fbpx

Hỗ trợ người dân bản địa bảo vệ 242.000 ha rừng tự nhiên xuyên biên giới Trung Trường Sơn

Dự án Dự trữ Carbon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CarBi) giai đoạn 2 sẽ hỗ trợ người dân bản địa bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng tự nhiên xuyên biên giới Trung Trường Sơn, trải dài 242.000 ha.

Ngày 30/5, Dự án Dự trữ Carbon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học 2 vừa được chính thức khởi động. Theo đó, hàng ngàn người dân trong khu vực Trung Trường Sơn sẽ cùng dự án bảo vệ và tăng cường sinh kế của mình trong 5 năm tới (2019 – 2024).

Dự án sẽ đóng góp vào việc bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn; khu vực rừng tự nhiên xuyên biên giới, trải dài 242.000 ha tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam (Việt Nam) và hai tỉnh Sekong và Salavan (Lào).

Dự án được thực hiện bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và các đối tác tại bốn tỉnh trên.

Hỗ trợ sinh kế thông qua quỹ do chính người dân quản lý

Thông cáo từ WWF, một trong những hoạt động chủ đạo của dự án trong giai đoạn 2 này là tăng cường sự tham gia của người dân địa phương, những người phần lớn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên cho kế sinh nhai, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích họ thay đổi hành vi vì bảo tồn, bảo vệ các loài hoang dã.

Việc này được thực hiện bởi những chương trình hỗ trợ sinh kế thông qua Quỹ Phát triển Thôn – được quản lý bởi chính người dân. Người dân sẽ có điều kiện gia tăng thu nhập từ các hoạt động nông lâm kết hợp hoặc sinh kế khác, nhằm giảm động cơ khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp. Ít nhất 50 thôn, trong đó có 30 thôn tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, sẽ được hưởng lợi từ hoạt động này.

Bảo vệ và kiểm lâm đặt bẫy camera, giám sát đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Saola. Ảnh: WWF
Bảo vệ và kiểm lâm đặt bẫy camera, giám sát đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Saola. Ảnh: WWF

Dự án cũng sẽ thực hiện mô hình đầu tiên tại Việt Nam: thí điểm xây dựng cơ chế Bồi hoàn Đa dạng sinh học – một cơ chế tài chính bền vững hiện đã được thực thi thành công tại một số quốc gia. Cơ chế này sẽ yêu cầu các bên sử dụng dịch vụ môi trường/hệ sinh thái không những trả tiền cho loại dịch vụ họ sử dụng, mà còn phải bồi hoàn những mất mát về đa dạng sinh học do việc sử dụng đó gây ra.

Cùng với đó, một số mô hình khác đã được dự án áp dụng thành công trong giai đoạn 1 sẽ vẫn được tiếp tục triển khai, như: Quản lý rừng dựa vào cộng đồng và Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Những mô hình này đều góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời cho thấy tính hiệu quả của việc bảo tồn dựa vào cộng đồng.

Dự án cũng sẽ xác định những điểm nóng chợ buôn bán và nhà hàng phục vụ thịt động vật hoang dã; hợp tác với chính quyền địa phương để tăng cường thực thi pháp luật với sự kết hợp của nhiều ban ngành; và thúc đẩy hợp tác giữa Lào – Việt Nam trong cuộc chiến này. Điều tra đa dạng sinh học bằng những phương pháp đổi mới; giới thiệu và áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến trong các Khu bảo tồn,…

Thực tế hiện nay cho thấy đang có nhiều hạn chế trong thực thi pháp luật; sự phụ thuộc của người dân địa phương vào nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, cũng như hiểu biết ít về mối liên hệ giữa gìn giữ hệ sinh thái và sự thịnh vượng của cuộc sống con người.

Mối đe doạ lớn nhất: buôn bán, tiêu thụ thịt động vật hoang dã

Khu vực Trung Trường Sơn là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên liền mạch rộng lớn nhất châu Á. Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với 134 loài động vật có vú và hơn 500 loài chim. Đặc biệt, một số loài động vật quý hiếm và đặc hữu trong khu vực mới chỉ được khoa học biết tới trong mấy thập kỷ gần đây như Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và Mang lớn (Muntiacus vuquanghensis).

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), còn được gọi là "Kỳ lân châu Á" là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới chỉ sinh sống tại vùng rừng núi hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào; được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao La có chiều dài khoảng từ 1,3 đến 1,5 m; cao 0,9 m và nặng khoảng 100 kg. Nó có bộ lông màu nâu sẫm, sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: WWF
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới chỉ sinh sống tại vùng rừng núi hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào; được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao La có chiều dài khoảng từ 1,3 đến 1,5 m; cao 0,9 m và nặng khoảng 100 kg. Nó có bộ lông màu nâu sẫm, sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: WWF

Tuy nhiên, cũng như hầu hết các khu vực có thiên nhiên trù phú khác tại châu lục, sinh cảnh nơi đây đang bị đe doạ bởi nhiều hoạt động phát triển của con người như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp pháp và bất hợp pháp trên diện rộng; khai thác gỗ bất hợp pháp; và săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Hiện nay, mối đe doạ lớn nhất đối với các loài hoang dã trong khu vực là nạn đặt bẫy nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán, tiêu thụ thịt động vật hoang dã ngày càng cao, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết Dự án CarBi giai đoạn 1 trước đó đã hình thành được mô hình tuần tra cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của người dân địa phương vào công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên rừng. Sự hỗ trợ về kỹ thuật trong giai đoạn 1 cũng đã tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng của Khu bảo tồn Sao la và các ban quản lý rừng phòng hộ. Đây là những “bước đệm” quan trọng để tiếp tục các mục tiêu trong giai đoạn 2 của dự án.

Dự án CarBi giai đoạn 2 sẽ được triển khai bởi WWF – Việt Nam với nguồn tài trợ từ Bộ Môi trường, Bảo tồn và An toàn Hạt nhân của Liên bang Đức, tài trợ thông qua WWF và KfW – Ngân hàng Tái thiết Đức.

Đối tác chính của dự án tại hai tỉnh của Việt Nam là: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi Cục Kiểm lâm; Khu Bảo tồn Sao la; Vườn Quốc gia Bạch Mã và chính quyền các huyện và xã quản lý khoảng hơn100 thôn, bản của hai tỉnh.

L.Quỳnh
Theo Người Đô Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC