fbpx

Đốn bỏ vườn dừa vì sâu ngoại lai phá hoại

Gần 150 ha dừa bị sâu đầu đen có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka gây hại, nhiều nhà vườn phải đốn bỏ cây để tránh lây lan.

Giữa tháng 3, khoảng 5 km đường từ quốc lộ 60 đến xã Hữu Định (huyện Châu Thành), nhiều thân dừa cổ thụ bị cắt gọn, xếp đống dọc hai bên lề. Bên trong vườn, những cây dừa cao đọt héo rũ, lá xơ xác chuyển sang màu xám, chỉ những vườn dừa thân thấp là còn giữ được màu xanh.

Đẩy xe rùa ra vườn dừa hơn 40 năm tuổi, ông Vũ Ngọc Huệ (71 tuổi, ấp Hữu Nhơn) nhặt nhạnh tàu, lá từ các cây vừa bị đốn hạ để đem về phơi làm củi.

don-bo-vuon-dua-vi-sau-ngoai-lai-pha-hoai
Những cây dừa hơn 40 năm tuổi tại vườn ông Vũ Ngọc Huệ vừa bị đốn bỏ vì bị sâu đầu đen phá hoại.

Chỉ tay vào phần ngọn, ông Huệ buồn hiu nói, mọi khi dừa bị bệnh đốn bỏ còn lấy được củ hủ bán, mỗi cái vài chục nghìn đồng. Còn đợt này, do bị sâu đầu đen tàn phá, phần lớn các đọt dừa đã héo rũ. Những trái dừa đã đến kỳ thu hoạch cũng bị chúng ăn khô héo, rụng đầy quanh gốc.

Những thân dừa bị đốn hạ nằm la liệt được đánh số bằng nước sơn theo thứ tự từ 0 đến 2. Thợ đốn xem xét theo kích cỡ, chiều cao sẽ thu mua theo từng mức giá, số 0 là 100.000 đồng mỗi cây, 1 và 2 lần lượt là 200.000 đồng và 350.000 đồng. Thân dừa được chở về tập kết tại các bãi để làm vật liệu xây dựng.

Ông Huệ có 7.000 m2 (7 công) vườn dừa. Từ giữa năm ngoái, vườn dừa gần nhà ông có vài cây xuất hiện dấu hiệu lá, đọt bị khô, tưởng do bọ dừa phá hoại nên chủ phun thuốc diệt. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu không hiệu quả, diện tích bị hư hại tăng nhanh, chỉ một tháng sau toàn bộ vườn nhà hàng xóm cây bắt đầu héo lá, đọt, chết dần rồi lan sang vườn nhà ông. Theo người dân, từ khi sâu bắt đầu tấn công, trong vòng hai tuần sẽ ăn hết lá, đọt của cây.

Đã tốn nhiều tiền bạc, công sức phun thuốc, nhưng 5.000 m2 vườn dừa nhà ông chết héo, phải thuê người đốn bỏ. Còn 2.000 m2 vườn dừa còn lại, ông vẫn đang cố phun thuốc để cứu chữa mong cây phục hồi.

don-bo-vuon-dua-vi-sau-ngoai-lai-pha-hoai
Cán bộ xã Hữu Định kiểm tra một quả dừa đến độ tuổi thu hoạch bị sâu đầu đen ăn, khô héo rụng trong vườn.

“Những năm trước, giá dừa có lên xuống tùy thời điểm, nhưng mỗi công dừa tôi kiếm khoảng một triệu mỗi tháng. Đốn bỏ cũng tiếc đứt ruột nhưng không biết làm sao”, ông Huệ nói.

Ông Huỳnh Dương Thái, Phó chủ tịch xã Hữu Định cho biết, địa phương có hơn 760 ha dừa. Hiện có hơn 12.000 cây của 108 hộ bị sâu đầu đen gây hại, tương đương 66 ha, là địa phương có diện tích thiệt hại lớn nhất tỉnh. Trong đó, khoảng 4 ha dừa bị hư hại hoàn toàn cần phải đốn bỏ, số còn lại đang được cứu chữa.

Theo ông Thái, trước đây người dân dùng thuốc trừ sâu để diệt sâu. Tuy nhiên, với những vườn lâu năm, cây cao khoảng 10 m, việc phun thuốc khá độc hại nên rất khó thuê được nhân công. Ngoài ra, sâu đầu đen ẩn vào bên trong các bẹ dừa hoặc trốn trong kén nên thuốc không đến được.

Sau khi dịch sâu bùng phát, ngành nông nghiệp và các trường đại học đã đến địa phương thử nghiệm các loại thuốc hóa học, sinh học lẫn ong ký sinh, nhưng đến nay đều chưa hiệu quả.

Trả lời VnExpress, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, loại sâu đầu đen gây hại có tên khoa học Opisina arenosella Walker, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka.

Trên thế giới, sâu đầu đen đã được ghi nhận tại 16 nước. Từ tháng 7 năm ngoái, loài này lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Bình Đại với diện tích chỉ 2,4 ha. Qua 8 tháng, hiện diện tích thiệt hại đã tăng lên gần 150 ha tại 6 huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và TP Bến Tre. Ngành nông nghiệp vẫn chưa rõ bằng cách nào chúng lại xâm nhập vào vườn dừa Bến Tre.

don-bo-vuon-dua-vi-sau-ngoai-lai-pha-hoai
Những chiếc lá dừa bị sâu ăn, làm tổ chuyển sang màu xám. Do chúng trốn trong các nếp gấp lá nên việc phun thuốc gặp nhiều khó khăn.

“Sâu đầu đen nguy hiểm hơn các loài sâu hại khác ở chỗ, độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10 ngày đến nửa tháng ở các loài gây hại khác. Do có thời gian lâu nên khi chúng ở chỗ nào sẽ ăn hết chỗ đó, làm cây chết”, ông Đức nói.

Tháng 8 năm ngoái, trước nguy cơ sâu đầu đen xâm hại vườn dừa, ngành nông nghiệp đã dùng máy bay phun thuốc tại Bình Đại nhưng vẫn không diệt được.

Một tuần trước, UBND Bến Tre đã có buổi làm việc với các viện, trường đại học lẫn các nhà khoa học để bàn giải pháp tiêu diệt loài sâu này.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo tạm thời cho người dân chặt bỏ tàu dừa có sâu, những vườn nhiều năm tuổi, thân cao nên đốn bỏ khi bị nhiễm để hạn chế lây lan. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định cấp kinh phí một tỷ đồng để thành lập Hội đồng nghiên cứu biện pháp phòng, trị loại côn trùng ngoại lai này.

Bến Tre có trên 70.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) dựa vào thu nhập từ cây dừa để ổn định kinh tế gia đình.

Bài & ảnh: Hoàng Nam

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/don-bo-vuon-dua-vi-sau-ngoai-lai-pha-hoai-4250603.html

CÙNG CHUYÊN MỤC