Đây là nội dung được đưa ra trong kế hoạch phát triển giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP HCM vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành. Theo đó, có 4 nhóm dự án được tập trung triển khai từ nay đến năm 2030 gồm chương trình đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường vận tải hành khách công cộng và nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy.

Ưu tiên dự án kết nối vùng

Cụ thể, với nhóm chương trình đô thị thông minh, TP sẽ tập trung đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo… tất cả sẽ được tích hợp về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị nhằm từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại. Về hệ thống hạ tầng giao thông, Sở GTVT đang phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; cụ thể, sở sẽ cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn cho đường Vành đai 3, bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái, kết nối đường Long Phước với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây… làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

khu-dong-tp-hcm
Nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) là một trong những công trình chuyển tiếp được gấp rút hoàn thiện cho khu Ðông trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với nhóm giải pháp vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, nghiên cứu mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, sau đó mở thêm 20 tuyến đến năm 2030. Ngoài ra, sẽ có 2 tuyến xe buýt nhanh BRT là tuyến số 1 (Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ) dự kiến vận hành trong năm 2021 và đề xuất thực hiện tuyến BRT số 4 (Kha Vạn Cân đến Công viên Chiến Thắng). Riêng với kế hoạch phát triển giao thông thủy cho khu Ðông, TP sẽ tập trung đầu tư hạ tầng tại các cảng biển.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, để kế hoạch trên mang tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, thì sở – ngành và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Trước mắt, giai đoạn 2020 – 2025 tập trung hoàn thiện 16 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 mà đa phần đang vướng khâu giải phóng mặt bằng như dự án mở rộng, nâng cấp mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống…; nâng cấp các cầu vượt sông như Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu; hoàn chỉnh nút giao khác mức cho nút giao Mỹ Thủy, xây dựng nút giao An Phú. Ngoài hoàn thiện các dự án chuyển tiếp, ông Bằng cho biết sẽ tập trung thực hiện khép kín các tuyến Vành đai 2 và Vành đai 3 để tăng năng lực giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng trọng điểm phía Nam.

Hướng đi đúng

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, việc Sở GTVT đề xuất tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỉ đồng cho giao thông ở khu vực phía Ðông đến năm 2040 là sự chuẩn bị đúng hướng, mở ra các cơ hội đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa theo hướng thông minh và hiện đại ở khu vực này. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho giao thông nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ rất khó vì TP đã và đang cần số tiền rất lớn cho nhiều nơi để cải thiện tình hình giao thông.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định việc hoàn thiện giao thông khu Ðông là việc cần làm ngay nhưng để mọi việc được như kỳ vọng thì nhất thiết phải có một đề án liên sở, trong đó nêu rõ các bước thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của TP cần lên các kế hoạch cụ thể, chi tiết để huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài theo các hình thức phù hợp và hiệu quả.

TS Võ Kim Cương (nguyên Phó KTS Trưởng TP HCM) cho rằng việc tập trung đầu tư hạ tầng cho khu Ðông là hợp lý, đúng hướng để góp phần tạo đột phá cho TP. Ông cho rằng với số vốn lớn như trên thì nhất thiết phải có sự cân đối vốn và chọn thứ tự ưu tiên một cách cụ thể. Để làm được điều này thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là quy hoạch và theo sau là kế hoạch phát triển, chương trình phát triển theo kế hoạch. Khi có được những điều này thì mới có được kế hoạch huy động nguồn vốn một cách hiệu quả và sát thực tế.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện giao thông ở khu Ðông TP.HCM đã và đang kết nối theo hướng mở, liên thông với nhiều luồng tuyến cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Ðó là các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành…

Thu Hồng – Trường Hoàng

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ke-hoach-lon-cho-khu-ong-tp-hcm-20201120221205871.htm