Ô nhiễm không khí liên quan tình trạng sảy thai?
Nghiên cứu mới cho thấy việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 và NO2 có thể là tác nhân góp phần gây sảy thai, nhất là tại các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp và trung bình.
Khi nói đến ô nhiễm không khí, có ít nhất một chục nghiên cứu công bố về mối liên quan giữa chất bụi mịn và thai kỳ ở người ở nhiều nơi như Anh quốc, Trung Quốc hoặc một số quốc gia châu Phi.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, xem xét dữ liệu về hơn 34.197 ca sảy thai ở một số nước châu Á.
Ô nhiễm làm tăng nguy cơ sảy thai lên 16%
Từ cuộc nghiên cứu, các tác giả giải thích trong một bài báo đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet: “Phần lớn các ca sảy thai trên toàn cầu được ghi nhận từ các nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp và trung bình. Tính trên toàn cầu, Nam Á là khu vực đông dân nhất trên thế giới và có tỷ lệ sảy thai cao nhất.
Các tác giả đã tạo ra một bản đồ với tọa độ GPS cho mỗi trường hợp sảy thai được báo cáo và dựa trên dữ liệu vệ tinh để xác định điều kiện thời tiết cũng như mức độ ô nhiễm không khí tương ứng với vị trí của các thai phụ. Từ dữ liệu này, họ nhận thấy rằng khoảng 2/3 số ca sảy thai xảy ra ở các vùng nông thôn và 74,2% xảy ra ở phụ nữ từ 30 tuổi trở xuống.
Sau khi xem xét yếu tố này kết hợp với nhân khẩu học, các nhà khoa học xác định rằng 7,1% trường hợp sảy thai có liên quan đến việc thai phụ tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 cao hơn quy chuẩn quốc gia của Ấn Độ là 40 μg/m3.
Một nghiên cứu tương tự xem xét việc tiếp xúc với nồng độ nitơ điôxít (NO2) cao cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sảy thai lên 16%. Đáng lưu ý, nồng độ NO2 cao thường được ghi nhận ở những nơi có nhiều phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu diesel.
Tránh ra đường trong ngày ô nhiễm tăng cao
Tiến sĩ Matthew Fuller, khoa Y tế Cấp cứu của Đại học Utah, Mỹ, khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên tránh ra đường ở các khu vực đô thị ô nhiễm nặng, nhất là khi điều kiện thời tiết làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm. Theo ông, máy lọc không khí trong nhà có thể giúp ích cho các thai phụ.
Vấn đề là khảo sát cho thấy, phụ nữ ở một số thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Mumbai và Delhi ở Ấn Độ thường không không đủ khả năng tài chính để mua được những thứ xa xỉ như máy lọc không khí.
Các tác giả nghiên cứu chia sẻ thêm, đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đối với tình trạng sảy thai ở châu Á có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng trong khu vực. Tình trạng sảy thai kéo theo hệ lụy về kinh tế, xã hội và văn hóa, ngoài những rủi ro về sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi giới lãnh đạo các nước đang phát triển quan tâm đến việc tăng cường sức khỏe phụ nữ thông qua chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí và bụi mịn PM2.5.
Thiệu Kiệt
(theo GreenQueen)