Di dời trại giam Chí Hòa: Làm công trình công cộng hay bảo tồn?
Nhiều ý kiến đề nghị lưu giữ trại tạm giam Chí Hòa như một di tích và dùng phần đất để xây dựng những công trình công cộng phục vụ người dân.
Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trại tạm giam Chí Hòa (số 324 đường Hòa Hưng, phường 12, quận 10) xây dựng lâu năm đã bị xuống cấp trầm trọng, không còn đảm bảo an toàn giam giữ phạm nhân và cũng đang quá tải.
Di dời vì xuống cấp, quá tải
Vì vậy Công an TP.HCM sẽ di dời trại tạm giam Chí Hòa về trại tạm giam T30 thuộc Công an TP.HCM ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Trại tạm giam T30 đang được sửa chữa để bảo đảm điều kiện hoạt động. Công an TP.HCM cho hay việc di dời sẽ hoàn thành trong quý 2-2021.
Theo Công an TP.HCM, chuyển trụ sở trại tạm giam Chí Hòa sang trụ sở trại tạm giam T30 là việc phải thực hiện. Tuy nhiên, việc di dời hiện vẫn còn không ít khó khăn do cơ sở vật chất trại tạm giam T30 cũng cần chỉnh sửa, hoàn thiện thêm nhằm đảm bảo an toàn trại giam, điều kiện ăn ở cho cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế. Công an TP.HCM cũng mong muốn thành lập bệnh viện tại trại tạm giam T30 ở Củ Chi. Bên cạnh đó, hiện ở khu vực trại tạm giam T30 còn hai trại tạm giam T17 và B34 ở gần đó cũng đang có mong muốn có bệnh viện chung.
Mới đây, thiếu tướng Lê Quốc Hùng – thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo một số cục nghiệp vụ của bộ cùng lãnh đạo Công an TP.HCM đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại các hạng mục của công trình dự án trại tạm giam T30. Ông Hùng đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ Bộ Công an cùng Công an TP.HCM bàn luận, tháo gỡ những khó khăn tồn tại, nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục để sớm di dời trại tạm giam Chí Hòa về trại tạm giam T30.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng Bộ Công an – cho biết trại tạm giam Chí Hòa quá tải nên Công an TP.HCM đề xuất di dời và đã được Bộ Công an chấp thuận chủ trương. Về công năng của trụ sở trại tạm giam Chí Hòa sau khi di dời, ông Xô cho biết nên giữ lại một phần để làm bảo tàng.
Theo nhiều nguồn tin, việc di dời trại tạm giam Chí Hòa đã được tính đến từ gần 20 năm trước. Có giai đoạn ngành công an dự định xây trại tạm giam mới tại huyện Nhà Bè nhưng không thành. Đầu năm 2019, tại một buổi làm việc với đoàn công tác Sở Quy hoạch kiến trúc, đại diện trại tạm giam Chí Hòa, đại diện Công an TP.HCM cũng đề cập đến việc di dời trại này đến Củ Chi, giao đất tại khu trại tạm giam Chí Hòa lại cho UBND TP.HCM.
Trong trại tạm giam Chí Hòa hiện có hơn 1.000 kho lưu giữ vật chứng từ trước năm 1975 đến nay, Công an TP.HCM đang xin đất để xây dựng kho lưu mới. Vị đại diện Công an TP.HCM khi đó cũng cho biết trong khuôn viên trại tạm giam Chí Hòa có một khu vực lưu niệm, có nơi thờ anh Nguyễn Văn Trỗi. Trụ sở này xây dựng theo kiến trúc Pháp, nếu như được giữ lại thành di tích thì rất hay.
Đề xuất bảo tồn và làm công trình công cộng
Với diện tích hơn 7ha nằm ngay trung tâm quận 10, trại tạm giam Chí Hòa là một trong những khu đất công hiếm hoi ở quận 10 vốn đang thiếu nhiều công trình công cộng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên dành khu đất này để xây dựng các công trình phục vụ người dân.
KTS Lê Văn Năm – nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM – cho rằng khu vực quận 10 đang thiếu đất để làm cây xanh. Sau khi di dời, khu vực này chỉ nên giữ lại một vài kiến trúc để lưu dấu khu trại tạm giam, phần đất còn lại nên làm công viên cây xanh để tăng cường mảng xanh cho các quận trung tâm TP.HCM vốn còn rất ít đất công và ít cơ hội tăng diện tích mảng xanh. “Như nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội cũng rất nổi tiếng, hiện chỉ còn giữ lại phần cổng để lưu dấu, còn phần trong đã được cải tạo, xây dựng công trình mới” – ông Năm cho ý kiến.
Một chuyên gia ở Hội Quy hoạch đô thị TP.HCM cũng đề xuất nên dành phần lớn khu đất này để xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân như trường học, bệnh viện, công viên cây xanh. Theo một cán bộ ở Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM, trại tạm giam Chí Hòa là một trong những địa chỉ thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, loại hình là công trình lịch sử. Công trình này từ khi xây dựng hoàn thành đến nay có nhiều tên gọi như khám Chí Hòa, nhà lao Chí Hòa, nhà tù “Bát Quái” và tên gọi chính thức hiện nay là trại tạm giam Chí Hòa.
Theo Luật di sản, những công trình trong danh mục kiểm kê di tích sẽ được đối xử như di tích đã được xếp hạng. Vì công trình nằm trong danh mục kiểm kê nên Sở Văn hóa – thể thao đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị được khảo sát công trình này nhưng chưa được hợp tác.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc lưu giữ trại tạm giam Chí Hòa để thành di tích, nơi ghi dấu nhiều cuộc đấu tranh của phong trào chống Pháp, chống Mỹ. Đây cũng là một trong những nhà tù nổi tiếng với cách xây dựng độc đáo, mang đậm quan niệm Á Đông mà người dân và du khách cũng rất muốn tham quan, khám phá.
Theo sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (tập 3 – Nghệ thuật), khám Chí Hòa do Nhật giúp Pháp xây dựng năm 1943, có thể chứa từ 2.000 – 7.000 tù nhân, sinh hoạt như một tòa chung cư vĩ đại. Một số tài liệu ghi chép cho thấy đến năm 1950, khám Chí Hòa xây hoàn tất. Bắt đầu từ đó, thực dân Pháp bỏ khám Catinat. Tất cả tù nhân ở Catinat và một phần phạm nhân ở Khám Lớn được chuyển sang Chí Hòa. Trong phạm vi trại tạm giam Chí Hòa hiện còn khám Chí Hòa là nơi đã từng giam cầm và xử tử anh Nguyễn Văn Trỗi năm 1964. |
D.N.Hà – M.Hòa
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/di-doi-trai-giam-chi-hoa-lam-cong-trinh-cong-cong-hay-bao-ton-20210406075311083.htm