạn nhà nghỉ, và xe cộ cứ tràn ra lòng đường, đỗ đậu bất cứ đâu. Kẹt xe cũng chính từ đây chứ đâu. Du lịch “chuyên nghiệp” kiểu gì mà khách sạn, nhà nghỉ ra đời chỉ nhắm đến cái lợi cho chủ nhân – còn muôn mặt hệ lụy khác thì toàn xã hội gánh chịu, đầu tiên là hệ thống giao thông nội đô. Có một sự bất công giữa thành phần dân cư làm du lịch – dịch vụ với các thành phần dân cư không “dính” gì đến du lịch (chiếm ba phần tư dân số).
Thế đó, khắp các phường, đường phố, hệ thống khách sạn, nhà xe, siêu thị, ngân hàng thương mại, dịch vụ kinh doanh vận tải, cửa hàng, quán nhậu… cứ thả ga mọc lên, tràn ra mặt tiền, lòng đường. “Mọc lên” mà không có điều kiện, không đánh giá tác động môi trường, tác động văn hóa, tác động chất lượng tăng trưởng, mà trước hết là không nghĩ đến hệ lụy lên cấu trúc giao thông nội đô, chứ chưa nói đến tương lai sau này của thành phố, dù Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhắc nhớ và chỉ đạo địa phương Lâm Đồng rằng: “Đà Lạt là thành phố đặc biệt, độc đáo, nên tầm nhìn và cách dẫn dắt vận hành nó phải đặc biệt, sâu sắc, nhìn xa, khác biệt, khác với hệ thống đô thị thông thường trong cả nước”.
Đà Lạt hai mươi năm qua là thế, ở khu vực trung tâm, cứ chỗ nào còn trống là người ta nhồi công trình vào. “Tư duy địa ốc” làm mờ tương lai nền nã và xa hoa (một thời) của Đà Lạt. Với Đà Lạt, định nghĩa về sự phát triển phải nằm ở sự thanh nhã tăng thêm trên mỗi con đường hay khu phố chứ không phải số lượng căn nhà, công trình được xây lên. Nếu xem thành phố Đà Lạt như một “khối tài nguyên đô thị” đặc biệt thì tài nguyên đó đang bị khai thác ẩu tả, vỡ vụn, nếu không thể dùng đến chữ “lạc lối”. Ngay cả những người bình thường cũng nhận xét: “Giờ không còn nhận ra Đà Lạt nữa!”. Ấy là cái “Đà Lạt” mà người ta hay quảng bá, rao chào, tự hào, và réo gọi du khách đến.
*
Vậy rõ rồi nhé, vấn đề gốc rễ giao thông bế tắc ở Đà Lạt không phải do lưu lượng xe mà do tổ chức đô thị bừa, phản khoa học, thiên về địa ốc, không tính đến hệ lụy từ các công trình xây dựng lớn bé mọc lên.
Hệ quả của đô thị Đà Lạt hiện nay bắt đầu từ ba, bốn nhiệm kỳ lãnh đạo địa phương trước, mà những người lãnh đạo của nhiệm kỳ mới giờ đây phải hứng lấy “quả” đắng. Hãy chờ xem tài năng, tâm huyết, và trái tim của họ đối với “Thành phố hòa bình”, “Thành phố của hiền hòa – thanh lịch – mến khách”, hay như slogan mới: “Đà Lạt, kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Câu hỏi tại sao người ta không kéo giãn các hoạt động dịch vụ, mà cụ thể là khách sạn, siêu thị, nhà hàng, công sở… ra khỏi khu trung tâm, vẫn treo lơ lửng trên đầu “thiên đường du lịch” này. Chỉ cần “giải quyết” những tồn tại vô lý trên là giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông ở phố núi, chứ chả cần phát kiến siêu phàm nào.
Tắc nghẽn giao thông ở Đà Lạt hiện nay mới chỉ là khởi đầu cho toàn bộ những vấn đề tích hợp từ kinh tế – xã hội – khoa học đô thị – sinh thái môi trường với tương lai Đà Lạt. Không phải là đi hớt ngọn, “chữa cháy” thông thoáng những lúc kẹt xe, mà với Đà Lạt là chấp hành nghiêm chỉnh định hướng của Chính phủ xưa nay đối với thành phố này: đầu tiên là buộc các khách sạn – nhà hàng – điểm tham quan du lịch – quán cà phê lớn phải có bãi đỗ xe; di dời các bến xe lớn nhỏ tách xa nội đô; thứ đến, không cho nhồi nhét xây dựng mới và phân lô ở khu trung tâm và các giao lộ; cùng lúc kéo giãn đô thị ra bên ngoài, và trên hết là thực hiện quy hoạch chi tiết toàn thành phố trên cái nền của bản định hướng quy hoạch tổng thể của Chính phủ (đã có bốn lần quy hoạch tổng thể kể từ 1975 nhưng chưa lần nào triển khai hoàn thành quy hoạch chi tiết và vận hành đúng như quy hoạch).
*
Không phải ngẫu nhiên mà khi còn đương chức Thủ tướng Chính phủ, mỗi khi đến làm việc ở Đà Lạt, ông Võ Văn Kiệt đều gợi ý đây phải là một trong bốn đô thị (cùng với Hà Nội, Huế, TP.HCM) lập cơ quan chuyên môn gọi là “văn phòng kiến trúc sư trưởng” để giúp chính quyền lèo lái thành phố, cũng như bóp còi cho những gì thô bạo, nguy hiểm diễn ra với nó. V
Và nữa, 5 lần hội thảo khoa học về phát triển và tương lai cho Đà Lạt đã diễn ra trong suốt hai mươi năm qua, các trí tuệ đều xoáy vào việc gìn giữ những giá trị đặc trưng của Đà Lạt, nhưng có vấn đề mấu chốt nào được triển khai và cho ra “sản phẩm” thấy được bằng mắt đâu! Cần bắt đầu bằng sự thành tâm thông thoáng của ý thức trách nhiệm quản trị một thành phố đặc biệt và tình yêu xứ sở ở những người có bổn phận dẫn dắt nó, bởi với Đà Lạt “gìn giữ” tức là “phát triển”, vì lâu nay nó “sống” được là nhờ giá trị của chính nó, bằng con đường của nó, còn không nó chỉ là một thứ “Sài Gòn” ở trên cao nguyên Langbian nay mai.
Đà Lạt sẽ lắp đặt đèn giao thông tại 6 giao lộ Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đang lập đề án lắp đặt đèn xanh đèn đỏ tại 6 điểm có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra ách tắc cục bộ vào giờ cao điểm, dịp cuối tuần và mùa du lịch gồm: ngã ba Trần Phú – Ba Tháng Hai, ngã ba nhà máy nước, ngã tư Bà Triệu – Trần Phú, ngã tư Phan Chu Trinh, ngã năm Đại học, vòng xoay Ba Tháng Hai.Riêng vòng xoay Kim Cúc (trước Đài phát thanh và truyền hình Lâm Đồng), có địa hình dốc phức tạp, Sở đang nghiên cứu phương án làm hầm chui từ đường Ba Tháng Tư qua đường Hồ Tùng Mậu xuyên qua đường Trần Hưng Đạo. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, nếu hệ thống đèn xanh đèn đỏ phát huy hiệu quả, sẽ nghiên cứu lắp đặt đại trà tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt. |
Bài & ảnh: Đỗ Bá Chương
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ke-sach-thao-ket-xe-cho-da-lat-da-co-tu-lau-27976.html