Người Sài Gòn nay không biết gì về thương cảng Bến Nghé xưa
Đây là một ví dụ điển hình trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc cổ của TP.HCM trong thời gian qua; dù công tác bảo tồn được quan tâm đầu tư khá nhiều.
TP.HCM có những trang sử rất hay và rất tốt nếu biết cách kết nối với sự phát triển đô thị cũng là yếu tố hay. Đó là quan điểm của nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng, tại hội thảo: Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại, do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/6.
Lịch sử trên 3.000 năm mai một
Chúng ta hay nói về lịch sử 300 năm đất Sài Gòn – Gia định, tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng, các kết quả khảo cổ cho thấy vùng đất này có lịch sử đến trên 3.000 năm. Ông nói: Các nhà sử học đã khai quật và tìm thấy các di chỉ lịch sử của vùng đất này, những dấu tích của con người đã xuất hiện ở vùng đất này ít nhất 3.000 năm trước. Con người từ thời tiền sơ sử đã sinh sống ở khu vực này. Tiếp đó, những năm đầu Công nguyên là văn hóa Óc Eo và gắn liền với đó là Vương quốc Phù Nam… thể hiện qua các di tích như: chùa Phụng Sơn, gò Cây Mai… và cả các di tích ở vùng cửa biển Cần Giờ.
Đến giai đoạn khai phá của người Việt qua các di tích như hệ thống thành lũy ở Sài Gòn – Gia Định. Tiêu biểu là các di tích lò gốm Hưng Lợi (Q.8), giồng Cá Vồ, có niên đại 2.000 – 2.500 năm (cả hai di tích này được công nhận di tích cấp quốc gia). Các di tích này gần như chưa phát huy được giá trị đối với phát triển, gắn kết với du lịch và gắn kết phát triển đô thị. Hiện, TP.HMC cũng đã chuẩn bị đầu tư cho di tích giồng Cá Vồ, hướng tới khai quật và bảo tồn tại chỗ. Đây là di tích không chỉ được đánh giá cao trong nước mà trên thế giới. Việc khai quật được định hướng giữ nguyên yếu tố gốc của di tích và gắn kết với việc phát huy giá trị. “Khu vực này rất giá trị nhưng lại không thực hiện được công tác đền bù giải phóng mặt bằng vì là khu khai hoang của người dân, có được cấp phép của chính quyền. Chúng ta chưa làm được công tác đền bù giải phóng mặt bằng để trở thành di tích công”- ông Tòng nói.
Theo ông Tòng, đáng buồn nhất là lò gốm Hưng Lợi – di tích chứa nhiều giá trị không chỉ trong lòng đất mà còn là phương thức kinh tế, kỹ thuật của những sản phẩm thời đó. Do không xác lập được tài sản sở hữu công, dẫn đến người dân san phẳng hàng loạt lò gốm tại di tích đó. Bây giờ cũng không biết di tích cấp quốc gia đó phát huy như thế nào? Cũng chẳng còn gì nữa…
Nhiều di tích vẫn bị xóa sổ
Ông Tòng đánh giá: Trong các di tích ở TP.HCM có mảng kiến trúc cổ. Tuy nhiên, một loạt di tích thì chỉ có vài di tích phát huy được giá trị gắn kết với các tour du lịch hoặc gắn kết với việc giáo dục văn hóa nghệ thuật tại địa phương. Đa phần các di tích di chỉ lịch sử ở trong tình trạng… phế tích thậm chí xóa sổ.
Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu đã lập ra bản đồ quy hoạch khảo cổ của thành phố từ năm 2014 đến nay khi dự án hoàn thành, trình lên các cấp nhưng vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào là có triển khai hay không. Hàng loạt di tích bị xoá sổ – không còn cách gì để lưu giữ lại ít nhất là về mặt tư liệu.
Cảng Bến Nghé, gắn liền với lịch sử vùng đất này, nó rất quan trọng và nổi tiếng cũng bị xóa sổ và đến nay không ai còn biết nó như thế nào, dấu tích ra sao nữa. Nếu chúng ta lưu giữ lại được lịch sử của một thời kỳ lịch sử đó thì dù sau này nó có trở thành trung tâm kinh tế, chính trị gì đó thì chúng ta chỉ cần có một không gian lịch sử nhỏ để lưu giữ lại thì cũng rất quý nhưng chúng ta không thực hiện được. Trong khi các nhà nghiên cứu lịch sử trước đó đã tìm được không ít di vật của cảng thị này. Nhưng… nó vẫn bị san lấp để phát triển đô thị khi chưa được cấp phép nghiên cứu khảo cổ đầy đủ.
“Vậy nên bây giờ chúng ta hỏi cảng Bến Nghé xưa là gì? Ở đâu? hay Như thế nào? – Thì… chẳng còn gì để biết được nữa. Trong khi chỉ cần đầu tư nghiên cứu khoảng 1 tháng sẽ có rất nhiều trang sử trong lòng đất được lưu gửi lại và có thể phục hồi”, ông Tòng hối tiếc và tự hỏi: “Chúng tôi cũng không hiểu nguyên nhân là cái gì vì nói rằng thành phố không quan tâm là không đúng vì thành phố đã dành một nguồn kinh phí tương đối lớn so với một số ngành khác cho công tác bảo tồn”.
Nói về vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển, ông Tòng nói: Nhờ những di chỉ mà đến giờ chúng ta biết lịch sử TP.HCM có trên 3.000 năm. Chúng ta có những trang sử rất hay và rất tốt nếu biết cách kết nối với sự phát triển đô thị cũng là yếu tố hay.
Chí Nhân
Theo Thanh Niên Online